,
221
3361
Doanh nghiệp - Doanh nhân
thuongnhan
/kinhte/thuongnhan/
912054
Hà Nội: "Ấn định’’ 3 TCty cho 3 dự án trọng điểm
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

Hà Nội: 'Ấn định’’ 3 TCty cho 3 dự án trọng điểm

Cập nhật lúc 09:37, Thứ Năm, 22/03/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - UDIC, COMA và VINACONEX vừa được chỉ định là nhà đầu tư đàm phán thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) cho 3 dự án công trình trọng điểm của Hà Nội.

Sắp qua rồi cái thời các cơ quan trụ sở làm việc của các sở, ngành Thủ đô đang ’’đóng’’ tại các công trình nhà, biệt thự cũ kỹ xây từ thế kỷ trước. Ảnh: static.flickr.com

Sắp qua rồi cái thời các cơ quan của Thủ đô phải ’’đóng’’ trụ sở làm việc tại các công trình nhà, biệt thự cũ kỹ xây từ thế kỷ trước. (Ảnh: static.flickr.com)

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, 3 dự án công trình trọng điểm của Thủ đô kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa được chỉ định nhà đầu tư là Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng COMA, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC và Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam VINACONEX.

Theo đó, COMA là nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cung Trí thức Thành phố tại Khu đô thị mới Cầu Giấy; UDIC là nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Tòa nhà Văn phòng đại diện các tỉnh thành tại Khu đô thị mới Đông Nam Trần Duy Hưng và VINACONEX là nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Khu liên cơ quan hành chính của Thành phố cũng tại Khu đô thị mới Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội).

Theo quy định của Luật Đất đai 2003, các dự án đầu tư không sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước, có sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh thì phải thực hiện đấu thầu dự án. Tuy nhiên, thời điểm đó quy định này chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể nên UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội được thực hiện phương thức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án trên, và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả và tính minh bạch trong quá trình lựa chọn này.

Cung trí thức Thành phố, Tòa nhà Văn phòng đại diện các tỉnh thành, Khu liên cơ quan hành chính của Thành phố sẽ được xây dựng tại khu vực gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Ảnh: Phạm Hải).

Cung Trí thức Thành phố, Tòa nhà Văn phòng đại diện các tỉnh thành, Khu liên cơ quan hành chính của Thành phố sẽ được xây dựng tại khu vực gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Ảnh: Phạm Hải).

Sau khi hoàn thành, các nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình cho Thành phố, đồng thời được tạo điều kiện thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư, bảo đảm lợi nhuận hoặc thanh toán theo thoả thuận riêng tại hợp đồng BT. Trường hợp các Tổng Công ty đề xuất được thanh toán vốn đầu tư bằng tiền, UBND TP Hà Nội sẽ tiến hành kiểm kê, xác định cụ thể nguồn gốc nhà, đất, lên phương án thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất trụ sở hiện có của các sở, ngành, hội, hiệp hội cần di chuyển - làm cơ sở cân đối phương án tài chính thực hiện các dự án.

Trao đổi với VietNamNet, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng COMA (Bộ Xây dựng) cho biết: Ngay sau khi nhận được Quyết định giao nhiệm vụ này của UBND TP Hà Nội, COMA đã lên kế hoạch đàm phán và ký ký hợp đồng BT với cơ quan chủ trì đã được Thành phố uỷ quyền là Văn phòng UBND TP Hà Nội. Dự án đầu tư xây dựng Cung Trí thức Thành phố do COMA thực hiện là dự án duy nhất trong các dự án kể trên sử dụng hồ sơ dự án đã được Ban Quản lý dự án Văn phòng UBND TP lập.

Việc tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng BT sẽ được các cơ quan chuyên môn của Thành phố thực hiện với các nhà đầu tư đã được ’’ấn định’’ trên trong quý III/2007. Báo cáo nghiên cứu khả thi (nêu rõ cơ chế triển khai và kế hoạch tiến độ dự án) cũng sẽ được nhà đầu tư lập và trình duyệt trong thời gian này.

Hiện nay, phần lớn trụ sở làm việc của các sở, ngành Thủ đô được ’’đóng’’ tại các công trình nhà, biệt thự cũ xây dựng từ thế kỷ trước, đã ngót nghét trăm năm tuổi. Thiết kế kiến trúc cũng như diện tích sử dụng của các ngôi nhà, biệt thự cũ này không còn phù hợp với công năng của các cơ quan. Hơn thế nữa, các ’’trụ sở’’ cũ này lại nằm rải rác tại nhiều vị trí khác nhau trong nội thành và không phải nơi nào cũng thuận tiện. Đó cũng là một ’’bước cản’’ rất lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện đề án Chính phủ điện tử của Thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, còn gần 100 hội và hiệp hội của Trung ương và thành phố đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội cũng rất khó khăn về văn phòng làm việc. 63 tỉnh, thành phố khác cũng đang mong muốn có cơ quan, văn phòng đại diện tại Thủ đô. Nhất là, qua các dịp hội nghị quốc tế lớn diễn ra tại Hà Nội như: ASEM-5, diễn đàn APEC... mới thấy Thủ đô quả là quá thiếu các khách sạn, văn phòng cao cấp cũng như hệ thống chợ hiện đại (bao gồm các siêu thị và trung tâm thương mại).

Hà Nội đang tích cực giải quyết các nhu cầu bức thiết này bằng những dự án thiết thực: Khu liên cơ quan hành chính của Thành phố và Toà nhà Văn phòng đại diện các tỉnh, thành tại Khu đô thị mới Đông Nam - Trần Duy Hưng; Cung Trí thức Thành phố và Toà nhà Văn phòng các hội và hiệp hội tại Khu đô thị mới Cầu Giấy. Bốn công trình này cùng với Trung tâm Hội nghị Quốc Gia trên đường Phạm Hùng sẽ tạo ra một quần thể kiến trúc và trung tâm hành chính mới của Thủ đô.

  • Hoàng Huy

,
,