|
Xe đạp điện du ngoạn trên phố.
|
Hút hàng nhờ xăng tăng giá
Đến các điểm kinh doanh xe đạp, xe đạp điện tại TP.HCM trong những ngày này mới thấy xe đạp điện bỗng nhiên trở thành “hàng hiếm”. Tại Cửa hàng 160 Võ Thị Sáu (Q.3) khi PV hỏi mua một chiếc xe đạp điện thì chỉ được câu trả lời thờ ơ: “hết hàng!”. Những chỗ khác nhiệt tình hơn thì hẹn lại hôm khác vì “mấy ngày nay lượng khách mua hàng tăng đột biến nên không sản xuất hay đặt hàng kịp”.
Ông Vũ Tiến Hảo, Giám đốc Công ty Delta - nhãn hiệu xe đạp điện “made in Việt Nam” đầu tiên cho biết, trước đây Delta tiêu thụ khoảng 200 xe/tháng nhưng trong tháng 8/05 này đã “nhảy” lên gần 400 xe/tháng. Theo ông Hảo, sở dĩ có việc thị trường tiêu thụ tăng cao đột xuất một phần là nhờ sắp bước vào năm học mới, một phần là do giá xăng tăng.
“Một bình điện có thể đi được một ngày (35-40 km), tiền sạc là 500 đồng/bình, cứ khoảng một năm rưỡi phải thay bình sạc một lần (giá 450.000đồng). Tính ra mỗi ngày một người đi xe đạp điện chỉ tốn có 2.000 đồng. Nếu như người đi xe không cần đèo, chở nặng hay cần chạy với tốc độ nhanh thì loại xe này rất phù hợp. Do vậy nhiều phụ huynh đã chọn mua xe đạp điện cho con em đi học thay vì xe máy” - ông Hảo phân tích.
Hiện thị trường có khá nhiều nhãn hiệu xe đạp điện, trong nước có Delta, Thống Nhất, Five Star, Greenbike… và tại nhiều cửa hàng còn có bán thêm xe đạp điện ngoại nhập của Trung Quốc. Giá xe đạp điện trên thị trường đang ở mức từ 3,4 - 4,8 triệu đồng, tính ra thì giá một chiếc xe đạp điện không phải là rẻ (chỉ thêm khoảng hơn 1 triệu đồng là có thể mua một chiếc xe máy Tàu) thế nhưng theo những người tìm mua xe đạp điện thì trong bối cảnh giá xăng tăng cao ngất ngưỡng như bây giờ xe Tàu “chỉ tổ ngốn tiền”.
Rủi của người - cơ hội của ta
|
Một khách hàng đang xăm xe chiếc xe đạp điện hiệu Five Star. Ảnh: Nguyễn Sa |
Tăng cường sản xuất để tận dụng cơ hội là giải pháp mà các DN kinh doanh xe đang thực hành. Đại diện Công ty xe & xe máy BMEC cho hay, nếu như trước đây thị trường chính của công ty là xuất khẩu xe ra nước ngoài thì bây giờ thị trường trong nước được chú trọng rất nhiều. Nguyên do là thời gian vừa qua xe đạp VN bị dính đến “vụ kiện phá giá xe” nên việc xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng. Một năm trở lại đây giá xăng liên tục tăng và đây cũng là dịp để xe đạp điện chứng tỏ ưu thế của mình trên thị trường nội địa.
Một tuần qua các DN sản xuất lớn như Delta, BMEC, Thống Nhất… đều đã tăng năng suất lên gần gấp đôi. Theo Delta, chỉ có cách gia tăng sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu của các đơn đặt hàng. Hiện các siêu thị như Metro, Big C đều đã bán hết sạch xe đạp điện, yêu cầu công ty giao hàng với số lượng tăng vọt.
Mặc dù hút hàng nhưng theo các DN xe đạp điện vẫn chưa tăng giá, tuy nhiên, cũng không có DN nào dám đảm bảo là mình sẽ không tăng. Nhiều DN cho biết chi phí vận tải nguyên liệu và hàng đã nhích lên nên không thể giữ nguyên giá thành. Một DN tiết lộ: “Tăng giá lúc này là rất khó vì khách hàng có thể hiểu nhầm là do DN bán đắt hàng nên tăng giá, do vậy có lẽ đến hết tháng 9/05 giá xe đạp điện mới bắt đầu tăng”.
Bên cạnh xe đạp điện, thị trường xe đạp tuần qua cũng nhộn nhịp hẳn lên. Số lượng xe đạp các nhà sản xuất đưa về tỉnh cũng tăng từ 2 -3 lần. Theo các DN tại một số tỉnh thành như Cần Thơ, Nha Trang, Vũng Tàu… có hiện tượng người dân đi xe đạp thay xe gắn máy. Tuy giá xe đạp từ gốc vẫn không tăng nhưng các cửa hàng kinh doanh đã tự ý tăng giá bán lên từ 10 - 20% trong những ngày này.
Mới đây, khi hầu hết các hãng Taxi đều “méo mặt” trước biểu giá xăng mới và phải công bố tăng cước taxi thì Taxi Petrolimex vẫn “im lìm”. Thật ra, DN này đang nắm giữ một ưu thế và cơ hội chiếm lĩnh thị trường rất lớn: ổn định giá (taxi Petrolimex chạy bằng gas, không liên quan đến giá xăng dầu).
Như vậy, giá xăng tăng cao đã tác động đến thói quen tiêu dùng, mua sắm của khách hàng và những DN trên có thêm cơ hội để phát huy thế mạnh sẵn có của mình.