(VietNamNet) - Sự kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cho phép Công ty cổ phần Tài chính Sài Gòn (SFC) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đà Nẵng hợp nhất thành Ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) Việt - Á được nhiều người trong cuộc coi là sự ''trở mình'' của hệ thống Ngân hàng TMCP, vỗn dĩ đang cần một cuộc cách mạng.
Đây là lần đầu tiên hình thức hợp nhất một ngân hàng với một công ty tài chính được thực hiện tại Việt Nam.
Việt - Á có vốn điều lệ trên 76 tỷ đồng, trong đó SFC đóng góp 70 tỷ đồng. Theo tân Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt - Á, họ sẽ nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng trong năm 2003.
SFC là một trong hai công ty cổ phần tài chính của Nhà nước. Tuy nhiên, điều kiện tại Việt Nam chưa thích hợp cho mô hình công ty này hoạt động nên SFC chủ động chọn hướng đầu tư vào ngân hàng.
Sự kiện trên không phải quá lạ lùng với những người trong cuộc bởi SBV từ lâu đã có chủ trương giảm bớt số lượng để tập trung vào chất lượng các ngân hàng ở Việt Nam. Thời gian tới, SBV tuyên bố vẫn tiếp tục khuyến khích một số ngân hàng cổ phần đang có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất. Cách đây không lâu, SBV đã có công văn chấp nhận về nguyên tắc cho Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nông thôn Cái Sắn sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phương Nam.
Việc sáp nhập, hợp nhất hay tăng vốn điều lệ không chỉ là một chủ trương khuyến khích các ngân hàng cổ phần thực hiện mà bản thân các ngân hàng này cũng tự nhận thấy nhu cầu đó là cần thiết.
Vốn quá nhỏ, năng lực hoạt động còn kém, công nghệ ngân hàng lạc hậu, dịch vụ ngân hàng còn quá đơn điệu (mới tập trung chủ yếu vào nghiệp vụ truyền thống là huy động và cho vay),... chính là những điểm yếu của phần lớn các ngân hàng TMCP hiện nay.
Chỉ còn không đầy 8 năm nữa, lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam sẽ phải mở cửa. Các ngân hàng nước ngoài với số vốn khổng lồ, công nghệ hiện đại, dịch vụ đa dạng... sẽ tung hoành trên thị trường Việt Nam. Do đó, làm sao khắc phục được những nhược điểm trên đang là đòi hỏi đặt ra nếu các ngân hàng này không muốn bị đè bẹp.
Kể từ sau chương trình 3 năm củng cố hệ thống ngân hàng cổ phần (1998 - 2001) của SBV, đến nay Việt Nam còn 36 ngân hàng TMCP được phép tiếp tục hoạt động (trước đây là 52 ngân hàng) với có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên (nếu ngân hàng tại Hà Nội và TP.HCM thì mức vốn điều lệ phải trên 70 tỷ đồng, các ngân hàng cổ phần nông thôn là trên 5 tỷ đồng). Tuy nhiên, mặc dù mức vốn tối thiểu đã được nâng song vẫn còn quá nhỏ so với một ngân hàng cỡ trung bình của các nước trong khu vực.
|