Đầu tư nước ngoài đi vào thực chất
13:32' 30/12/2002 (GMT+7)

Các chỉ số kinh tế trong năm 2002 đều tăng, chỉ có tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là giảm gần 50%. Phải chăng Việt Nam thực sự là ''con cọp cưỡi xe đạp'' đang bị bỏ quên ở khu vực Đông Nam Á? Liệu nhà ĐTNN có làm ngơ với Việt Nam?

Điều mà các quan chức của Bộ KH&ĐT e ngại hồi giữa năm đã trở thành hiện thực: Việt Nam đã không thể đạt được con số thu hút thêm 2 tỷ USD vốn ĐTNN trong năm 2002. Tính đến cuối tháng 11/2002, tổng vốn đăng ký trên cả nước chỉ đạt 1,17 tỷ USD với trên 600 dự án đầu tư, chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét vì con số này mà các quan chức tránh bình luận về tình hình thu hút ĐTNN. Ở Bộ KH&ĐT, vấn đề ĐTNN không còn nằm ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trong các thông điệp gần nhất, Chính phủ nhấn mạnh đến phát huy nội lực và huy động các nguồn lực đầu tư trong nước.

Các nhà quản lý lại tỏ ra có lý lẽ thuyết phục để biện minh cho tình hình. Ông Đào Xuân Đức, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT TP.HCM) cho rằng, ĐTNN vào TP.HCM tuy giảm một nửa so với năm ngoái nhưng nên xét trong hoàn cảnh nguồn vốn đầu tư toàn cầu cũng giảm 50%, không thể vì thế mà cho rằng môi trường đầu tư đang xấu đi. Mặt khác nhiều người lý luận rằng tổng số đầu tư giảm nhưng số dự án lại tăng (30% trên cả nước), đặc biệt các dự án nhỏ nhưng sử dụng nhiều lao động có thể đem tới doanh số cao mà đòi hỏi đầu tư thấp. Nói cách khác, không nên chỉ nhìn vào con số mà phải đánh giá tính hiệu quả của dự án.

Các nhà ĐTNN đang làm ăn tại Việt Nam đồng ý với quan điểm đó. Trong một diễn đàn gần đây nhất của Phòng Thương mại Mỹ tại TP.HCM, người ra đã ít nghe những lời ca thán về môi trường làm ăn từ phía các chủ DN. Ông Tom Siebert, Tổng giám đốc Công ty American Standard Việt Nam cho biết, nền kinh tế tăng trưởng tốt trong vòng hai, ba năm gần đây đã có tác động rất tốt đến hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, trong đó có công ty của ông.

Chris Helzel, Giám đốc đối ngoại của Nike khu vực Đông Nam Á cũng có những nhận xét lạc quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam. ''Môi trường kinh doanh một năm sau Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ tốt hơn rất nhiều và Chính phủ ngày càng sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ DN''.

Khá nhiều nhà đầu tư của những năm cuối thập niên 90 sau một thời gian củng cố chỗ đứng trên thị trường đang bước sang giai đoạn thu lợi nhuận, tự tin hơn, bắt đầu mở rộng sản xuất hoặc tính toán những dự án đầu tư mới. Không còn chuyện đổ vốn ồ ạt như những năm giữa thập niên 90, nay các nhà đầu tư có những bước đầu tư khôn ngoan hơn. Họ cân nhắc những lĩnh vực có khả năng thu hút vốn nhanh, bỏ tiền vào những ngành có lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động và xem xét kỹ về nhu cầu thị trường trước khi ra quyết định.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi