(VietNamNet) - Mỹ sẽ cung cấp tài chính (1,7 triệu USD), và Việt Nam sẽ đóng góp nhân sự cũng như các công tác hậu cần để hợp tác thực hiện một dự án mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quan hệ lao động. Dự án có tên gọi "Khuyến trợ quan hệ lao động lành mạnh tại nơi làm việc và tăng cường năng lực của các bên tham gia quan hệ lao động tại Việt Nam" và sẽ được triển khai trong vòng 3 năm.
Sáng qua (8/1), lễ khai trương dự án đã diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê , Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt và Phó Tổng giám đốc ILO Sally Paston. Trong khuôn khổ dự án, các cơ quan và tổ chức Việt Nam sẽ làm việc với ILO để cải thiện các định chế, luật và tập quán về lao động; đồng thời tiếp tục lành mạnh hóa quan hệ lao động ở cấp doanh nghiệp, tỉnh và quốc gia. 70 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và ngành nghề ở 7 tỉnh và thành phố (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc; Đà Nẵng ở miền Trung và Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM ở phía Nam) đã được lựa chọn và mời tham gia.
Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy đối thoại và cải thiện quan hệ giữa các bên tham gia lao động (người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng của Chính phủ), tăng cường tính hiệu quả của lao động và cải thiện quan hệ lao động tại nơi làm việc. Dự kiến, trong 3 năm tới, có sự trợ giúp của ILO, Viện Đào tạo Quốc gia về quan hệ lao động và các Trung tâm Dịch vụ tư vấn về quan hệ lao động trên toàn quốc cũng sẽ được thành lập để cung cấp thông tin và tư vấn cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng của Chính phủ.
Bộ Lao động Mỹ đã hỗ trợ 4,5 triệu USD cho Việt Nam, thông qua 6 dự án hỗ trợ lao động do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ILO... triển khai. Các dự án này đều được thực hiện trong 3 năm và có thể kéo dài khi cần thiết. | Trong cuộc họp báo nhân lễ khai trương, Đại sứ Mỹ Raymond Burghardt một lần nữa nhấn mạnh, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và báo giới nước ngoài rất quan tâm đến những tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Đây là thành phần không thể thiếu trong cạnh tranh hiện đại. Nơi nào không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, nơi ấy sẽ không nhận được đầu tư. Theo Đại sứ, Việt Nam luôn coi trọng các tiêu chuẩn và nỗ lực cải thiện điều kiện lao động, và nhờ đó, có thể giữ vững khả năng cạnh tranh.
Tại cuộc Hội thảo Toàn cầu hóa và ảnh hưởng của nó đến đối thoại xã hội và quan hệ lao động diễn ra sau lễ khai trương, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ LĐ-TB-XH đã đi sâu phân tích về quan hệ lao động trong các khu vực kinh tế của Việt Nam. Ở khu vực kinh tế quốc doanh, quan hệ lao động có ưu thế về tính ổn định do thừa hưởng quan điểm người lao động làm chủ từ nền kinh tế kế hoạch. Tuy vậy, nay giám đốc các doanh nghiệp nhà nước đã có thêm nhiều quyền hạn. Việc kiểm tra, giám sát giám đốc đang và sẽ thuộc về công đoàn - tổ chức đang nỗ lực đổi mới cho phù hợp với vai trò mới và ngày càng quan trọng của mình.
Trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện quan hệ lao động phù hợp là rất cần thiết cho sự phát triển của khu vực này. Nhất là khi phần lớn các doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp thuê công nhân nhưng vẫn đối xử như quan hệ trong gia đình, duy tình hơn duy lý. Cách quản lý này không phải không có những bất cập cần khắc phục.
Về phần khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đây là nơi xảy ra nhiều xung đột trong quan hệ lao động nhất. Nguyên nhân của không ít vụ việc không phát sinh trong quan hệ lao động, mà xuất hiện trong quan hệ xã hội thông thường do sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ. Một số nhà quản lý nước ngoài đã đối xử với công nhân Việt Nam theo cách họ đối xử với công nhân nước họ, và vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ người Việt Nam. Trong khi đó, tác phong của một bộ phận công nhân Việt Nam, đặc biệt là những người mới từ nông thôn ra thành thị làm việc, không phù hợp với môi trường công nghiệp hiện đại và chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Do đó, đối thoại xã hội giữa công nhân, người quản lý và cơ quan chức năng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự hiểu biết, hài hòa về văn hóa ứng xử nơi làm việc. Theo điều tra của Bộ LĐ-TB-XH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào thực hiện tốt hình thức đối thoại này, quan hệ và hoạt động của doanh nghiệp đều rất "êm".
|