,
221
3361
Doanh nghiệp - Doanh nhân
thuongnhan
/kinhte/thuongnhan/
692936
“Người buôn tiền” của HSBC
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
,

“Người buôn tiền” của HSBC

Cập nhật lúc 07:05, Thứ Năm, 11/08/2005 (GMT+7)
,

Một tích tắc có thể mang về hay mất đi hàng triệu USD, tất cả tùy thuộc một quyết định. Chàng trai 31 tuổi đất Hải Phòng này đang được xem như một hiện tượng trong làng tài chính VN khi trở thành giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ của Tập đoàn Ngân hàng quốc tế HSBC tại VN.

Nhưng giấc mơ của Hải lại hoàn toàn khác: Hải đang nuôi một kế hoạch góp phần phát triển thị trường cho đồng nội tệ - một ý tưởng mới đầy tham vọng.

Soạn: AM 512657 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phạm Hồng Hải, Giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ của HSBC tại Việt Nam. Ảnh: Tuổi trẻ

Những “điệp vụ” triệu USD!

Tỉ giá hiện lên trên màn hình, bốc điện thoại đặt mua hay bán, tất cả là con số triệu USD. Nhưng thời gian tính toán, suy nghĩ và quyết định chỉ có một giây, có khi còn chưa đến. Đó là công việc thường nhật của những chuyên gia buôn tiền.

Mãi cho đến giờ, bạn bè cùng Trường Kinh tế TP.HCM vẫn không hiểu nổi tại sao một anh chàng “hiền như đất” ngày xưa giờ lại có thể theo đuổi cái nghề dành cho người có thần kinh thép thế này. Hải cười: “Thật ra cái gì cũng kèm với những rủi ro của nó. Bài học đầu tiên của tôi có được trên thương trường ấy là nguyên tắc hành xử “xác nhận trên điện thoại”.

Đây là nguyên tắc cơ bản để xác lập thị trường và nó khác bên ngoài nhiều lắm: một khi mình đã gật đầu “OK” tức là chuyện mua bán đã được xác định và không được thay đổi nữa. Thời gian tính bằng giây, anh không mua, người khác mua và giá trị nó thay đổi tức thì. Nó xác tín mạnh mẽ những giá trị của quyết định bản thân…”.

Hải kể về công việc của mình một cách nhẹ nhàng, bình thản. Anh luôn đến công ty thật sớm để tranh thủ cập nhật biến động của thị trường tài chính thế giới, vốn vẫn luôn sôi sùng sục suốt 24 giờ/ ngày, chuẩn bị mọi thứ cho một ngày “chiến đấu gian khổ”. Mà gian khổ thật!

Mỗi ngày Hải đối diện với khoảng 100 email công việc, trong đó hơn chục cái là có tiêu đề “khẩn cấp”. Rồi những cuộc ngã giá trên mạng, những món tiền chuyển ra, chuyển vào tài khoản và những cuộc họp nhóm, công ty để chuẩn bị cho những sản phẩm mới… Hải dùng một hình ảnh: “Công việc giống như một set tennis, nó đòi hỏi tốc độ, sự chính xác và đặc biệt là tính cạnh tranh cao”.

Hình như đó cũng là cách giải thích đơn giản nhất cho những “điệp vụ triệu USD” mà ngày nào anh cũng tham gia: hấp dẫn, có khi là may rủi nhưng không bao giờ là một ván bài: “Có những nguyên tắc mà người ta không thể nào vượt qua được: chỉ cần một phút mạo hiểm say sưa, Nick Leeson đã làm sụp đổ cả một vương triều Barings - một tập đoàn tài chính với hàng trăm năm lịch sử. Khi bạn ra một quyết định sai, mất vài chục triệu USD và trong sự tiếc nuối, hối hận, bạn có thể ra hàng loạt lệnh mua bán khác mà kết quả là ông chủ của bạn có thể mất tới vài tỉ USD và đương nhiên... phá sản!

Nghề buôn tiền có một luật riêng của mình: “Stop loss limit” - dừng lại ở một ngưỡng cho phép. Một quyết định mang lại lợi nhuận vài trăm ngàn USD có thể khiến máu bạn chảy rần rần trong huyết quản và lợi nhuận trước mắt khiến bạn dễ dàng có thêm nhiều quyết định chết người vài giây sau đó nếu không nhớ đến ngưỡng giới hạn trong nghề nghiệp mình”...

“Về nguyên tắc, nếu có trên 50% quyết định thắng thì đã là thành công trong nghề buôn tiền này rồi” - Hải mỉm cười kết luận một chút về nghiệp vụ căn bản của “nghề buôn tiền”.

Bước ngoặt đầu đời!

Hiện nay, trong ngân hàng dữ liệu chúng tôi có khoảng 9.000 hồ sơ của các ứng viên có mức lương từ 1.500 USD trở lên.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài liên tục xuất hiện tại VN nên nhu cầu nhân sự cho những vị trí cao cấp đang hết sức khan hiếm.

Chức danh manager (quản lý) thì không hiếm người Việt đảm nhận, nhưng từ vị trí director (giám đốc) thì khan hiếm người Việt ở những tập đoàn đa quốc gia.

Còn những vị trí cao cấp hơn như giám đốc nhân sự, giám đốc tài chính, giám đốc điều hành… thì người VN cực kỳ hiếm, có chăng là  Việt kiều từ nước ngoài về.

Với mức lương từ 3.000 USD trở lên các tập đoàn thường đòi hỏi nhiều yếu tố: bề dày kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược và khả năng chịu đựng các áp lực công việc… (Bà Tam Thanh Thiên Trang, phó giám đốc Công ty nhân lực NetViet).

Nhiều năm trước, Hải rời Hải Phòng vào TP.HCM chơi và chuyến đi ấy gắn cuộc đời cậu bé lớp 11 với mảnh đất này. Đã xa lắm rồi cái thời Hải ngồi co rúm người trong một góc lớp học của Trường Bùi Thị Xuân vì sợ cất giọng ra là bị bạn bè chọc ghẹo. Bây giờ anh nói chuẩn tiếng Bắc, tiếng Nam, tiếng Anh và một chút tiếng Pháp.

Ngày xưa, Hải là một người thích ngồi thu mình trong góc lớp, ăn nói vụng về và chẳng có chút gì nổi bật để có thể tán tỉnh cô gái xinh xinh trong lớp. Cái ngày xưa bình thường quá đỗi ấy đã biến mất khi một ngày Hải tìm ra được một con đường cực kỳ thích hợp cho riêng mình...

Năm 1995, 21 tuổi, Hải cầm tấm bằng quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế) về đầu quân cho HSBC trong một chọn lựa khá cân nhắc: anh đã vượt qua những vòng thi chọn gắt gao của Tập đoàn P&G cho chân quản lý bán hàng với mức lương hấp dẫn hơn nhiều so với một vị trí ở phòng kiểm soát tài chính của HSBC.

Nhưng cuối cùng, hình ảnh những anh chàng trẻ tuổi, tác phong hiện đại ngồi trong thị trường chứng khoán vẫy tay ra những động tác dứt khoát hoàn thành một thương vụ mua bán… đã chiến thắng.

Giờ nghĩ lại quyết định cách đây 10 năm, Hải thấy mình vẫn đúng. Nhưng thực tế không đơn giản một chút nào: tất cả phải học lại từ đầu. Hai năm làm kiểm soát tài chính, chôn chân trong một gian phòng nhỏ và đối mặt với những con số là một thử thách không nhỏ với một người ham thích sự vận động như Hải.

Nhưng đó lại là cơ hội nắm được bản chất các giao dịch, hiểu được đường đi của một sản phẩm tài chính. Bảy năm kế tiếp, làm nhân viên phòng kinh doanh ngoại tệ và vốn, đường đến ước mơ hé ra một chút nhưng phải học… học và học ghê gớm.

“Tiếng Anh không giỏi, mà suốt ngày dự các khóa tập huấn do chuyên gia Singapore đứng lớp - cực. Ăn nói lắp bắp, lại phải trình bày ý kiến trước toàn công ty - khổ. Trẻ người, non dạ và hiếu thắng, lại phải đối diện với việc chịu toàn bộ trách nhiệm cho những quyết định trong công việc của mình - mệt. Áp lực công việc, áp lực kiến thức và cả áp lực cuộc sống đè hết lên vai - đuối” - hình như đã có lúc Hải lâm vào tình trạng bi đát như thế. Và, như một lời trấn an, Hải viết một câu châm ngôn sống cho chính mình: “Mọi thứ đều có thể xảy ra!”.

Mỗi lúc nản lòng, cách duy nhất để lấy lại sự đam mê là nghĩ về mơ ước ngày xưa, rồi Hải tin chắc rằng một ngày nào đó anh sẽ góp phần làm được việc gì đó cho thị trường ngoại tệ VN. Rồi năm 2004, thị trường rục rịch chuyển động, những sản phẩm mới trên thị trường tài chính ra đời.

Một ngày của tháng 7-2004, Hải được ông Alain Cany, tổng giám đốc HSBC VN, gọi lên công bố quyết định bổ nhiệm anh làm giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ của HSBC tại VN. Theo thông lệ của các ngân hàng lớn, chức vụ này đều do người nước ngoài đảm nhiệm. Với HSBC trước đây vốn là một người Anh và sau đó là người Philippines.

Hải thú nhận: “Đây là một quyết định rất táo bạo của tập đoàn vì họ thường rất thận trọng trong việc bổ nhiệm những chức vụ liên quan đến rủi ro của thị trường, và chỉ cần một quyết định sai lầm là ảnh hưởng ngay đến tên tuổi, tài chính và uy tín của ngân hàng. Thú thật tôi cũng từng nghĩ đến việc lên chức, nhưng không nghĩ nó đến nhanh như thế...”.

Tháng 12-2004, các tờ báo tài chính đồng loạt đưa tin về một vụ hoán đổi lãi suất giữa USD và đồng bạc VN cho một công ty đa quốc gia với số vốn lên đến 15 triệu USD. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra và được nhận định là “động thái gây được sự chú ý trong giới tài chính nội địa vì đã tạo ra nền tảng cho các giao dịch phát sinh trong tương lai ở VN”. Hợp đồng hoán đổi lãi suất này do HSBC thực hiện và một trong những tác giả của nó chính là giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ của HSBC: Phạm Hồng Hải.

Theo Hải, trong điều kiện hiện tại, muốn hay không, cuộc cạnh tranh trong thị trường tài chính vẫn rất dữ dội với hàng chục ngân hàng. Những cú điện thoại hỏi han từ các tập đoàn đa quốc gia luôn làm Hải hào hứng, hàng loạt dự án sản phẩm mới của HSBC trên bàn anh vẫn đang chuyển động với một ước mơ đưa HSBC trở thành ngân hàng mạnh về kinh doanh vốn và ngoại tệ…

Nhưng đó không phải là tất cả, phía sau lưng nhà “buôn tiền” này còn có một báu vật, còn quí hơn tiền, luôn làm Hải mỉm cười ngay cả lúc anh bi quan nhất: ấy là cô con gái mới bốn tháng tuổi. Hải thú nhận: “Thú vui lớn nhất của tôi là xếp mọi thứ lại, trở về nhà và được bế cô công chúa yêu của mình...”.

  • Tiến Hùng - Trần Nguyên (Tuổi trẻ)

,
,