Công ty cổ phần "hy sinh" lợi ích cho Hải xồm
04:10' 05/10/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Không tổ chức đại hội thường niên, không báo cáo tài chính hàng năm, không chia cổ tức cho cổ đông, nhiệm kỳ đã quá thời hạn nhưng HĐQT và Ban Giám đốc vẫn nghiễm nhiên tại vị... là những gì đang xảy ra tại Công ty CP Ăn uống Dịch vụ (AUDV) Du lịch Ba Đình, Hà Nội.

Soạn: AM 569683 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Vẫn tồn tại tình trạng thành lập công ty con của "người nhà" để phục vụ mục đích cá nhân. Trong ảnh trên là quán bia Hải xồm, dưới là biển hiệu Công ty CP Hương Nam. Ảnh Lê Anh Dũng.

Công ty CP Ăn uống Dịch vụ (AUDV) Du lịch Ba Đình có trụ sở tại 168 Quán Thánh (Hà Nội), chính thức CPH theo Quyết định 5659/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, kể từ ngày 1/1/1999. Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của công ty là gần 2,65 tỷ đồng. Vốn của Nhà nước chiếm gần 43%, số còn lại là vốn của các cổ đông trong và ngoài công ty.

Bỏ trắng quyền lợi của cổ đông

Theo quy định của điều lệ công ty, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sẽ được tiến hành mỗi năm một lần. Song, kể từ lần đại hội đầu tiên (4/2002) đến tận tháng 9/2005, công ty mới tiến hành đại hội. Lý do được Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thanh Hà, đại diện cho phần vốn Nhà nước, đưa ra hôm 5/9 vừa qua là "hoạt động kinh doanh của công ty chưa thu được nhiều lợi nhuận, một số phương án kinh doanh còn khó khăn về thủ tục chưa triển khai được nên chưa có nhiều nội dung để báo cáo với cổ đông, mà tổ chức đại hội lại tốn kém kinh phí" (??!).

Do vậy, đến tận 23/9/2005, sau 3 năm hoạt động, trước sự phản ứng gay gắt của các cổ đông, công ty mới tiến hành ĐHCĐ lần hai. Song, đã hai ngày trôi qua, mọi việc vẫn không được giải quyết. ĐHCĐ bất thành. Căng thẳng bùng lên khi cổ đông đồng loạt bỏ về giữa chừng đại hội, trong khi các vấn đề bức xúc còn nguyên. Trưa 26/9/2005, phần lớn các cổ đông của công ty đã kéo nhau lên kiến nghị UBND quận Ba Đình và lãnh đạo TP Hà Nội.

Cũng chính vì không tổ chức ĐHCĐ thường niên, nên trong suốt hơn 3 năm sau kỳ đại hội thứ nhất, Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình hàng năm không có báo cáo tài chính, không có phương án kinh doanh. Đến khi chuẩn bị tiến hành đại hội lần hai, HĐQT và lãnh đạo công ty mới đưa ra bản báo cáo Tổng kết hoạt động kinh doanh nhiệm kỳ II (2002-2005) và phương hướng nhiệm kỳ tới (2005-2008).

Song, do không có chữ ký của Chủ tịch HĐQT cũng như con dấu pháp lý của công ty nên các cổ đông không chấp nhận. Theo như bản  báo cáo này, trong 3 năm qua, tổng doanh thu của công ty là trên 2,24 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế là gần 111,9 triệu đồng. Tổng số tiền để chia cổ tức cho cổ đông trong 3 năm là 113,2 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, cổ đông không được chia một đồng cổ tức nào.

Như vậy, quyền lợi của người lao động và cổ đông đang bị vi phạm. Từ hàng trăm lao động thời điểm trước CPH, đến nay, công ty chỉ còn 6 người (3 người làm văn phòng, 2 người bán hàng tại số 3 Quán Thánh và 1 bảo vệ). Số lao động còn lại hết việc, bỏ ra làm riêng, tự bươn chải cho cuộc và tự đóng bảo hiểm xã hội. Cổ đông thì vẫn "trắng tay".

Tiền nhà nước chui vào túi riêng

Trong lá đơn kiến nghị gửi Thanh tra Nhà nước, UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội ngày 26/9, các cổ đông công ty nêu rõ sai phạm của Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty "trong việc ký kết các hợp đồng kinh tế có giá trị hơn 20% tổng giá trị tài sản ghi trên sổ sách (khoản 33.1 Điều lệ công ty) phải thông qua ĐHCĐ. Trên thực tế thì Chủ tịch HĐQT và giám đốc công ty đã ký hợp đồng với tổng giá trị vượt trên 100% vốn điều lệ của ty".

Hiện nay, tài sản của Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình gồm 6 địa điểm, là trụ sở 168 Quán Thánh (diện tích đất là gần 360m2, diện tích sàn xây dựng 251m2); nhà hàng Nghĩa Đô (91 Hoàng Quốc Việt) 484 m2; Nhà hàng Ngọc Lan (115 Nguyễn Thái Học) 269m2 nhân 3 tầng; địa điểm số 3 Quán Thánh; số 3 Nguyễn Biểu và tầng trệt số 2 Nguyễn Văn Ngọc 1.026m2. 

Mặc dù QĐ 5659/QĐ-UB nêu rõ ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng ăn uống giải khát; đại lý bán buôn, bán lẻ hàng ăn uống và các mặt hàng lương thực thực phẩm; cho thuê văn phòng; kinh doanh khách sạn, nhà trọ, du lịch, lữ hành... song, theo lý giải của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà tại văn bản trả lời kiến nghị cổ đông ngày 5/9, thì "thời gian đầu nhiệm kỳ, HĐQT đã rất quan tâm đến xây dựng phương án tổ chức kinh doanh tại các địa điểm trên. Tuy nhiên, do cơ sở nhà hàng xuống cấp, lại rơi vào các tuyến phố một chiều, không được để xe đạp xe máy, công ty không có vốn đầu tư... vì vậy HĐQT đã tính toán cho thuê có hiệu quả hơn và đã ra nghị quyết tập thể phương án cho thuê".

Do vậy, từ 8/2002, Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình đã nhất trí cho thuê nhà 3 tầng tại 115 Nguyễn Thái Học cho Công ty TNHH Tiến Nam trong vòng 10 năm, giá 25 triệu đồng/tháng với toàn bộ nhà cửa vật kiến trúc 3 tầng trên diện tích mặt bằng 257m2 để sử dụng và khai thác kinh doanh khách sạn nhà hàng ăn uống.

Các cổ đông cho rằng, việc cho thuê lại tài sản của Nhà nước với mức chênh lệch cao để thu lợi riêng là sai điều lệ công ty, trái pháp luật, làm thiệt hại tiền của Nhà nước. Đó là chưa kể, từ tháng 11/2004 đến 8/2005, Công ty CP Hương Nam còn không trả tiền nhà cho công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình. Theo quy định trong hợp đồng, nếu sử dụng sai mục đích cho thuê hoặc chậm không trả tiền nhà hàng tháng sẽ phải chấm dứt hợp đồng, nhưng đến nay, hợp đồng này vẫn đang còn hiệu lực.

Tuy nhiên, đến 30/1/2004, ông Lương Tuấn Hải (chủ mạng lưới quán bia hơi "Hải xồm"), Giám đốc Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình, người đang tại vị với số cổ phần xấp xỉ 6% (cùng với số cổ phần của người nhà, tổng số cổ phần vào khoảng 17%) - đã ra quyết định thanh lý hợp đồng với Tiến Nam với lý do "không có địa điểm đỗ xe phục vụ kinh doanh ăn uống giải khát".

Ngay lập tức, ngôi nhà này được Công ty CP Hương Nam thuê. Và đây chính là công ty riêng của ông Lương Tuấn Hải. Thời gian cho thuê cũng trong  10 năm (đến 2014), với mức giá cũng 25 triệu đồng/tháng và những điều khoản có lợi cho bên B. Theo đó, Hương Nam có quyền "được cho thuê lại cả hoặc một phần nhà đang thuê". Chính vì thế mà ngôi nhà 115 Nguyễn Thái Học tiếp tục được Công ty Hoàng Tử thuê lại của Công ty CP Hương Nam, với mức giá cao gấp nhiều lần ban đầu, khoảng 17.000 USD/tháng.

Toàn bộ các hợp đồng ký kết trên giữa Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình với Công ty TNHH Tiến Nam, Công ty CP Hương Nam cổ đông của công ty không hề hay biết. Theo như khoản 33.1 Điều lệ công ty, thì "đối với hợp đồng có giá trị lớn hơn 20% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán công ty thì phải được ĐHCĐ chấp thuận trước khi ký. Cổ đông hoặc có người có liên quan là bên ký hợp đồng không có quyền được biểu quyết".

Như vậy, với mức giá 25 triệu đồng/tháng cho thuê, tính trên diện tích xây dựng 921m2, thì bình quân giá cho thuê chỉ vào khoảng 27.000 đồng/m2, chỉ bằng khoảng hơn một nửa so với quy định tại QĐ 49 ngày 4/7/2001 của UBND TP Hà Nội về giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước và giá thuê đất trong khuôn viên khi cho các tổ chức kinh tế - xã hội thuê để sản xuất, kinh doanh (là 50.000 đồng/m2 đối với nhà cấp I, cấp III).

Hơn nữa, sau khi Hương Nam cho Hoàng Tử thuê lại với giá 17.000 USD/tháng, thì số tiền chêch lệch khổng lồ (chỉ cần dùng phép tính đơn giản, nếu thuê 25 triệu đồng/tháng thì thu 300 triệu đồng/năm, 10 năm là 3 tỷ đồng. Song,  cho thuê lại với giá 17.000 USD/tháng thì một năm thu tới trên 3,2 tỷ đồng, 10 năm là 32 tỷ đồng) 29 tỷ đồng chui vào túi ai? Tất nhiên, không phải là "túi" của Nhà nước. 

Sẽ tư hữu hóa vốn Nhà nước?

Một trong những dấu hiệu khiến cổ đông công ty lo lắng, đó là có dấu hiệu mất vốn Nhà nước trong công ty. Cố tình không báo cáo tài chính hàng năm, không giải trình phương án kinh doanh, đưa ra kết luận rằng công ty không đủ tiềm lực tài chính kinh doanh... để đẩy công ty dần dần đến thua lỗ. Khi đó, phần vốn của Nhà nước trong công ty rất dễ dàng bị mua lại để trục lợi.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Quản lý Kinh tế TW), cho rằng, rất nhiều công ty cổ phần hiện đang vấp phải 3 mâu thuẫn: giữa cổ đông và HĐQT; giữa cổ đông với nhau (cổ đông lớn và cổ đông nhỏ) và giữa công ty và chủ nợ. Vấn đề xảy ra ở Công ty CP AUDV Du lịch Ba Đình là mâu thuẫn giữa cổ đông và HĐQT. Vấn đề ở đây là HĐQT đã lạm quyền.

Về bản chất, những người ở HĐQT được cổ đông tín nhiệm ủy quyền điều hành nhưng vì người ủy quyền (cổ đông) không giám sát, không có năng lực và kinh nghiệm giám sát, dẫn đến hiện tượng lạm quyền trong điều hành trong ty, lạm dụng chức vụ quyền hạn vị thế thông tin để phục vụ cho lợi ích riêng, không trung thành với quyền lợi hợp pháp của cổ đông, không vì lợi ích cổ đông.

Một bài học và một nguy cơ trong quá trình cổ phần hóa.

  • Quang Duy

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM cho hộ thu nhập thấp vay tiền mua nhà (04/10/2005)
Hội chợ đồ gỗ TP.HCM giúp đẩy mạnh xuất khẩu (04/10/2005)
Tăng 50% doanh thu trong "Tháng bán hàng khuyến mãi " (04/10/2005)
Đà Nẵng: 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh (03/10/2005)
Xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất từ trước tới nay (03/10/2005)
Kỷ lục mới về xe đắt tiền ở VN (03/10/2005)
Hà Nội: Chung cư cũ đắt khách! (02/10/2005)
Xây dựng ngân hàng thông tin xuất khẩu (02/10/2005)
Hà Nội "cháy" phòng cưới (02/10/2005)
Đi mua biển số xe giả (02/10/2005)
Yamaha gọi bốc thăm trúng thưởng là "học bổng" (01/10/2005)
300 gian hàng tham gia Festival cà phê Buôn Mê Thuột (01/10/2005)
TP.HCM: Lắp đặt điện thoại cố định còn 400.000 - 600.000 đồng (30/09/2005)
Giá ga tăng 18.000 đồng/bình (30/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang