Ngã xe vì số xấu?
|
Chọn số đẹp |
Ông Phiên, nhân viên văn phòng, quyết định đổi số điện thoại mà ông đã dùng nhiều năm. Đổi số điện thoại gặp bao nhiêu chuyện phiền phức. Phải ký lại hợp đồng, phải tốn tiền, phải thông báo cho nhiều người quen số mới của mình... Nhưng ông vẫn quyết định đổi.
Một hôm, ông Phiên gặp một người khách lạ, tuổi trung niên. Lúc trao đổi số điện thoại xong, người khách hỏi: "Ông đã té xe lần nào chưa?". Ông Phiên giật mình đáp: "Hai lần rồi. Sao ông biết?". Người lạ mỉm cười bí hiểm. Thực ra thì cả hai lần ông Phiên bị té ít nhiều đều có liên quan đến bia rượu. Nhưng nghe người đàn ông lạ nói số điện thoại của mình có "thất tử tử" (tức các số 744) là ông Phiên thấy "bia rượu vô can" và cho rằng "thất tử tử" mới là "thủ phạm" làm mình té!
Ngay hôm sau, ông Phiên đi đổi số điện thoại. Đến cửa hàng điện thoại di động, cô bán hàng đưa ra danh sách. Ông liếc nhìn qua, thấy cả dãy số. Không khó để lựa một số mới không có "thất tử tử". Ông đóng tiền, ký hợp đồng, nộp một tờ photo CMND và hộ khẩu. Thế là ông Phiên có số điện thoại mới.
Từ hồi có số mới quả thật là ông chưa té xe lần nào. Không biết vì số điện thoại mới hay vì bây giờ ông cũng ít dám nhậu. Lúc trà dư tửu hậu, nhắc lại chuyện "thất tử tử" ông vẫn gân cổ lên cãi: "Tôi không tin đâu. Nhưng đổi số cho nó vui vui vậy thôi". Cứ "vui vui vậy" mà người bán có tiền và có cả hàng trăm cách kinh doanh số điện thoại cho người dùng thấy "vui vui".
Chuyện của ông Hoà, công chức, thì khác. Đang xài mạng Mobi, thấy Viettel ra giá rẻ hơn, có khuyến mãi và quảng cáo là vùng phủ sóng rộng, ông đi đổi điện thoại. Vào chọn số, cô bán hàng dịu dàng đưa ông tờ danh sách photo. Ông nhìn thấy có số điện thoại có 4 số cuối trùng với số xe gắn máy của mình. Ông chọn ngay số đó. Thế là ông hớn hở đi khoe số điện thoại mới.
Mấy người trẻ hơn ông làm chung cơ quan nói: "Anh xưa như... trái đất! Anh muốn số gì: trùng ngày sinh, trùng số xe máy hay anh thích số tiến, số gánh, thần tài, tứ quý. Muốn gì để tụi em lựa cho". Nghe mấy cậu trẻ kể chuyện ông mới thấy mình... xưa thật!
Tiền triệu - thường thôi!
Những người như ông Phiên, ông Hoà là khách hàng của dịch vụ mua số đẹp một cách thụ động. Còn có nhiều người chủ ý đi tìm số đẹp cho mình. Và họ mới chính là "đối tượng phục vụ" của những người bán số đẹp.
Thế nào gọi là "số đẹp"? Thực ra chẳng có tiêu chuẩn nào. Ai cũng chỉ "nghe người ta nói". Và họ nói lại rồi chọn theo. Thế là cắn câu! Các cửa hàng thường đặt giá cao nhất cho số 168 vì nó là "nhất lộc phát". Các số tứ quý (4 số trùng nhau), các số 6868, 6688 cũng được bán giá cao. Các số gánh (717, 363...), số tiến (45678, 23456...) đứng sau. Số thần tài (79, 39) cũng được đặt giá cao.
|
Tiền triệu - thường thôi! (bảng số đẹp rao bán trên một website) |
Giá cả thì vô chừng. ở các cửa hàng bán điện thoại di động hiện nay đều có thêm dịch vụ số đẹp. Giá được ghi sẵn trong danh sách. Từ vài trăm ngàn cho số dễ nhớ đến 2 - 3 - 4 triệu đồng cho các số lộc - phát, tứ quý, thần tài. Cao hơn nữa thì trong bảng giá chỉ có chữ "gọi". Nếu khách chọn thì cửa hàng sẽ gọi đến nơi bán và ra giá cụ thể.
Một người có cửa hàng điện thoại di động ở quận 1 giải thích: Các công ty giao đại lý; đại lý giao sim cho cửa hàng: cả hai đều giao theo nguyên block gồm một dãy số. Cửa hàng mới chọn ra những số đẹp bán giá cao hơn, còn các số khác bán bằng giá của công ty. Những số đẹp được lựa ra thành danh sách riêng và tuỳ theo "đẹp" đến đâu mà ra giá. Cửa hàng bán cho đại lý thì cửa hàng ăn hoa hồng.
Chị Nga, một khách hàng mới mua một số điện thoại "lộc phát" với giá 3,5 triệu đồng kể chuyện: "Đấy là tôi đã bớt được 20%! Hôm đó là thứ bảy. Tôi đi tìm mua một sim số đẹp tặng chồng. Đến hãng, tôi chọn được hai số, một số trùng ngày sinh của anh ấy và một số trùng số điện thoại nhà, nhưng cả hai số đều mới ngưng dịch vụ được mấy tháng nên tôi không mua. Có người quen mách tôi mới biết ra cửa hàng để chọn.
Ra đó, tôi chọn được mấy số nhưng họ đều gọi về đại lý hỏi giá và không bớt cho tôi xu nào! Nhưng nhờ đó, tôi biết số điện thoại của đại lý. Hôm sau, nhằm chủ nhật, tôi gọi trực tiếp đến đại lý và đặt số mà tôi thích. Họ đồng ý bán và bớt 20%, đúng bằng hoa hồng của cửa hàng. Ngày chủ nhật, họ cũng cho người đến nhà làm hợp đồng, mình chỉ việc chồng tiền. Họ hẹn sau 1 giờ 30 phút hoà mạng là đúng y chang! Dịch vụ số đẹp, chơi đẹp và chặt cũng đẹp thật"!
Sau 1 tỷ là 250 triệu!
Trong nửa đầu năm nay, số lượng điện thoại di động bán ra là 1,6 triệu cái, bằng tổng số bán của cả năm ngoái. Hiện nay, cả nước đã có 7 triệu máy điện thoại di động đang hoạt động. Năm 1997, khi báo chí đăng tin về vụ án Epco - Minh Phụng có một chi tiết: ông Liên Khui Thìn xài hai máy điện thoại di động. Đó là điều hiếm có lúc ấy. Bây giờ sử dụng hai máy là điều bình thường. Nhu cầu điện thoại di động tăng. Chuyện quảng cáo, buôn bán số đẹp đã xuất hiện như dịch vụ kèm theo không thể thiếu và cũng chưa ai xác định được doanh số của nó là bao nhiêu.
Buổi tối cuối năm 2004, số điện thoại được coi là "đẹp nhất Việt Nam" là số 098.888.8888 đã được bán với giá kỷ lục 1,01 tỉ đồng. Kỷ lục này đến nay chưa bị phá (và số máy này cũng chưa hoà mạng!!!). Hai sim được ghi nhận có giá cao "hạng nhì" là 2 sim 999.999 được rao bán trong mục "số VIP" của một trang web với giá 250 triệu đồng/sim.
Một nghịch lý đang xảy ra là qua mỗi năm, giá thuê bao, hoà mạng, dịch vụ liên tục giảm. Nhưng giá số đẹp thì không giảm. ở các cửa hàng cũng đã có dịch vụ gọi vào số máy đang sử dụng để đề nghị... mua lại số. Họ gom sim theo cặp, chờ người có nhu cầu thì bán lại.
Nếu bạn có số điện thoại "đẹp", một ngày nào đó bạn có nhận được một cuộc gọi đến và hỏi mua số thì cũng đừng ngạc nhiên. Cứ đà này, nếu Tú Xương sống lại, có khi ông sẽ viết: "Phen này ông quyết đi buôn số"!
(Theo SGTT)