Du lịch Trung Quốc: Con "gà" bị nhúng nước sôi!
05:32' 13/09/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Những  nơi bán hàng mà các hướng dẫn viên đưa khách du lịch đến tại nhiều nơi ở Trung Quốc, thì không một người bản xứ nào dám bước chân vào vì ở đó toàn bán với giá trên trời cả. Ngay cả khu phố đi bộ Nam Kinh cũng vậy, rất ít người Thượng Hải vào đó để mua hàng. Vậy mà khách du lịch còn bị "vặt" thêm 50% nữa để chi tiền hoa hồng cho hướng dẫn viên và lái xe!

Tiếp đón long trọng gây cảm kích...

Thượng Hải mùa thu năm 2005. Chúng tôi đến một cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc có tên là Luxuan. Địa chỉ tại 2F, Building 4, N0.801 Yishan Road. Có lẽ vì cô hướng dẫn viên người Trung Quốc chưa giới thiệu kỹ (hoặc là chủ ý như vậy) nên tất cả du khách đến đây đều cảm thấy bỡ ngỡ vì được đưa vào một căn phòng rộng khoảng 50m2, có gắn máy điều hoà không khí. Nhẹ nhàng và rất lịch sự, mỗi người được ngồi vào một chiếc ghế bành nhung êm ái và uống trà. Sau vài lời giới thiệu về sự ra đời, hoạt động và phát triển, người thày thuốc của công ty giới thiệu rất kỹ về cách bào chế thuốc, tác dụng chữa bệnh của từng loại thuốc.

Soạn: AM 545921 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giới thiệu về trà hoa cúc tại một Trung tâm bán trà trên đường từ Hàng Châu về Thượng Hải.

Sau đó chừng 30 phút các nhân viên rất trẻ, đồng phục gọn gàng được điều đến để phục vụ cho khách.  Một cảm giác sảng khoái và thư giãn lan toả khắp người khi các nhân viên bắt đầu dùng khăn lau chân (vừa được ngâm trong nước thuốc bắc 15 phút), bôi dầu xoa bóp  và bấm huyệt vào lòng bàn chân. Trong lúc massage chân, du khách được thày thuốc bắt mạch, chẩn đoán bệnh. Các vị thuốc được giới thiệu, tư vấn và đem đến tận chỗ ngồi. Khách đến rất đông, chúng tôi được phục vụ trong 1 giờ đồng hồ. Có lẽ vì cảm kích trước sự phục vụ tận tình, chu đáo của những nhân viên và thày thuốc ở đây, nên chúng tôi đã cố gắng mua mỗi người 1 sản phẩm,  mặc dù giá thuốc thấp nhất cũng phải ở mức 500 Nhân dân tệ (tương đương với 1 triệu đồng Việt Nam)...

Đây là lời kể đầy thán phục của một khách du lịch Việt Nam vừa mới từ Thượng Hải về, khi đề cập đến cách bán thuốc bắc, cách kết hợp giữa thương mại và du lịch của  người Trung Quốc... Nhiều người không biết, nghe xong cũng rất "nể" cung cách kinh doanh này. Nhưng  với người bạn tôi quen tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), đã có 1 thời gian làm hướng dẫn viên du lịch khi nghe chuyện này xong, lại bảo rằng:  có gì đâu, đấy chỉ là cách hướng dẫn viên biến khách du lịch thành những "con gà" bị nhúng nước sôi, rồi "vặt lông" thôi mà.

Câu chuyện của một hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc

Anh bạn này tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ và Ngoại thương Quảng Đông, khoa  tiếng Việt, sau khi ra trường (năm 1993), bị thất nghiệp khá lâu. Vào khoảng năm 1997 có người bạn học cùng lớp sống tại Nam Ninh đến rủ  đi làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty du lịch tại Quảng Tây. Làm hướng dẫn viên  vừa được đi đây đi đó, được giao tiếp để hoàn thiện vốn tiếng Việt, lại có tiền nên anh ta nhận lời và  trong khoảng 1 năm, đã dẫn nhiều đoàn khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc. 

Vào thời điểm đó lương công ty trả anh mỗi tháng là 1.500 nhân dân tệ, ngoài ra còn kiếm được khá nhiều tiền từ khách du lịch như tiền hoa hồng mà khách thưởng khi đoàn kết thúc chuyến đi và đặc biệt là tiền phần trăm từ các cơ sở kinh doanh nơi anh ta dẫn các đoàn khách du lịch đến thăm quan, mua sắm.

Từ năm 1997 lượng khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc ngày càng tăng, trong khi các công ty du lịch còn ít, nên những cơ sở kinh doanh muốn đăng ký để trở thành điểm đến của các tour du lịch không phải là dễ. Nhiều cơ sở đã cạnh tranh bằng cách tăng tỷ lệ phần trăm cho hướng dẫn viên để họ dẫn khách đến với mình. Tỷ lệ phần trăm mà hướng dẫn viên được hưởng khi đó là 50%. Tức là thu được tiền mua hàng của cả đoàn là bao nhiêu thì  phải "cưa" đôi  mỗi bên một nửa.

Cũng theo lời kể của anh, khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc rất thích mua thuốc bắc, nhất là những người già vì tin là thuốc tốt, có thầy thuốc giỏi. Cách kinh doanh của các cơ sở bán thuốc bắc cơ bản đều giống nhau như lời kể của du khách ở trên. Chủ yếu sẽ có một số thày thuốc bắt mạch và chẩn đoán bệnh cho khách, trong đó những loại bệnh  thường xuyên được đề cập với nhiều người là  thận hư, chức năng gan kém... sau đó là kê đơn. Và phần lớn khách du lịch vì "cảm kích" cách phục vụ hoặc là thấy đoán bệnh đúng quá nên đã tin lời, không tiếc tiền mua thuốc về uống.

Mỗi đoàn khách như vậy chi phí mua thuốc ít khi dưới 20 triệu đồng Việt Nam. Với tỷ lệ phần trăm  vừa thú nhận, anh ta vớ rất bẫm. Tháng nhiều, số tiền kiếm được từ khách lên đến 5.000 nhân dân tệ, tháng ít nhất cũng không bao giờ dưới 1.000 tệ. Anh ta ấn tượng nhất là trong một lần dẫn khách vào hiệu thuốc bắc, vị giám đốc một công ty sản xuất thuốc lá ở một địa phương (sau khi bị chẩn bệnh yếu chức năng gan) đã bỏ ra 30 triệu đồng Việt Nam để mua thuốc bắc.

Cả đoàn khách bỏ ra khoảng 50 triệu đồng mua thuốc, đương nhiên anh ta và lái xe được hưởng một nửa số tiền đó. Theo anh ta nói thì lái xe là nhân vật rất quan trọng trong việc đảm bảo lịch trình của tour du lịch. Nếu mình không chia tiền cho họ, hoặc chia không sòng phẳng, lịch trình rất dễ bị phá hỏng. Chẳng hạn họ sẵn sàng gây ra sự cố hỏng xe dọc đường, hay chạy vào những con đường đông xe cộ, dễ bị tắc nghẽn để làm chậm giờ, thay vì đi  những con đường thông thoáng.

Bây giờ đã có nhiều công ty du lịch ra đời, nên tỷ lệ phần trăm chắc không còn được như trước, nhưng anh này khẳng định cũng không thể dưới 30% được. Ít hơn chắc hướng dẫn viên sẽ thay thế cơ sở đó bằng cơ sở  tương tự khác, mà tại Trung Quốc các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch kiểu này ngày càng nhiều.

Hướng dẫn viên và lái xe ép du khách: không muốn cũng phải xem

Mùa thu năm 2005, đoàn phóng viên VietNamNet chúng tôi cũng có mặt tại Thượng Hải, Hàng Châu... Theo chương trình một ngày ở Thượng Hải, chúng tôi sẽ đi thăm chùa Phật Ngọc, cửa hàng bán ngọc trai, khu phố Đông, phố đi bộ Nam Kinh và du thuyền trên sông Hoàng Phố. Trong đó anh hướng dẫn viên tên Minh của công ty du lịch Quảng Tây cho biết, vào buổi trưa sau khi ăn xong, chúng tôi sẽ được chiêu đãi một chầu massage chân miễn phí.

Lúc đó ai cũng hào hứng và cảm kích. Nhưng trong quá trình đi  đã  gặp không ít rắc rối với lái xe và các hướng dẫn viên. Có những nơi mà chúng tôi bị buộc phải vào, mặc dù nó chẳng có gì là hấp dẫn. Chẳng hạn buổi sáng hôm đó, sau khi thăm chùa Phật Ngọc xong, chúng tôi bị đưa vào của hàng bán ngọc trai gần đó. Mặc dù không ai muốn vào cửa hàng này cả và đã lên xe, nhưng xe không chạy, còn hướng dẫn viên thì yêu cầu mọi người phải xuống xe vào xem. Thế là cả đoàn bắt buộc phải vào xem ngọc trai, uống nước xong mới được đi. Một xe trong đoàn chúng tôi vào xem qua rồi ra ngay, đã bị lái xe gây chuyện,  không đi nữa, lằng nhằng mất gần 1 giờ sau mới chạy. Người ta nói rằng không cần mua, chỉ cần vào xem cũng được, nhưng không được vào rồi ra ngay.

Soạn: AM 545925 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tại cửa hàng ngọc trai (Thượng Hải), nơi mà đoàn khách VietNamNet đã lên xe rồi lại phải xuống xe để vào xem.
Anh bạn tôi nói rằng không cần khách mua hàng, chỉ cần xem thôi, hướng dẫn viên vẫn được chủ cửa hàng lót tay vài trăm tệ. Tiền đó lấy từ đâu?  Lấy từ tiền mua hàng của những đoàn khách trước mà hướng dẫn viên này đã dẫn đến. Vì lợi nhuận quá cao nên cửa hàng vẫn sẽ chi thêm cho các hướng dẫn viên dù các đoàn sau không mua hàng, để lấy chỗ đi lại. Nhưng nếu chỉ xem qua rồi ra ngay thì họ không được gì cả.

Buổi trưa, do thời gian không còn nên chầu massage chân miễn phí đã bị huỷ bỏ. Không ít người đã nuối tiếc điều này. Nhưng khi về đến Việt Nam, nghe người khách du lịch kia kể chuyện và nghe những lời anh bạn tôi nói, mới nhận ra rằng đó không phải là tiệm massage chân đơn thuần, mà chắc chắn là một hiệu thuốc đông y. Cũng may là không đến đó, nếu đến, được massage miễn phí xong ai cũng "cảm kích" và cố mua một sản phẩm với giá rẻ nhất là 500 Tệ thì đúng là đã trở thành "gà" nhúng nước sôi!

Anh cho biết ngay cả phố đi bộ Nam Kinh (Thượng Hải) là nơi mua bán tự do, thì anh vẫn kiếm được tiền của  khách. Phần nhiều người Việt Nam đi du lịch không biết tiếng Trung Quốc, người Trung Quốc không biết tiếng Việt và cả hai không nói được tiếng Anh,  nên rất khó khăn trong giao tiếp, vì vậy nhiều người thường tin tưởng, nhờ cậy hướng dẫn viên. Và khi đó cứ dẫn khách đến cửa hàng nào thì anh ta lại giới thiệu mình là người của công ty du lịch... dẫn khách đến mua hàng và đề nghị chi phần trăm. Dần dần thành quen, về sau cứ khách nhờ là tìm cách dẫn vào đó, tiền phầm trăm thường để đến khi dẫn đoàn sau vào mua sẽ lấy.

Dụ khách đến "hang ổ"

Có rất nhiều trò để hướng dẫn viên kiếm tiền của khách, đặc biệt họ rất khéo trong việc hướng  khách du lịch đến mua hàng tại những cơ sở ruột của mình. Nếu không muốn khách mua hàng tại nơi nào đó (vì họ không được chia phần trăm), cách đơn giản và quen thuộc nhất vẫn là nói cho khách biết giá ở đó bán đắt, muốn mua thì nên trả thật thấp, thậm chí người ta nói 100 Nhân dân tệ, mình có thể trả 10 Nhân dân tệ...

Nếu khách chưa tin thì  thêm một "đòn" nữa, chẳng hạn, nhiều người sống tại đây,  khi mua hàng đã trả rất thấp rồi, thế nhưng vẫn bị mua đắt. Điều này làm cho khách có tâm lý sợ bị mua đắt, mua hớ, nên trả giá thấp và kết cục là chẳng mua nổi cái gì đáng giá. Sau đó đến cơ sở  khác (nơi họ được chia phần trăm), thì sẽ nói  ở đây giá  hợp lý rồi,  không cần phải mất thời gian cò kè nữa... không ít người lần đầu đi du lịch  nước ngoài đã tin điều đó và thế là trở thành "gà ".

Trước khi vào phố đi bộ Nam Kinh, đoàn chúng tôi cũng nhận được những lời tâm sự rất thật như vậy từ hướng dẫn viên, vậy nên nhiều người đã ra sức trả thấp xuống và kết thúc là sau ba giờ đi bộ rạc cẳng, cả đoàn  hầu như chẳng ai mua được món hàng nào như ý. Đã sắp kết thúc chuyến du lịch vậy mà chưa mua được gì làm quà cho người thân khiến không ít người cảm thấy  buồn phiền và thất vọng....

Hôm sau đến Hàng Châu sau khi  ngắm cảnh Tây Hồ, chúng tôi được dẫn đi mua tơ tằm, thuốc đông y ... Tại cơ sở kinh doanh lụa tơ tằm Hàng Châu, anh hướng dẫn viên cũng nói giá bán rất hợp lý, do nhà nước quy định vì vậy mọi người sẽ không phải vất vả mặc cả nữa. Thế là nhiều người chưa mua sắm được gì trong mấy ngày qua, vội vàng tìm mua những thứ mình cần. Ở đó giá rất đắt, một chiếc cà vạt tơ tằm giá 260 nhân dân tệ, áo sơ mi nam tơ tằm 288 đến 400 Nhân dân tệ, một mét vải tơ tằm giá thấp nhất là 90 Nhân dân tệ, chăn tơ tằm hơn 900 Nhân dân tệ... giá đắt mà vẫn mua, chẳng thấy ai nói gì. Chỉ có điều là khi ra quầy tính tiền cứ thấy anh hướng dẫn viên Trung Quốc tên Hoa đứng ngay cạnh người thu tiền, và khi chúng tôi trả tiền thì anh ta lại... gõ tay xuống bàn.

Khi tất cả mọi người đã lên xe ôtô,  vẫn không thấy anh hướng dẫn viên này đâu cả. Phải đợi một lúc lâu, có người phát cáu lên, mới thấy anh ta trở ra. Sau này mới hiểu: hóa ra anh ta còn bận  ở lại để chia  tiền phần trăm. Khách mua nhiều thì làm sao có thể chia nhanh được! Một số xe trong đoàn chúng tôi còn được đưa đi thăm cả hiệu thuốc đông y, nên cuối cùng bị muộn giờ, chỉ còn 10 phút để ăn tối trước khi tham gia một hội thảo quan trọng, mặc dù hội thảo này đã phải lùi lại một  giờ so với quy định.

Anh Cái Quang Bình hướng dẫn viên du lịch thuộc Trung tâm du lịch Thanh niên cho biết, chuyện dẫn khách du lịch đến các cơ sở mua sắm và ăn phần trăm, trên thế giới ở đâu cũng như vậy. Nhưng các lái xe và hướng dẫn viên Trung Quốc thường không được công ty trả lương, mọi thu nhập đều trông chờ vào khách (điều này khác với chuyện người bạn tôi nói ở trên là họ có lương).

Chúng tôi cũng chưa có điều kiện kiểm chứng thông tin này, nhưng nếu hướng dẫn viên và lái xe không được công ty trả lương thật,  thu nhập chỉ trông chờ vào khách du lịch thì rất đáng sợ: như vậy chỉ làm cho họ tìm mọi cách để  kiếm được nhiều tiền từ khách mà không quan tâm gì đến chất lượng tour, cũng như nâng cao nghiệp vụ của mình. Trên thực tế thì các hướng dẫn viên đi theo đoàn chúng tôi rất kém hiểu biết. Đến những thành phố có lịch sử văn hóa thì không hề được nghe họ giới thiệu về văn hóa. Cũng như vậy, họ kém cả về sự hiểu biết của một thành phố hiện đại. Đến Thượng Hải, họ không giới thiệu được những cái hay, cái hiện đại, thần kỳ của thành phố này. Cách tổ chức thì luộm thuộm, không hề có một tấm bản đồ, một tờ giới thiệu về thành phố cho du khách. Các tour du lịch thì giống Việt Nam ta đến lạ: chỉ sáng tạo ở mức thăm chùa, thăm quảng trường Trung tâm, ăn uống ở mức bình dân...

Lời khuyên cho những người đi du lịch Trung Quốc

Muốn mua sắm, tốt nhất hãy tìm hỏi người bản xứ, hoặc nhân viên khách sạn nơi mình ở những mặt hàng cần mua ở đâu và nhờ họ viết tên phố đó vào giấy khi đi taxi chỉ cần đưa cho lái xe là sẽ đến nơi. Nhưng cũng phải cẩn thận vì nhân viên khách sạn nhiều khi lại là "tay trong" của những cơ sở bán hàng  theo kiểu "chém" khách du lịch.

Vì vậy, phải kiểm chứng bằng cách hỏi nhiều người và nên có trong tay nơi mình đi du lịch một tấm bản đồ bằng tiếng Trung và tiếng Anh để thuận tiện đi lại. Không nên mua hàng ở những cơ sở mà hướng dẫn viên du lịch đưa đến, nếu thấy không cần thiết. Những cơ sở mua sắm mà các hướng dẫn viên đưa khách du lịch đến theo lời người bạn tôi, thì không một người bản xứ nào dám bước chân vào vì ở đó toàn bán với giá trên trời cả. Ngay cả khu phố đi bộ Nam Kinh cũng vậy, rất ít người Thượng Hải vào đó để mua hàng.

Từ năm 1999, nhiều khách du lịch Việt Nam ồ ạt sang Trung Quốc và ngược lại nhờ những chính sách mở cửa thông thương giữa hai Chính phủ.

Hiện, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 3 văn kiện lớn tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hợp tác lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch: Hiệp định hợp tác du lịch song phương, Kế hoạch hợp tác du lịch song phương giai đoạn 1999-2000 và Bản Ghi nhớ về việc công dân Trung Quốc đi du lịch Việt Nam bằng tiền riêng. Cuối năm 2004,
Quyết định 849 do Bộ Công An ban hành đã cho phép du khách Trung Quốc vào Việt Nam bằng thẻ du lịch có thể đến tất cả các địa phương thay vì chỉ 7 tỉnh phía Bắc như trước.

Trên cơ sở các văn kiện đó, nhiều địa phương và nhiều ngành của hai nước đã ký các thoả thuận và có nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác du lịch. Đáng chú ý là thoả thuận về trao đổi khách giữa Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc) đã làm tăng lượng khách du lịch ở cả hai phía. Chỉ tính riêng năm 2004, đã có 112.000 khách du lịch Việt Nam sang Quảng Tây, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2003, đưa Việt Nam trở thành nước có số lượng khách du lịch lớn thứ hai trong số những nước có khách du lịch đến địa phương này.

Bên cạnh đó, Hãng hàng không Việt Nam đã mở đường bay thẳng tới Bắc Kinh, Quảng Châu và Côn Minh. Đồng thời, hãng Hàng không Phương Nam (Trung Quốc) mở đường bay nối Quảng Châu tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hãng Hàng không Thượng Hải cũng mở đường bay tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 405.820 khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất.

Theo Tổng cục Du lịch, chương trình hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc khuyến khích giới doanh nhân Trung Quốc tăng cường đầu tư hơn nữa vào ngành du lịch Việt Nam và thúc đẩy việc triển khai các văn bản hợp tác du lịch đã ký.

(Hồng Phúc)

  •  Trần Thuỷ

Ý kiến của bạn?

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ca-nô “khủng bố” tinh thần du khách! (13/09/2005)
Hợp tác du lịch tiểu vùng Mêkông: cả 3 nước đều khó (13/09/2005)
Xây dựng 3 sàn giao dịch thương mại điện tử (12/09/2005)
Vàng tăng lên 8,52 triệu đồng/lượng SJC (12/09/2005)
Năm 2008, Cần Thơ sẽ có sân bay quốc tế (12/09/2005)
Trung tâm tư vấn về gỗ đầu tiên ra đời (11/09/2005)
Sẽ giảm dần tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (11/09/2005)
103 tư vấn viên bảo hiểm đầu tiên nhận chứng chỉ IQA (11/09/2005)
Câu chuyện về tuyển dụng nhân sự (10/09/2005)
Thép xây dựng tăng giá (10/09/2005)
Sẽ có đua ngựa có cá cược tại Hà Nội? (09/09/2005)
Nước tương không độc tố lần đầu tiên có tại VN! (09/09/2005)
Giá đường cao, nhập lậu đường tăng mạnh (09/09/2005)
Chỉ có 3% giá trị khuyến mãi đến tay người tiêu dùng! (08/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang