(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4,4 triệu tấn gạo.
Con số này vượt xa hạn mức xuất khẩu là 3,8 triệu tấn mà Chính phủ đã đề ra từ đầu. Xuất khẩu gạo đã tăng mạnh trở lại sau khi đoàn khảo sát của Bộ Thương mại kiểm tra sản lượng gạo hiện có để cân đối xuất khẩu. Theo nhận định, năm nay, nhờ được mùa nên sau khi cân đối tiêu dùng trong nước và dự trữ, lượng gạo dành cho xuất khẩu có thể đạt mức 4,3 triệu tấn.
|
Được mùa, xuất khẩu được giá cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi. |
Trong tháng 8, cả nước đã xuất khẩu được 500.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên trên 3,8 triệu tấn, tăng 22,5% về lượng so với cùng kỳ năm 2004. Với tình hình này, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam nay có thể đạt 1,2 tỷ USD.
Hiện nay, giá chào gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 2-3 USD/tấn, dao động ở mức 253 USD/tấn loại 5% tấm và 234 USD/tấn loại 25% tấm. Dự báo tháng 9, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều nước.
Trên thị trường nội địa, giá lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung giảm dần trong khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục có nhu cầu mua gạo phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.
Hiện nay, trên thị trường thế giới, nhu cầu gạo của khu vực Trung Đông và châu Phi đang tăng cao, khiến cho giá xuất khẩu gạo của các nước châu Á tăng đáng kể, nhưng gạo Việt Nam vẫn được nhiều nước ưa chuộng vì giá rẻ hơn Thái Lan khoảng 15 - 18 USD/tấn.
|