(VietNamNet) - Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Thương mại) cho biết, từ trung tuần tháng 7, tình hình xuất khẩu gạo diễn biến thuận lợi đã hỗ trợ giá gạo trong nước cũng như giá gạo xuất khẩu tăng.
|
Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu được 3,8 triệu tấn gạo. |
Hiện giá thóc tẻ thường tại ĐBSCL từ 2.050-2.100 đồng/kg, tăng 20-100 đồng/kg so với tuần trước; gạo tẻ thường 3.200-3.500 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu cũng tăng thêm 10 đồng/kg, gạo thành phẩm xuất khẩu tăng 50-80 đồng/kg .
Tại các tỉnh ĐBSH, giá lúa gạo cũng tăng nhẹ, từ 50-100 đồng/kg. Giá thóc ở mức 2.350-2.500 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo tẻ thường 4.000-4.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm, 10% tấm cũng đang tăng 2 USD/tấn; 15% tấm và 25% tăng 6 USD/tấn so với tuần trước. So với đầu tháng 7, giá gạo còn tăng tới 7 USD đối với loại 5% tấm và 9 USD đối với loại 15% và 25% tấm.
Nguyên nhân khiến giá gạo tăng trở lại sau một thời gian dài giảm mạnh là do vào thời điểm này, các DN đang tích cực mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký. Hơn nữa, Việt Nam cũng vừa trúng thầu cung cấp cho Philippines 92.000 tấn gạo loại 15% tấm với giá 279 USD/tấn C&F đã thúc đẩy nhu cầu mua gạo để chế biến xuất khẩu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã sang Philippines tham gia đợt mở thầu với tổng số khoảng 300.000 tấn gạo. Sắp tới, Hàn Quốc mở thầu 350.000-400.000 tấn, Iraq mở thầu 150.000 tấn và đến cuối tháng 7, thị trường châu Phi sẽ tiêu thụ gạo trở lại... Song, hiện trên thị trường chỉ còn Thái Lan và Việt Nam có khả năng cung ứng, nhưng với giá gạo ở mức thấp hơn so với giá gạo Thái Lan từ 12-24 USD/tấn, các DN Việt Nam có nhiều khả năng sẽ giành được cơ hội xuất khẩu gạo vào các thị trường trên.
Dự báo giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm do lượng gạo tồn kho tại các địa phương không nhiều, trong khi lượng phải giao theo hợp đồng còn đến 1,2 triệu tấn. Kết quả khảo sát tại 6 tỉnh khu vực ĐBSCL cho thấy, lượng gạo còn tồn kho của các DN hiện chỉ đáp ứng 40-50% so với lượng phải giao theo hợp đồng. Trong tháng 7 và tháng 8 tới, phải giao khoảng 400.000-500.000 tấn/tháng và DN sẽ tiếp tục mua vào nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể được nâng lên, vượt mức 3,8 triệu tấn. Do vậy, Hiệp hội Lương thực đã có văn bản đề nghị các DN hạn chế ký những hợp đồng xuất khẩu giá thấp. Bộ Thương mại còn yêu cầu các DN đẩy mạnh thu mua hết lúa hàng hoá cho dân để tiếp tục xuất khẩu, nhưng phải xuất với giá tốt nhất.
|