Hàng xuất khẩu VN quay trở lại thị trường Nhật Bản
09:27' 25/07/2005 (GMT+7)

Tại 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và EU, các ngành có kim ngạch xuất khẩu cao của VN là dệt may, thủy sản và chế biến gỗ đều sụt giảm hoặc gặp khó khăn. Lối ra lớn nhất cho các ngành hàng chủ lực trong tình thế hiện nay chính là thị trường truyền thống của VN - thị trường Nhật.

Cửa vẫn mở với đồ gỗ

Soạn: AM 461339 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chế biến gỗ xuất khẩu.

Hiện nay VN vươn lên vị trí thứ 3 trong các nước xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào Nhật, sau Trung Quốc và Thái Lan. Với nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng, dự báo nhập khẩu đồ gỗ của Nhật năm 2005 lên tới 650 - 700 tấn. Nhật đang là thị trường đầy cơ hội đối với ngành xuất khẩu gỗ và thủ công mỹ nghệ của VN.

Thực tế, Nhật vốn vẫn là thị trường truyền thống đối với hàng xuất khẩu VN, tuy nhiên, sau khi khai thông thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp (DN) đổ xô sang thị trường đầy tiềm năng với những khách hàng lớn, hợp đồng lớn này. Chỉ khi gặp rủi ro như đang đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đồ gỗ tại thị trường Mỹ, nhiều DN mới “giật mình” vội vã quay lại thị trường Nhật và gặp không ít khó khăn bởi sự bành trướng của “người khổng lồ” Trung Quốc - nước dẫn đầu trong các nhà xuất khẩu đồ gỗ vào Nhật với 43% thị phần. Điều này giải thích vì sao là bạn hàng lâu năm, đứng thứ 3 trong các nước xuất khẩu đồ gỗ vào Nhật nhưng chúng ta chỉ chiếm có 9% thị phần tại thị trường này.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ TPHCM, nhận xét yêu cầu về chất lượng đối với thị trường Nhật rất cao với sản phẩm ưa chuộng là gỗ mềm. Khách hàng Nhật khó tính, khó tiếp cận nhưng nếu đã thiết lập được thì rất bền vững. Với mức tiêu dùng hằng năm cho đồ gỗ là 1.000 USD/hộ/tháng, Nhật là thị trường “béo bở” đối với các nước xuất khẩu. Với kế hoạch 1,6 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, thị trường Nhật được “chia” 21%. Để đạt được mục tiêu này theo các chuyên gia, nhà xuất khẩu phải lưu ý đặc điểm cho sản phẩm của thị trường này là “kích cỡ nhỏ, gam màu trầm”.

Thủy sản, dệt may quay về bạn cũ

Mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2005 đặt ra là 2,6 tỉ USD nhưng 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,062 tỉ USD, chưa được 41% kế hoạch. Do vụ kiện tôm vẫn chưa ngã ngũ, thị trường chính của sản phẩm tôm là Mỹ giảm tới 16% so với cùng kỳ năm 2004. Nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch là vô cùng nặng nề mà đích ngắm cho xuất khẩu thủy sản của các DN VN hiện nay chính là thị trường Nhật. Ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản VN (VASEP), cho biết thị trường Nhật hiện nay đang dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm khoảng 350 triệu USD.

Theo ông Hòe, đối thủ lớn nhất của hàng thủy sản VN tại thị trường Nhật hiện nay chính là Indonesia và Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu như Ấn Độ lợi thế hơn về giá và tôm nguyên liệu, Indonesia “mạnh” hơn về hàng chế biến thì VN “ăn đứt” cả 2 nước này về chất lượng - yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu Nhật. “Nhật vẫn là thị trường chiến lược và lâu dài đối với ngành xuất khẩu thủy hải sản VN. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ thị trường này. Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật sẽ khoảng trên dưới 800 triệu USD”- ông Hòe nói.

Tương tự là dệt may, 6 tháng đầu năm thị trường Mỹ giảm 20% so với cùng kỳ năm 2004, chỉ đạt 675 triệu USD. Thị trường EU cũng chỉ đạt 255 triệu USD, giảm 5,37% so với cùng kỳ. Nhưng với thị trường Nhật, kim ngạch xuất khẩu của các DN vẫn đạt mức tăng trên 13%. Hội Dệt may Thêu đan khuyến cáo, nhiều khách hàng Nhật đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang VN và các DN phải đón lấy cơ hội này. Bởi nếu chỉ nhận được 10% những đơn hàng của Nhật đang được sản xuất từ Trung Quốc, VN đã có thể có 1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Công ty May Nhà Bè cho biết, phía đối tác Nhật đã chuyển một nhà máy may veston từ Philippines sang VN cho Nhà Bè và hiện nay dây chuyền này đang hoạt động hết công suất phục vụ thị trường này.

(Theo Người Lao động)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà sản xuất Chin-su phủ nhận kết quả kiểm định của Bỉ (25/07/2005)
Xuất khẩu vào EU đạt 8 tỷ USD vào 2010 (25/07/2005)
Bỉ khuyến cáo không nên dùng nước tương Chin-su từ Việt Nam (24/07/2005)
Sẽ phải thêm một giấy phép nữa khi làm quảng cáo? (24/07/2005)
EC ngưng điều tra bán phá giá ống, cút thép từ VN (23/07/2005)
Hàng không nội địa bắt đầu cạnh tranh giảm giá vé (23/07/2005)
Xe đạp VN chịu thuế chống phá giá từ 15,8-34,5% (23/07/2005)
Xem, thử và đặt mua ôtô tại Auto Expo 2005 (23/07/2005)
"Chúng ta không biết làm du lịch” (22/07/2005)
Nhập khẩu thép thành phẩm tăng mạnh (21/07/2005)
Doanh nghiệp bất hợp tác hầu kiện: Thiệt thân, hại "đồng đội" (21/07/2005)
Giá cao su cao nhất từ trước tới nay (21/07/2005)
Đề nghị các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ hợp tác (20/07/2005)
Hồng Kông giúp quy hoạch du lịch Bà Nà - Suối Mơ (20/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang