Thị trường tiêu dùng: Đối mặt với đợt tăng giá mới
15:25' 22/08/2005 (GMT+7)

Trong vòng 1 tuần tới, sức mua hàng hoá sẽ tăng mạnh bởi những tác động: Chuẩn bị cho khai giảng năm học mới, Tết Trung thu cộng thêm áp lực tăng giá xăng dầu. Giá cả sẽ có nhiều biến động.

Hàng hoá, dịch vụ - “rập rình” tăng

Soạn: AM 321537 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Rất nhiều lý do khiến giá hàng tiêu dùng có thể sẽ tăng trong vòng 1 tuần tới.
Mấy ngày nay, giá các mặt hàng nông sản và thực phẩm đều biến động. Tại TPHCM, giá rau, củ, quả các chợ đầu mối đã tăng thêm chừng 1.000 đồng/kg; giá thịt lợn, bò, cá nhích ít nhất  từ 1000 – 3000 đ/kg; TP Hà Nội - giá thực phẩm tại các chợ Hôm, 19/12, Hàng Bè, Hàng Da không chỉ tăng do sức mua mấy ngày cuối tuần nhân dịp rằm tháng 7 mà còn  bị “đẩy” do phí vận chuyển “thúc” lên.

Với 17% tăng chi phí của ngành đánh bắt cá xa bờ (trong 3 lần tăng giá xăng năm 2005), hàng hải sản khô như: tôm nõn, cá, mực… được các bà hàng bán lẻ cảnh báo trước: “sẽ tăng thêm vài ngàn đ/kg đấy nhé!”. Tôm, cá, hải sản tươi được phỏng đoán tới đây sẽ tăng giá mạnh.

Chợ đã là vậy, siêu thị cũng không nằm ngoài vùng xoáy. Do vừa có đợt tăng giá mới (5-10%) cách đây 1 tuần  nên thay vì điều chỉnh tiếp, các siêu thị tại T.P HCM đang khôn ngoan lựa chọn phương án: mở tháng khuyến mại để bán được nhiều hàng bù cho lãi ít.

Tại Hà Nội: Bic C, Metro, Intimex, Fivimart, Citimart... chưa biết ai trong số những đại gia này sẽ nói lời tăng giá đầu tiên. Trong khi vị phụ trách bán hàng đại diện Intimex thận trọng: “Siêu thị đang thương lượng với một số chủ hàng để thống nhất mức tăng hợp lý tránh gây biến động cho người tiêu dùng” thì tại các siêu thị nhỏ lẻ trong các khu chung cư, đô thị mới, giá đã được niêm yết với mức tăng dao động từ 3%-5%.

Đáng chú ý: Việc tăng giá tập trung vào các mặt hàng đang có sức mua cao như: đồ hộp chế biến sẵn, cặp đi học, sách vở, quần áo, giày dép. Cũng cần phải nói thêm rằng, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình để đầu cơ, trục lợi. Còn các nhóm hàng: điện tử, điện lạnh, đồ tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm chút ít.  

Từ khu du lịch vịnh Hạ Long, Trọng Anh, điều hành viên lâu năm  của Cty du lịch lữ hành ATS đã “than” với PV qua điện thoại: “Nhiều “nhà xe” đã gửi tới các cty du lịch thông báo miệng sẽ tăng 30% giá thành so với trước (trong khi họ chỉ bị  “đội” thêm 10% chi phí - đây cũng là dấu hiệu lợi dụng để tăng giá - NV).

Cùng đó, theo Trọng Anh, do ảnh hưởng của giá xe, giá phòng, giá dịch vụ ăn uống, nhiều cty du lịch đã phải tạm ngừng việc gửi báo giá tour sang nước ngoài. Liệt kê tất cả những yếu tố ngoại cảnh, “gói” thêm thông tin: theo chu kỳ, giá phòng khách sạn sẽ tự động tăng 10%-20% vào đầu năm tới, với thâm niên có sỏi trong nghề du lịch, anh này tiên đoán: “Giá tour nội địa chuẩn bị sẽ tăng thêm ít nhất 10%”.

Kiểm soát lạm phát bằng cách nào?

TS Lê Đăng Doanh, thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ:

“Muốn chống lạm phát phải siết chặt chính sách tiền tệ, đầu tư có hiệu quả, không để thất thoát lớn”

Có hai lý do dẫn đến lạm phát tăng: Do hệ quả cung ứng tiền nhiều quá trong khi xã hội chỉ có một lượng hàng hoá nhất định nên giá tăng; hoặc do sự bất khả kháng của việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào. Việt Nam đang rơi vào tình cảnh thứ hai - Tăng giá xăng dầu đã  “nhập khẩu” cho việc tăng giá các loại hàng hoá khác. 

Điều cơ bản lúc này là chúng ta phải thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm, sử dụng xăng dầu (nâng cao hiệu quả vận tải, sử dụng nguyên liệu, năng lượng thay thế). Để chống được lạm phát, cần coi trọng siết chặt chính sách tiền tệ, đầu tư có hiệu quả. Hiện nay khoản nợ về công trái của Chính phủ chưa phải là lớn.

Muốn  tăng nguồn vốn đầu tư cho các công trình, không nên chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại, mà cần đẩy mạnh huy động vốn Trái phiếu Chính phủ thông qua thị trường chứng khoán... Phần lớn nguồn lạm phát đầu tư hiện nay là do thất thoát. Để “chống” được thất thoát, Chính phủ nên mở công trình ngắn hạn (thu hút vốn đầu tư trong dân hoặc nhà đầu tư nước ngoài như công trình điện Phú Mỹ 2), thuê giám sát, tư vấn nước ngoài.  

Theo PGS- TS Ngô Trí Long – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, cho đến thời điểm này, những chỉ tiêu về tăng trưởng (8,5%) và lạm phát (6,5% ) mà Quốc hội đã đề ra thật khó có thể trở thành hiện thực bởi những tác động bất khả kháng (như giá xăng dầu, nguyên liệu nhập khẩu các mặt hàng khác...).

Thị trường sẽ ra sao trong đầu năm 2006 khi một loạt các mặt hàng trọng yếu: than, điện, xi măng sẽ tăng giá? - Ông Long nhận định: “Lẽ đương nhiên, các mặt hàng tiêu dùng có liên quan, sẽ lại ảnh hưởng. Tuy nhiên có thể tránh cú “sốc” xảy ra bằng việc lập lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng trọng yếu, để người dân dần thích nghi”.

Vậy kiểm soát lạm phát từ nay đến hết năm ngoài những công cụ tài chính, tiền tệ còn cách nào? - Ông Long cho rằng: “Cần giảm tối đa chi phí không cần thiết (như: phí tiêu cực, phí thủ tục, phí làm luật...). Thay mệnh lệnh hành chính duy ý chí bằng những biện pháp linh hoạt hơn. Chẳng hạn: Có thể phản ứng tức thì tăng, giảm  giá xăng theo thị trường.

Liên quan đến biến động giá xăng dầu có thể còn xảy ra từ nay đến hết năm, TS Trần Đình Thiên, Viện nghiên cứu kinh tế VN đề xuất: “Chính phủ nên xây dựng một cơ chế cho các DN tự điều chỉnh theo thị trường và chỉ quy định đến một mức “nguy hiểm” nào đó, mới giơ tay can thiệp”.

“Lạm phát năm nay có thể  “rơi” vào khoảng từ 7,5%-8%”- Một quan chức Ngân hàng Nhà nước đã nhận định sau khi đưa ra tính toán trong 3 năm vừa qua lạm phát đã tăng thêm hơn hai chục phần trăm.

Theo ông này, việc điều chỉnh giá xăng dầu của Chính phủ cùng khả năng tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ  “đẩy” các NHTM trong nước vào một chu kỳ tăng lãi suất mới. Tuy rằng, việc tăng LS cho đến lúc này đã được các NHTM không mấy vui khi phải áp dụng. 

(Theo Tiền Phong)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thủy sản xuất sang Hy Lạp tăng trên 170% (22/08/2005)
TP.HCM: Bất động sản đóng băng là do cấm bán lô đất? (22/08/2005)
Bánh trung thu “dởm” tràn ngập thị trường (21/08/2005)
Yêu cầu doanh nghiệp vận tải ổn định giá cước (21/08/2005)
TV màn hình lớn liên tục giảm giá (21/08/2005)
Giải Golf đầu tiên dành cho doanh nhân (20/08/2005)
Nối chuyến bay từ VN đến 5 thành phố lớn của Mỹ (20/08/2005)
Chiếm tâm trí khách hàng bằng thương hiệu (20/08/2005)
Lâm Đồng: Bột ngọt giả tràn lan (20/08/2005)
Nhận thông tin kinh tế qua điện thoại di động (20/08/2005)
Phát hiện một DN sản xuất rượu Cognac giả (19/08/2005)
10 nghề đắt giá nhất trong tương lai (19/08/2005)
Tiêu tốn 100 tỷ đồng mỗi năm cho "C sủi" (19/08/2005)
Thị trường Anh: tự do nhưng khắt khe, bảo thủ (18/08/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang