(VietNamNet) - Trao đổi với PV VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DNNN của Hà Nội, ông Nguyễn Thế Quang, cho biết, sẽ thay thế người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình.
>>Công ty cổ phần "hy sinh" lợi ích cho Hải xồm
|
Ông Nguyễn Đình Cung: "Theo tôi những DN nhỏ như Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình nên bán đấu giá công khai". Ảnh PV. |
Ông Nguyễn Thế Quang cho biết, những việc sai phạm xảy ra tại Công ty sẽ được xem xét tại cuộc họp của Ban Đổi mới và Phát triển DNNN Hà Nội vào thứ 6 (7/10) tới. Tại cuộc họp này, ban sẽ kiểm tra, đánh giá lại năng lực cũng như trình độ quản lý của người đại diện phần vốn nhà nước (ở đây là bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT công ty - NV), sau đó sẽ cử người thay thế cũng như đưa ra quyết định kỷ luật bà Hà trong việc không hoàn thành trách nhiệm của mình.
Không thấy "mặt mũi" của Ban Kiểm soát
Về những sai phạm này, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách vĩ mô (Viện Quản lý Kinh tế TW), cho rằng, 3 năm mà công ty không ĐHCĐ là sự việc rất bất thường, vì luật lệ quy định ít nhất là một năm phải đại hội một lần. Ông Cung nhận xét, trong trường hợp này các cổ đông cũng đã sai sót. Họ đã không nhận thức được quyền lợi của mình.
Luật DN quy định, đối với công ty cổ phần, chậm nhất trong vòng 4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính (tức là hết 30/4 của năm tiếp theo) phải tổ chức ĐHCĐ. Nếu ban lãnh đạo công ty không làm thì cổ đông có quyền yêu cầu HĐQT phải triệu tập đại hội. Trong trường hợp vẫn không ĐHCĐ được, HĐQT phải xin ý kiến và báo cáo lên cổ đông để họ nắm được tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty. |
Việc ông Giám đốc Lương Tuấn Hải đem tài sản của công ty cho thuê lại để hưởng chênh lệch, theo ông Cung, là có dấu hiệu của giao dịch tư lợi. Theo Luật DN, bất cứ hoạt động nào của DN liên quan đến bên có liên quan với DN cần phải xin phép HĐQT hoặc đại hội cổ đông (ĐHCĐ), để xem giá giao dịch ở đây có đúng với giá thị trường hay không.
Trong trường hợp có vi phạm (tức giá giao dịch thấp hơn so quy định của Nhà nước), cổ đông có quyền: 1/kiện ra tòa án về việc HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền hạn của mình, gây thiệt hại cho công ty, phải bồi hoàn lại cho công ty; 2/ triệu tập ĐHCĐ bãi miễn HĐQT. Trong trường hợp HĐQT đồng thời là cổ đông đa số thì phải kiện ra tòa án kinh tế đòi bồi thường thiệt hại cho công ty và cổ đông thiểu số.
Ông Nguyễn Đình Cung thắc mắc, trước những sai phạm rành rành như vậy đã không nhìn thấy "mặt mũi" của Ban Kiểm soát trong công ty đâu cả. Cổ đông hoàn toàn có quyền yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra xem tình hình tài chính công ty như thế nào để ngăn chặn những hành vi gian lận, vì để càng lâu, sự việc càng trở nên nghiêm trọng. Áp lực của cổ đông đối với HĐQT sẽ ngày càng giảm và người ta có cảm nhận rằng, cổ đông đã không làm gì cả.
Nên bán đấu giá công khai
"Nếu trách cổ đông một thì trách cổ đông nhà nước mười, thậm chí là cả hàng trăm lần. Chính người đại diện cho phân vốn nhà nước, được Nhà nước bổ nhiệm mà làm ngơ trước lợi ích của cổ đông thì cần loại bỏ ngay trong cơ cấu. Anh là người có đủ khả năng ảnh hưởng đến quyết định của HĐQT mà lại không làm gì thì thật đáng trách và theo tôi, những người như vậy thì nên miễn nhiệm. Phải có cơ chế giám sát, đánh giá việc họ thực hiện, hiệu quả công việc và nên đánh giá 6 tháng/lần. Đây là áp lực buộc họ phải làm việc, trung thành với lợi ích của Nhà nước và cổ đông", ông Cung nói.
Rõ ràng, nếu xảy ra giao dịch tư lợi như vậy mà cổ đông nhà nước - chiếm 43% là rất lớn - theo ông Cung lại không can gián thì có nghĩa là bằng cách đó đã tuồn giá trị công ty và lợi ích, tài sản cổ đông ra ngoài.
Hiện nay, một trong những quyền của cổ đông là được tự do chuyển nhượng cổ phần. Đây là một điểm mạnh, mà cũng là điểm yếu của công ty cổ phần, bởi chính việc chuyển nhượng tự do sẽ dẫn tới thâu tóm quyền lực. |
Mấu chốt của vấn đề này chính là việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Ông Cung cho rằng, nếu quyền chủ sở hữu nhà nước phân tán, kém hiệu lực; người thực hiện cũng chỉ là người đại diện, lại không có cơ chế giám sát thì nguy cơ lạm dụng quyền lực để phục vụ lợi ích riêng hay lợi ích của người khác, mà không phải là chủ sở hữu, là rất lớn. Hiện tượng này đang xảy ra ở một tỷ lệ không nhỏ các DN cổ phần hóa của Việt Nam.
"Theo tôi, nếu Nhà nước cảm thấy quyền chủ sở hữu của mình xa quá, không thực hiện được, hoặc giữ lại mà lợi ích nó mang lại không bằng bán đứt một lúc thì nên bán. Mà đối với những công ty như CP AUDV Du lịch Ba Đình - những DN nhỏ như thế - thì nên bán đứt, bán đấu giá công khai để thu lại phần vốn. Nếu cho thuê cũng cho thuê một cách công khai, hoặc đấu thầu cho thuê, còn không giao dịch tư lợi nhiều lắm. Đối tượng có thể tham gia vào giao dịch tư lợi cũng rất nhiều, nhất là đối với những người có quyền chức. Họ không trực tiếp thì con cái, anh em, họ hàng họ... 10 người, chứ hàng trăm người cũng có".
Nói như ông Hồ Xuân Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo và phát triển DN, tại một cuộc hội thảo về cổ phần hóa gần đây, thì DN nào Nhà nước nắm cổ phần càng ít thì quản trị kinh doanh càng tốt, minh bạch về tài chính còn cao. Đối với DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì quản lý của Nhà nước "lỏng" hẳn so với DN 100% vốn nhà nước. Quyền cổ đông không đạt được so với công ty cổ phần mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.
|