(VietNamNet) - Theo dự báo của các cơ quan chức năng, giá cả tháng 10 và các tháng cuối năm 2005 sẽ còn tiếp tục căng thẳng.
Trong 9 tháng đầu năm 2005, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn: hạn hán diễn ra gay gắt và kéo dài trên diện rộng, sau đó lại bão lũ gây ngập úng tại nhiều tỉnh; dịch bệnh, dịch cúm gia cầm tái phát và đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, cùng với đó, giá nhiều loại vật tư - hàng hoá thế giới tăng đã tạo sức ép tăng giá bán nhiều mặt hàng trong nước, đặc biệt những mặt hàng quan trọng như: lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phân bón, thép, xăng dầu... Tuy nhiên, hiện tượng "sốt" giá đã không xảy ra.
|
Rau quả - thực phẩm sẽ tăng giá trong những tháng cuối năm. |
Theo dự báo, trong tháng 10, vẫn còn nhiều nhân tố bất lợi đối với sự bình ổn giá như: tình hình bão lụt, nhu cầu tiêu dùng vào cuối năm tăng cao, nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất trong nước được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá một số mặt hàng nông sản như gạo, đường, cao su, cà phê... tiếp tục đứng ở mức cao do giới hạn của nguồn cung.
Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2005 sẽ tiếp tục tăng 0,4- 0,5% và chỉ số giá tiêu dùng cả quý IV/2005 tăng khoảng 1,2 - 1,5%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng cả năm có thể lên đến trên 8%.
Trong đó, do nhu cầu tiêu thụ tăng cùng với tác động của mưa bão, cước vận chuyển... nên giá nhiều loại rau quả, trái cây tiếp tục chiều hướng tăng. Giá các loại thực phẩm sẽ tăng dưới tác động của mất mùa trong nuôi trồng thuỷ sản do bão lụt và dịch bệnh cùng với giá con giống, thức ăn chăn nuôi, cước vận chuyển... tăng và nhu cầu tiêu thụ lại tăng cao vào các tháng cuối năm.
Một số mặt hàng khác như phân bón, xi măng, sắt thép... tuy có biến động phức tạp nhưng vẫn sẽ giữ được ổn định trong tháng 10 và những tháng cuối năm.
Ngược lại, việc tăng giá trên thị trường quốc tế sẽ có lợi cho giá cả xuất khẩu một số mặt hàng như: cao su, thuỷ sản. Các chuyên giá cũng lưu ý, trong tháng 10/2005 giá lương thực vẫn đứng như mức hiện nay do các nhà xuất khẩu đang tích cực mua gạo để hoàn tất các hợp đồng còn tồn đọng nhưng cần dự trữ gạo để gối đầu sang năm sau.
|