|
Chỉ có 3% giá trị khuyến mãi đăng ký đến tay người tiêu dùng! |
Hiện nay, nhiều chương trình khuyến mãi được khuếch trương rầm rộ, nhưng số giải thưởng, hàng hóa rơi vào túi khách hàng lại quá ít, ông nghĩ sao?
- Trong các chương trình đăng ký với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại), tổng số tiền, hàng dành cho khuyến mãi trị giá tới 215 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 10 doanh nghiệp hàng đầu đã chiếm hơn nửa (khoảng 121 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đúng như dư luận phản ánh, tổng số giá trị giải thưởng đã trao rất thấp, chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng (3% tổng số tiền dành cho khuyến mãi đã đăng ký).
Còn việc người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng sản phẩm, thể lệ, thủ tục nhận giải quá phức tạp... thì sao?
- Các doanh nghiệp lớn thường khá nghiêm chỉnh vì họ giữ chữ tín. Các trường hợp trên thường rơi vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc mới thành lập, tiềm lực yếu. Họ đưa nhân viên len lỏi trong các ngõ ngách, vùng quê hẻo lánh để tuồn hàng quá đát, kém phẩm chất. Thậm chí có doanh nghiệp quảng cáo thiếu trung thực, trao giải không đúng với đăng ký. Một số khác còn mập mờ về giải thưởng, gây khiếu kiện kéo dài.
Một số doanh nghiệp còn đưa ra chiêu khuyến mãi hấp dẫn mua 1 tặng 1. Điều này có vi phạm Luật Thương mại mới ban hành?
- Luật Thương mại mới (có hiệu lực từ 1/1/2006) cho phép doanh nghiệp được bán hạ giá tới 50% (tức mua 1 tặng 1). Tuy nhiên, việc bán hạ giá, hoặc các chương trình khuyến mãi chỉ được thực hiện ở một giai đoạn trong năm, và không kéo dài quá 90 ngày.
Các cơ quan quản lý có biện pháp gì chấn chỉnh những mặt trái của các chương trình khuyến mãi?
- Bộ Thương mại đang gấp rút hoàn chỉnh dự thảo nghị định về hoạt động xúc tiến thương mại (trong đó có khuyến mãi) để có thể thực hiện cùng Luật Thương mại vào đầu năm sau.
Riêng các tranh chấp về khuyến mãi hoặc các chương trình khuyến mãi "rởm" cũng sẽ có chế tài xử lý. Đặc biệt, số hàng tồn đọng sau khuyến mãi (vốn rất lớn như đã nói) sẽ phải sung 50% vào công quỹ, doanh nghiệp không được giữ lại như hiện nay.
Còn người tiêu dùng phải ứng xử ra sao khi gặp phải những "rắc rối" khi tham gia các chương trình khuyến mãi?
- Trước hết là phải tìm hiểu xem chương trình đó có hợp pháp không, sau đó phải tìm hiểu kỹ về nội dung, quyền lợi được hưởng. Khi xảy ra khiếu kiện, nên tìm đến Hiệp hội Người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
(Theo Lao động)