(VietNamNet) - Đêm chung kết cuộc thi (tối 17/9) được quảng bá rầm rộ 6 tháng trước đó đã không để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Thắp sáng Tài năng kinh doanh trẻ 2005 (TSTNKD) với mong muốn đưa ra những ý tưởng, cách thức tổ chức khác lạ để công chúng tập trung vào ý nghĩa từ cuộc thi tài kinh doanh của các bạn trẻ, cuộc tìm kiếm của những nhà tổ chức, nhưng những nỗ lực làm mới đã không tới tầm.
Đêm Chung kết cần... thắp sáng
|
Hai thí sinh Hạnh Uyên và Thanh Nga trong phần thi "Hiểu người". Ảnh: B.D |
Vượt qua ba vòng thi của đêm chung kết, thí sinh Hồ Anh Dũng, 23 tuổi, hiện công tác tại Phòng quản lý các DN có vốn đầu tư nước ngoài - Cục Thuế TP. Hà Nội, đã vượt lên 5 thí sinh của đêm chung kết để giành giải nhất. Giải thưởng Dũng nhận được là 20 triệu tiền mặt và một suất học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh HSB ĐHQG Hà Nội. Theo BTC, tổng giá trị giải Nhất là 100 triệu đồng.
Thời lượng đêm chung kết chỉ khoảng 60 phút, được truyền hình trực tiếp trên VTV3, nhưng vẫn có một số lỗi về kỹ thuật tại trường quay, khiến MC phải dụng công khắc phục khoảng trống trong ít phút gián đoạn. Toàn cuộc thi chia thành 5 vòng, ngoài các phần thi game được đưa vào từ vòng 2, vòng 4; đến vòng chung kết, hình thức gameshow được khai thác kỹ để "dễ hiểu hơn, mang tính phổ thông hơn". Điều này, theo BTC là "hoàn toàn được đổi mới so với các năm trước".
Tuy nhiên, chất lượng vòng chung kết năm nay không khá hơn nhiều so với năm trước, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người quan tâm theo dõi.
Phần thi đầu tiên mang tên "Hiểu người", vì theo BTC, một trong những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo DN giỏi là hiểu được đối tác. Tuy nhiên, người dẫn chương trình không giới thiệu rõ về cách thức tiến hành phần thi này, dữ liệu câu hỏi dài nên đối với nhiều khán giả, phần thi trở nên không hấp dẫn. Chính thí sinh cũng chỉ còn cách lựa chọn ngẫu nhiên câu trả lời của mình, rồi đồng thời đoán câu trả lời của thành viên còn lại, trong khi đó, phần thi diễn ra quá nhanh, thì khó có thể gọi là... "hiểu người". Qua vòng này, thí sinh Hồ Anh Dũng đạt 300 điểm, sếp sau một trong hai nữ thí sinh Trần Thị Hạnh Uyên (SV ĐH Ngoại thương cơ sở II - TP. HCM).
"Thoát hiểm" - phần thi thứ hai tiến hành với 3 thí sinh còn lại, đưa ra câu hỏi "cân não" duy nhất, nhưng câu hỏi lại "xưa như trái đất": Chuyến bay có mặt 3 thí sinh gặp sự cố khi đến vùng sa mạc, mỗi người cần lựa chọn đồ vật cần thiết mang theo để có thể "sống sót" qua tình huống nguy hiểm đó. Đồ vật đề bài đưa ra là: cái gương soi, la bàn, bình nước, đồ ăn, áo khoác, kính râm... thí sinh nào chọn được những đồ vật cần thiết được điểm cao, ngược lại, điểm số sẽ bị tụt xuống. Tình huống này không lạ gì trong giới SV. thí sinh Hồ Anh Dũng giành điểm cao nhất, trở thành một trong hai người lọt vào vòng thi cuối cùng (Giải quyết tình huống KD), với việc chọn chiếc gương để chiếu sáng cứu hộ trên sa mạc (riêng chọn đồ vật này được 1.000 điểm).
Có rất nhiều "tài năng" từ cuộc thi đang được đào tạo!
Trước khi diễn ra Vòng chung kết, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vidotour, thành phần Ban giám khảo, thuộc đơn vị tài trợ cho Cuộc thi, cho biết: "Vòng chung kết là vòng đối kháng, thí sinh bộc lộ khả năng tranh luận, cạnh tranh để giành ưu thế trước đối thủ. Qua đây, BGK xác định được người chiến thắng là người có tư tưởng chiến lực, biết tập hợp lực lượng, động viên người khác thực hiện công việc, thể hiện qua khả năng diễn thuyết, tranh luận có sắc bén hay không, kiến thức có đủ rộng để thuyết phục mọi người, áp đặt đối phương...". Nếu như vậy, những phần thi được cho là đổi mới của TSTNKDT đã chưa "sáng" lên những điều ấy.
|
TS Hồ Anh Dũng đăng quang sau 60 phút tranh tài. Ảnh: B.D |
Đây là một cuộc thi, cuộc tìm kiếm tài năng kinh doanh để đưa vào bồi dưỡng, đào tạo tại Khoa Quản trị KD. Với mục đích như vậy thì những dự án, kế hoạch KD cụ thể của mỗi thí sinh luôn có vai trò quan trọng, cho dù trong toàn bộ cuộc thi kéo dài 6 tháng, đây chỉ là một trong số 5 vòng thi để đánh giá thí sinh (thay vì 4 vòng và 10 thí sinh lọt vào chung kết như kế hoạch thông báo ban đầu).
Nhìn 6 kế hoạch KD của 6 thí sinh đêm chung kết, rất dễ nhận thấy phần lớn trong đó là những ý tưởng không mới, mang tính lặp lại so với một số cuộc thi về dựa án, ý tưởng KD khác. Ví dụ, dự án Kế hoạch KD công ty dịch vụ chăm sóc mẹ và bé của Trần Thị Thanh Nga. Trước đó, trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển của Thủ đô 2004 đã có ý tưởng Trung tâm dịch vụ giải trí và tư vấn dinh dưỡng cho ông bà và cháu Làng Việt.
Hay như kế hoạch kinh doanh Trường mẫu giáo chất lượng cao Smart Kids của Trần Hồng Dương (SV ĐH Ngoại thương), hai năm trước đó trong cùng cuộc thi, thí sinh Kim Ngọc Minh đã trình làng ý tưởng Công ty phát triển tài năng trẻ em T-Kid và nay đang hoạt động kinh doanh.
Còn với đề án của Hồ Anh Dũng về Công ty cổ phần đào tạo kĩ năng cá nhân thì ở Hà Nội đã có một số Trung tâm đào tạo chuyên về vấn đề này...
Hiện tại, nhiều thí sinh sau hai lần thi TSTNKDT đang tiến hành những chương trình học tại "lò" đào tạo Khoa Quản trị KD (HSB). Và loạt thí sinh sau cuộc thi năm nay sẽ tiếp tục theo tiếp hai chương trình của quá trình đào tạo, tìm kiếm: chương trình học thạc sĩ QTKD tại HSB 2 năm, và 5 năm làm việc dưới sự hướng dẫn của các DN bảo trợ. Như vậy HSB vừa là đơn vị tổ chức cuộc thi, rồi tiếp tục là nơi đào tạo. Nhiều thí sinh sau cuộc thi cũng coi đó là cơ hội để phát triển khả năng, sau khi nhận được những chương trình học bổng vào học tại HSB từ phần "hùn vốn" của gần 10 nhà tài trợ lớn. Riêng năm 2004, các DN đã tài trợ cho TSTNKDT 82.000 USD.
Những "tài năng" sau cuộc thi ít nhiều đã được "định giá". Tuy nhiên còn một chặng đường dài, nhiều năm sau để bạn trẻ được lựa chọn nỗ lực, bộc lộ những giá trị đích thực mà họ được "thắp sáng" từ những cuộc thi, tìm kiếm người tài...
|