Các thành phố châu Á đang trở nên đắt đỏ hơn với du khách nước ngoài do hậu quả của lạm phát và sự mạnh lên của đồng tiền địa phương. Tuy nhiên, chi phí cuộc sống ở đây vẫn còn thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Tổ chức nghiên cứu về nhân lực chuyên nghiệp ECA International vừa công bố bản báo cáo hàng năm trong đó thể hiện xu hướng nói trên. Một cuộc khảo sát do ECA tiến hành cho biết các thành phố châu Á đang trở nên đắt đỏ hơn do tỷ lệ lạm phát ở châu Á cao gấp 3 lần so với khu vực sử dụng đồng Euro và gấp hai lần Mỹ.
ECA International cũng cho rằng, việc tăng giá trị đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Ringgit của Malaysia thêm lần lượt 1,8% và 1,0% mới đây cũng góp phần làm giá cả ở đây đắt đỏ thêm.
Điều tra của ECA International thực hiện tại 250 tỉnh thành trên toàn cầu và áp dụng chuẩn so sánh là một bộ sưu tập 125 mặt hàng, trong đó có các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp phẩm, rượu bia - thuốc lá, quần áo, đồ điện, nhà hàng - khách sạn và dịch vụ phụ trợ. Qua đó, tổ chức này đã đánh giá được chi phí mà du khách nước ngoài phải bỏ ra cho mỗi chuyến du lịch tại đây.
Nước có nhiều thành phố đắt đỏ nhất không đâu khác chính là Nhật Bản, vốn đã nổi tiếng với những thành phố đắt đỏ bậc nhất toàn cầu từ trước. Nhưng điều ngạc nhiên là ngay cả một thành phố nhỏ như Dili của Đông Timor cũng lọt vào Top 10, cao hơn cả Singapore và Bắc Kinh.
Nguyên nhân là đa số hàng hoá tại thành phố nhỏ Dili này đều nhập về từ nước ngoài. Đó cũng là một lý do chính nữa khiến chi phí cho du khách nước ngoài đến châu Á đắt lên nhanh chóng.
|
Việc tăng giá trị đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng góp phần làm giá cả ở đây đắt đỏ thêm. |
Cụ thể, 6 thành phố đắt đỏ nhất với du khách nước ngoài là Tokyo, Yokohama, Kobe của Nhật Bản; Seoul của Hàn Quốc, Macau và Hong Kong của Trung Quốc. Tokyo cũng chính là thành phố đắt đỏ thứ hai thế giới chỉ sau Oslo của Na Uy và đắt hơn cả các trung tâm kinh tế lớn như London, Paris, Seoul, New York hay Sydney.
Ở phía ngược lại, đứng đầu trong nhóm 6 thành phố rẻ nhất cho du khách khi đến châu Á là Thủ đô Dhaka của Bangladesh. Theo sau là Manila của Phillipines, TP. HCM của Việt Nam, Bangalore của Ấn Độ, Islamabad của Pakistan và Vientiane của Lào.
Theo ECA International, tốc độ tăng chi phí ở các thành phố châu Á nhìn chung đã cao hơn trước đây và cao hơn các khu vực khác hiện nay, song chi phí cuộc sống vẫn ở mức thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Chẳng hạn, Singapore là thành phố đắt đỏ thứ 9 đối với du khách tính trong khu vực châu Á, nhưng chỉ xếp thứ 114 trong phạm vi toàn cầu. Hoặc Hong Kong đứng thứ 6 châu Á nhưng cũng chỉ xếp thứ 83 toàn cầu.
|