Giá vàng có thể lên đến 860.000 đồng/chỉ
11:34' 07/09/2005 (GMT+7)

Sau một thời gian đứng yên ở mức hơn 830 ngàn đồng/chỉ, giá vàng lại có dấu hiệu tăng khiến người dân có nhu cầu dùng vàng lo lắng: Cơn sốt giá vàng có lặp lại?

Mấy hôm nay lượng khách hàng tìm đến mua vàng tại các cửa hàng  của Cty kinh doanh vàng bạc đá quý Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam tăng vọt.

Soạn: AM 199281 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cơn sốt vàng có lặp lại?

Ngoài lý do công ty vừa cho ra đời sản phẩm đồng tiền (100% bằng vàng bốn số 9 đúc hình bản đồ Việt Nam và con số kỷ niệm 60 năm thành lập nước), nhiều người còn tìm đến mua vì nghe tin giá vàng rục rịch tăng (mà hàng của công ty bao giờ cũng “mềm” hơn thị trường; giá bán mua luôn không vênh quá 10 ngàn đồng/chỉ).

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Giám đốc Công ty Kinh doanh vàng bạc đá quý Ngân hàng NNo và PTNT Việt Nam, lo ngại trên của người dân là hoàn toàn có căn cứ bởi mấy lẽ: do ảnh hưởng từ thiệt hại của cơn bão Katrina đến nền kinh tế Mỹ, cùng phản ứng khắc phục chậm chạp từ phía Chính phủ nước này, đồng đôla trên thị trường thế giới mấy ngày nay rơi vào tình thế “tụt” giá, trong khi trị giá đồng euro và vàng lại có cơ hội tăng.

Cùng với nhu cầu sử dụng vàng để làm trang sức trong mùa Noel tại các quốc gia và cho mùa cưới trong nước đang ngày một nhiều lên (nhất là trước khả năng nền kinh tế Mỹ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng như ý muốn),  nên giá vàng đã nhúc nhích tăng trở lại.

Tuy nhiên, do số lượng vàng nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm đến nay khá lớn (trên 30 tấn) nên hiện tại so với thế giới, giá vàng trong nước vẫn rẻ hơn giá quốc tế từ 3 - 4 USD/ounce (chiều 6/9, giá thế giới dao động ở mức  447 – 442 USD/ounce; trong khi Việt Nam ở khoảng 843 – 847 ngàn đồng/chỉ).

Với kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm, ông Trúc nhận định: “Xu hướng thời gian tới giá vàng trong nước sẽ tăng lên bằng giá đỉnh điểm cuối năm ngoái – mức trên 860 ngàn đồng/chỉ; thậm chí có thể cao hơn một chút . Tuy nhiên, trong quãng tăng sẽ có những thời điểm giá hạ vì nhiều nguyên nhân”.

Cuối năm 2004, nhiều giao dịch nhà đất tại các thành phố lớn (nhất là TP Hồ Chí Minh) bị ngưng trệ vì giá vàng tăng “kéo” giá đất lên cao, bản thân nhiều người mua nhà còn nợ vàng cũng “méo mặt” khi trả nợ. Với tính không ổn định như vậy, việc mua bán nhà đất quy đổi ra vàng liệu có còn phổ biến và hấp dẫn người tiêu dùng?

Theo chị Hải Yến, Giám đốc 1 Công ty Địa ốc thuộc Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội: “Do các dự án đấu giá đất, nhà chung cư ra đời với hình thức chủ yếu thu bằng tiền mặt (hoặc USD), nên ngày càng  hiếm các giao dịch bất động sản được thực hiện kèm theo điều kiện thanh toán bằng vàng. Hiện tại, kể cả người có nhà và đất tư cũng đều chọn phương thức trả bằng tiền mặt”.

Tuy nhiên, tại TPHCM, giao dịch bằng vàng trong mua bán nhà đất vẫn có “chỗ đứng”. Khi mở ra dịch vụ thanh khoản bằng vàng, ngân hàng ACB cũng không ngờ chỉ sau một thời gian hoạt động, hình thức dịch vụ này đã hấp dẫn người dân tiến hành mua bán bất động sản tới mức, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có tới 20 tấn vàng (gần bằng 50% lượng vàng nhập khẩu) được giao dịch huy động qua “kênh” này.

Thị trường trong nước sau đợt giá xăng dầu tăng hôm 17/8 vừa qua, đã có rất nhiều mặt hàng nhích lên một mặt bằng giá mới. Các mặt hàng dự trữ chiến lược còn lại của các quốc gia (đồng đôla Mỹ,  đồng euro và dầu thô) đều rơi vào tình thế lên xuống bấp bênh (giá dầu sau khi chạm mức 70 USD/thùng đã bật ngờ tụt xuống dưới 66,2 USD nhanh hơn rất nhiều so với tiên đoán của các chuyên gia kinh tế).

Trong thời điểm nhạy cảm này, “tích”  vàng có phải là giải pháp khôn ngoan? Ông Nguyễn Thanh Trúc dè dặt nhận định: “Điều đó tùy thuộc vào quan điểm của các nhà đầu tư. Nhìn chung hiện nay có khá nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng vàng làm công cụ dự trữ ngoại tệ (nhất là các ngân hàng châu Á).

Tuy nhiên, với người dân trong nước, nếu có tiền bạn nên chọn hình thức gửi  tiền tiết kiệm bằng VND vì tính an toàn của đồng tiền Việt vẫn  cao, trong khi lãi suất lại gấp đôi tiền gửi USD”.

Còn phụ trách kinh doanh Công ty Bảo Tín Minh Châu - Nguyễn Hữu Đang thì kể: “Có những người khá ghê gớm, nhân dịp giá vàng “tĩnh” dám “ôm” liền lúc cả một ngàn cây. Rất có thể họ sẽ “tung” vàng ra trong dịp giá tăng trở lại này” - Ông Đang nhận định.

Theo giới chuyên doanh vàng trong nước, khoảng 3 - 4 năm nay giá vàng trong nước đã bắt nhịp với giá vàng quốc tế. Nếu giá thế giới biến động trong ngày không vượt quá 3 ngàn đ/chỉ, giá vàng trong nước có thể sẽ không tăng; nhưng nếu mức biến động xảy ra liên tục thì các công ty kinh doanh vàng bạc trong nước sẽ lập tức ăn theo.

(Tất nhiên sẽ tùy thuộc vào cung - cầu của thị trường trong nuớc để đưa ra mức chênh lệch có thể bằng, cao hoặc thấp hơn chút ít). Mức thay bảng giá tối đa của các công ty thường là 3 lần vào các quãng 9 giờ sáng, 3 giờ chiều và 7 giờ tối. Đứng trước thời điểm này, đại diện các DN kinh doanh vàng bạc khi được hỏi đều chung nhận định: Giá vàng từ nay đến cuối năm sẽ tăng, có thể đạt mức bán - mua trung bình 860 ngàn đồng/chỉ.

(Theo Tiền Phong)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Bách khoa toàn thư" về bất động sản TP.HCM trên web (07/09/2005)
Mục tiêu 1,5 triệu lượt khách "Năm Du lịch Quảng Nam 2006" (07/09/2005)
Kinh doanh vận tải biển: Buộc phải tăng giá? (07/09/2005)
Mỹ xét lại mức thuế cá tra, basa cho Việt Nam (07/09/2005)
Đi “săn” hàng sale-off (06/09/2005)
Nền kinh tế bị "sốc" vì tăng giá xăng dầu (06/09/2005)
Năm 2006 sẽ áp dụng giá điện mới (06/09/2005)
Bộ Thương mại tăng tiền thưởng cho xuất khẩu (06/09/2005)
TP.HCM kiến nghị cho phép chuyển nhượng dự án (06/09/2005)
Thị trường BĐS TP.HCM: vừa đóng băng, vừa… sôi động! (05/09/2005)
Cá ba sa bơi trên sân nhà (05/09/2005)
Siêu thị... chó mèo (05/09/2005)
Vận tải biển Việt Nam thua toàn diện (05/09/2005)
Cơ hội giao thương cho DN Dược phẩm tại VN (04/09/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang