(VietNamNet) - Sáng qua (7/1), Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định trước lãnh đạo các bộ ngành và 61 địa phương trong cả nước rằng: ''Năm 2003 là năm quan trọng bản lề của kế hoạch 5 năm (2001- 2005). Vì vậy, việc thực hiện kế hoạch của năm là cực kỳ quan trọng. Chính phủ nêu ra hướng thực hiện vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng GDP do Quốc hội đề ra là 7,5% trong năm 2003''.
|
Thi công đường dây điện cao thế |
Thủ tướng Phan Văn Khải, các phó thủ tướng Vũ Khoan và Phạm Gia Khiêm hôm nay và ngày mai sẽ chủ trì một hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các bộ ngành và 61 địa phương, nhằm triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách năm 2003.
Trong hôm nay và ngày mai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng sẽ trình bày các kế hoạch đặt ra đối với cả nước trong năm 2003. Các đại biểu cả nước qua đó sẽ hiến kế và cùng bàn bạc các giải pháp thực hiện nhiệm vụ quốc gia lớn nhất này.
Chú trọng 7 giải pháp tài chính quốc gia
Theo Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội (GDP) từ 7-7,5%, nhiệm vụ ngân sách đặt ra rất lớn. Bên cạnh việc thu ngân sách đạt trên 20% GDP, ngành Tài chính đồng thời tiếp tục thực hiện các ưu đãi về thuế để khuyến khích đầu tư, thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền (1.700 tỷ đồng /năm).
Về nhiệm vụ chi, ngân sách nhà nước đầu tư cho tất cả các lĩnh vực năm 2003 sẽ đều tăng. Ông Hùng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định phát hành công trái giáo dục 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, Tây Nguyên... và miền núi; Đề nghị các địa phương rà soát lại các nhu cầu đầu tư, chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực tại chỗ, đồng thời quản chặt ''tiền địa phương''.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương mở rộng thí điểm đấu giá quyền sử dụng đất, đẩy mạnh kế hoạch đưa cơ sở công nghiệp ra ngoại thành để phát triển quỹ đất đô thị; Sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng đưa ra 7 giải pháp tài chính quốc gia sẽ được chú trọng. Đó là việc quản lý ngân sách cần chặt chẽ hơn ở cả trung ương và địa phương; Tổ chức và tìm ra các giải pháp tài chính để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; Đẩy mạnh hiệu quả và sắp xếp lại hệ thống DNNN; Giám sát chặt hệ thống thu thuế và gian lận thương mại trong ngân sách; Đẩy mạnh thực hiện pháp lệnh về tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; Bảo đảm quyền tự chủ tài chính và chế độ trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp; Tổ chức triển khai Luật NSNN vừa được Quốc hội sửa đổi.
Điều chỉnh tiền lương tối thiểu là 290.000 đồng
Trong những định hướng chính của mình, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng chú trọng vào việc thực hiện chế độ tiền lương mới. Năm 2003, Chính phủ sẽ thực hiện hai nội dung cải cách là điều chỉnh tiền lương tối thiểu (290.000 đồng) và đổi mới cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Ông Hùng cũng phân tích, ''...tổng nhu cầu cải cách tiền lương năm 2003 trên 14.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo phương thức như trước đây, năm 2003 sẽ không có nguồn tăng chi đầu tư phát triển, tăng chi giáo dục khoa học, y tế, an ninh quốc phòng... khi đó sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Do vậy, để thực hiện chế độ tiền lương mới, Chính phủ phải để dành 3.700 tỷ đồng nguồn tăng thu của năm 2002 và trên 4.000 tỷ đồng tăng thu dự toán năm 2003. Ngân sách các địa phương cũng dành 50% số tăng thu năm 2003 so với dự toán thu năm 2002 Trung ương giao cho việc này.
Các đơn vị sự nghiệp có thu, các đơn vị thực hiện khoán chi hành chính dành tối thiểu 35% (khoản này các đơn vị hiện nay đang được sử dụng để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ) chính thức đưa vào quỹ lương để quản lý thực hiện, tránh ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện nhiệm vụ của các ngành này.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2003
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7%- 7,5%. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14 - 14,5%. Giá trị các ngành dịch vụ tăng 7- 7,2%. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5-8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 5%. Tạo việc làm mới cho 1,5 triệu người. Đào tạo nghề cho trên l triệu người. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn l2,5%. |
Các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương) dự toán năm 2003 để giao cho các Bộ, địa phương, sao cho sau khi tiết kiệm vẫn đảm bảo nhiệm vụ địa phương được giao. Đề nghị các Bộ, địa phương phân bổ, giao dự toán 2003 cho các đơn vị cũng phải đảm bảo nguyên tắc trên.
Nếu sau khi cả nước thực hiện các nguyên tắc trên mà thiếu thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung cho các Bộ, địa phương để đảm bảo nguồn thực hiện chế độ tiền lương mới. Đồng thời trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2003, chủ động dành 50% tăng thu so dự toán để gối đầu sang năm 2004.
Hôm nay (8/1), toàn thể Hội nghị sẽ cùng nhau thảo luận và thống nhất lần cuối cùng các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2003 và phương thức hành động của Chính phủ cũng như các địa phương để thực hiện mục tiêu đó.
- Nhóm phóng viên thời sự VietNamNet
|