Tại khu vực ĐBSCL, do biến động về thị trường xuất khẩu, khả năng thu mua của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản giảm, đầu ra của cá tra, ba sa ngày càng khó khăn. Trong tình hình đó, các thương lái đã vào cuộc...
Mua ngay, trả tiền sớm
|
Cá ba sa bơi trên sân nhà. |
Anh Lý Công Trường - ấp Bình Phú 1, Phú Bình, Phú Tân (An Giang) - nuôi hai ao cá tra vào lứa thu hoạch, anh đã liên hệ năm công ty và chờ đợi gần ba tháng mà chưa thể bán được cá.
Anh tìm đến vựa cá Mười Trình ở ấp Bình An 1, xã An Hòa, huyện Châu Thành, vựa Mười Trình liền xuống tận nơi mua cá của anh. Anh Trường tâm sự: “Trong tình cảnh đầu ra khó khăn này, may nhờ các thương lái, nếu không chỉ còn nước kéo lên phơi khô để dành ăn dần”.
Tại các vùng nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL ngày ngày có khá nhiều ao bè thu hoạch bán cho cánh thương lái. Bà con cho biết giá mua của những bạn hàng này gần xấp xỉ giá mua của các công ty chế biến xuất khẩu, tiền bán cá trả sớm chứ không phải chờ thanh toán kéo dài. Nếu đồng ý giá thì chỉ một vài hôm là cho bắt ngay, không phải chịu cảnh đợi lâu. An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... có cả trăm thương lái như thế.
Các thương lái trước đây phần lớn từng buôn bán cá tra tươi sống cung cấp cho các chợ quanh vùng, các tỉnh, thành. Chị Nguyễn Thị Luyến ở Thới Thuận, Thốt Nốt (Cần Thơ) nói từ lúc lượng cá tra trong dân ứ đọng nhiều, chị rủ thêm vài chị em khác cùng đi mua, chia nhau đưa đi bỏ mối không chỉ ở TP.HCM mà còn đưa hàng về tận các tỉnh miệt biển, ra tận miền Đông. “Khả năng một người chỉ mua được 5-7 tấn mỗi ngày, nhiều người hùn lại, tụi tui dám mua nhiều ao cả trăm tấn!”, chị bảo.
Sản xuất khô cá tra phồng cũng góp phần giải quyết việc tiêu thụ cá cho nông dân. Riêng tại An Giang có năm cơ sở lớn chế biến khô cá tra phồng. Ông Trương Hải, chủ cơ sở có tiếng ở thị xã Châu Đốc, cho hay ngoài thị trường trong nước, khô cá tra phồng được khách hàng Campuchia, đặc biệt là Trung Quốc, rất “khoái”. Nhiều công ty Trung Quốc đã trực tiếp liên hệ đặt hàng với cơ sở của ông, trong đó có một công ty muốn ký hợp đồng cung cấp 100 tấn khô mỗi ngày.
Tự bơi
Ông Nguyễn Ngọc Em, giám đốc Sở Thương mại tỉnh An Giang, cho rằng ngoài giải quyết đầu ra xuất khẩu đang khó khăn, việc phát triển thị trường nội địa qua hệ thống thương lái chắc chắn góp phần nâng mặt bằng giá cá tra, ba sa nguyên liệu cho nông dân.
Ông Phan Văn Danh - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) - cho biết sẽ mời số thương lái này cùng hợp tác tham gia phát triển thị trường nội địa đầy tiềm năng mà bấy lâu còn bỏ ngỏ. |
Chị Ngô Thị Anh Hồng, chủ vựa cá Mười Trình, cho biết rất nhiều chủ ao không bán được cá cho các công ty đã tìm đến chị, do đó chị đã đầu tư thêm phương tiện, tổ chức lại khâu thu mua, phân phối nên có thể mua nhiều ao sản lượng trên cả trăm tấn và đưa mặt hàng cá tra tươi sống lên TP.HCM, miền Đông, xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng...
Chị khẳng định cá tra hiện vẫn rất được ưa chuộng, tiềm năng tiêu thụ còn rất lớn, có điều những thương lái như chị chưa đủ sức để nâng số lượng mua được nhiều hơn, đưa đến những nơi xa hơn.
Các thương lái còn muốn đưa hàng ra tận miền Trung, miền Bắc. Cũng có vài trường hợp đã đánh hàng lên Tây nguyên, ra Hà Nội, tất cả đều là nỗ lực tự bơi của thương lái. Cơ sở Trương Hải vừa nâng cấp thành công ty, chuẩn bị nhập về thiết bị công nghệ của Hàn Quốc và xây nhà máy để đáp ứng nhu cầu về khô cá tra phồng hiện có khả năng tiêu thụ với số lượng lớn tại nhiều nơi.
Ông Phan Văn Danh - phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA) - nhận định, nhờ các thương lái nên mức tiêu thụ loại cá này tăng lên hơn 20%. Đặc biệt là vai trò rất lớn của thương lái trong việc giải quyết đầu ra.
(Theo Tuổi Trẻ) |