(VietNamNet) - Đây được xem là "liều kháng sinh mạnh, có tác động đến tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm". Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành nhất là Tài chính, Kế hoạch - đầu tư triển khai kịp thời công việc này vì yêu cầu tăng trưởng xuất khẩu cao là rất cấp thiết nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng GDP chung đạt 8,5% trong năm nay.
Thêm 150 tỷ đồng thưởng xuất khẩu.
Cụ thể, trước tình hình xuất khẩu không thuận lợi,.Bộ thương mại đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện thưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2005 so với năm 2004.
|
Cấp đủ vốn, khen thưởng cao để kích thích doanh nghiệp xuất khẩu. |
Theo Bộ Thương mại, trước đây, Bộ này đã thống nhất với các bộ Tài Chính và Kế hoạch - đầu tư là sẽ không được thực hiện chính sách thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu dành cho những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng năm 2004 vượt so với năm 2003. Lý giải việc cắt thưởng, Bộ Thương cho rằng, thực tế hoạt động xuất khẩu năm 2004 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thương mại thế giới trên đà phục hồi, nguồn hàng xuất khẩu dồi dào, thị trường xuất khẩu thuận lợi nên việc thưởng xuất khẩu vượt kim ngạch tạm dừng. Năm 2005, xuất khẩu gặp khó khăn cả về sản xuất, nguồn hàng và thị trường nên việc thưởng sẽ được nối lại.
Bộ Thương mại cũng cho biết, cơ chế thưởng xuất khẩu năm nay sẽ giảm mức thưởng đối với các mặt hàng nông sản xuất thô thuần tuý so với mức thưởng các phẩm chất lượng cao hoặc đã qua chế biến để khuyến khích nâng cao giá trị xuất khẩu theo chiều sâu. Đối với nhóm hàng có phạm vi rộng như hàng cơ khí, rau quả Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho từng mặt hàng. Riêng mặt hàng sắn lát không được đưa vào diện xét thưởng.
Bộ Thương mại cũng đã đề ra mức thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2005 trung bình từ 100 - 200 đồng cho mỗi USD vượt kim ngạch. Với mức này, dự kiến sẽ phải chi thêm 150 tỷ đồng để thưởng xuất khẩu trong năm nay.
Tăng cường nguồn vốn xuất khẩu
Một trong những chính sách cần thiết để đẩy nhanh xuất khẩu là phải cấp đủ vốn để để doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Thương mại đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tập trung nguồn lực vào những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang gặp khó khăn về vốn hoặc thị trường xuất khẩu và cả những mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước.
Theo các chuyên gia thương mại, với nhu cầu lớn trong thời gian ngắn, việc tìm nguồn vốn hỗ trợ sẽ vấp phải những khó khăn nên việc huy động và cho vay cũng cần phải linh hoạt hơn .Hiện nay, chủ yếu tín dụng xuất khẩu vẫn trông chờ chủ yếu vào quỹ hỗ trợ phát triển.
Vì vậy, Bộ thương mại đề nghị, ngoài nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức cho vay (có thể không quá phụ thuộc vào hạn mức cho vay không quá 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng như trước đây) để doanh nghiệp có đủ vốn phục vụ sản xuất, thu mua hàng xuất khẩu.
Nguồn tín dụng có vai trò rất quan trọng cho xuất khẩu. Năm 2004, Quỹ hỗ trợ phát triển cho vay 32 mặt hàng với doanh số trên 10 ngàn tỷ đồng đã góp phần tháo gỡ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, được doanh nghiệp đánh giá cao.
Đến nay, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc và đã có văn bản giao cho bộ Thương mại bàn với các bộ ngành liên quan về các vấn đề này để có thể sớm đi vào thực hiện giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm.
|