(VietNamNet) - Những ghi nhận của Trung tâm thông tin thương mại tuần này cho thấy, trong khi giá thóc gạo, lương thực ở miền Bắc đang tăng thì ở Đồng bằng sông Cửu Long lại giảm. Hai diễn biến trái chiều càng cho thấy tác động rõ nét của cơn bão số 7 lên giá cả.
>> Toàn cảnh bão số 7 >> Hà Nội: Thực phẩm tăng giá vì bão
Hiện nay, tại một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình giá thóc lúa đã tăng 100 - 150 đồng/kg lên 2.500 - 2.550 đồng/kg; giá gạo tăng 100 - 200 đồng/kg lên 4.000 - 4.100 đồng/kg.
Tại các địa phương này, cơn bão số 7 vừa qua đã tàn phá mùa màng trên diện rộng, nhiều vùng bị nhiễm mặn, hệ thống thuỷ lợi bị tàn phá nên chưa thể đi vào trồng trọt ngay được mà phải đầu tư khá lớn để cải tạo. Vì vậy, có khả năng, giá thóc gạo ở phía Bắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
|
Giá thịt lợn tại nhiều địa phương tăng do nguồn cung giảm. |
Bên cạnh đó, nguồn hàng giảm sút là nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn hơi tại Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn tăng 500 - 1.000 đồng/kg, lên 15.000 - 15.500 đồng/kg. Giá thịt lợn mông sấn ở một số nơi như Nam Định, Thái Bình đã tăng lên 1.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg, tại Lạng Sơn tăng 2.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm của các chủ hàng, ảnh hưởng do bão, những tác động lâu dài của dịch cúm gia cầm sẽ khiến cho thực phẩm, nhất là hai mặt hàng thông dụng: lợn và gà sẽ tiếp tục căng thẳng về nguồn cung, giá cả sẽ còn leo thang.
Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, nơi tiêu thụ khá nhiều hàng hoá của nông dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng, giá cả đã không có nhiều biến động lớn. Mặt hàng được cho là sẽ biến động lớn là thuỷ sản tuy có tăng giá nhưng không cao.
Khảo sát vào chiều ngày 6/10 cho thấy: một số mặt hàng thuỷ sản tiêu thụ mạnh hàng ngày như cá đông lạnh, tôm đang bơi có tăng nhẹ. Cá đông lạnh khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg tăng khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg, tôm đang bơi từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, tăng khoảng 5 ngàn đồng/kg. Theo phản ánh, nguồn hàng về các chợ vẫn được đảm bảo, không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của các hộ.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cả có thể sẽ tăng hoặc đứng ở mức cao trong thời gian tới. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng do bão thì các tác động về tăng lương, nhu cầu tiêu thụ tăng cao cũng là những nguyên nhân đáng kể. Tuy nhiên, tăng giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Về mặt quản lý, các mặt hàng trên không thuộc diện Nhà nước quản lý giá, Bộ Thương mại cho rằng, giá cả sẽ sớm trở lại ổn định theo sự điều tiết của thị trường. Khi cần thiết, Bộ sẽ có những biện pháp gián tiếp để bình ổn giá.
Trái ngược với miền Bắc, giá thóc gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khá ổn định, thóc hè thu phổ biến 2.250 đ/kg; gạo tẻ thường 3.500-3.600 đ/kg. Thậm chí ở một số địa phương, ảnh hưởng của lũ về giá giá thóc tuần qua giảm 100 đ/kg, còn phổ biến 2.200 đ/kg. Bên cạnh đó. giá thực phẩm cũng ổn định.
|