Mặc dù Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội đã có dự án quy hoạch và xây dựng 6 làng nghề truyền thống tập trung từ năm 2001 nhưng đến nay mọi việc vẫn nằm trên giấy tờ. Khó khăn nhất chính là tiêu chí xây dựng làng nghề.
Huyện Đông Anh có hai xã Liên Hà, Vân Hà cũng nằm trong 6 dự án này. Ban Quản lý dự án huyện đã hoàn thành các thủ tục về dự án xây dựng khu sản xuất tập trung tại hai xã trên và đã trình hai lần lên Hội đồng tư vấn thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Ông Phạm Trung Tiến - Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, cho biết: "Khó khăn đầu tiên và lớn nhất đối với chúng tôi là không có tiêu chí xác định. Khi Thường trực Thành uỷ có chỉ đạo quy hoạch lại nghề và làng nghề, trước hết phải đưa ra những tiêu chí cụ thể để xác định rõ thế nào là nghề và làng nghề truyền thống. Nhưng cho đến nay việc xây dựng những tiêu chuẩn chung đó vẫn chưa thực hiện được".
- Việc xác định tiêu chí ngoài mục đích phân biệt rõ làng nghề và nghề truyền thống, còn có tác dụng gì, thưa ông?
Có tiêu chí rõ ràng sẽ giúp cho các cơ sở, ban, ngành và các địa phương xác định rõ hướng đầu tư và phát triển. Bởi vì mỗi làng nghề đều có một sắc thái riêng, nếu không có hướng phát triển đúng rất dễ trở thành manh mún, không có hiệu quả.
- Ngoài việc xác định tiêu chí, khó khăn nào là cơ bản mà các làng nghề đang phải đối đầu hiện nay nếu đưa vào sản xuất tập trung, thưa ông?
- Đó chính là vốn đầu tư. Nếu đưa vào sản xuất tập trung thì Nhà nước không thể áp dụng kiểu chỉ đầu tư bên ngoài hàng rào như các khu công nghiệp, mặc dù Thành uỷ đã có ý kiến chỉ đạo dân làm là chính.
Nhà nước hỗ trợ và tạo một số điều kiện cần thiết vì người nông dân sẽ không thể có đủ vốn để đầu tư toàn bộ các điều kiện bên trong hàng rào như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... Cần phải coi khu làng nghề là một dạng sản xuất tập trung khác với các khu công nghiệp để các cấp chính quyền, Nhà nước có hướng giải quyết.
Mục tiêu cơ bản của việc xây dựng các làng nghề truyền thống tập trung là nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn và hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có làng nghề gốm sứ Bát Tràng được tập trung xây dựng trong năm 2003-2004 để duy trì và phát triển nghề truyền thống gắn với làng văn hoá - du lịch - sinh thái. Ngoài ra thì vẫn chưa có làng nghề nào thực hiện được. Đây là khó khăn chung của tất cả các làng nghề.
(Theo Lao Động) |