Hàng không nội địa bắt đầu cạnh tranh giảm giá vé
09:55' 23/07/2005 (GMT+7)

Lần đầu tiên, thị trường hàng không nội địa diễn ra cuộc cạnh tranh giảm giá vé! Cũng lần đầu tiên, giữa mùa cao điểm hè, giá vé máy bay TP.HCM - Hà Nội “rớt” còn 2 triệu đồng/khách.

Hàng không nội địa “tập” cạnh tranh

Giảm giá vé máy bay phải đi cùng với nâng chất lượng phục vụ hành khách.

Từ khi hãng hàng không (HK) Pacific Airlines (PA) chuyển sang Bộ Tài chính quản lý, thị trường vé máy bay nội địa xuất hiện chuyện lạ! Lần đầu tiên trên “đường bay vàng” TPHCM - Hà Nội, giá vé máy bay khứ hồi PA công bố giảm từ 3 triệu đồng còn 2,7 triệu đồng/khách.

Chỉ một tháng sau, Vietnam Airlines (VNA) cũng khởi động, nhưng giá vé công bố làm không ít người sửng sốt! Giá vé khứ hồi đi trên các chuyến bay đêm (sau 22g) tuyến TPHCM - Hà Nội của VNA chỉ còn 2 triệu đồng/khách! Ngay lập tức, PA cũng chào hàng tiếp một chương trình khuyến mãi khác.

Từ tháng 7-2005, nếu bay với PA trên các chuyến bay sớm (trước 7g30 sáng) hay trên chuyến bay sau 19g tối, giá vé khứ hồi TPHCM - Hà Nội chỉ còn 2,15 triệu đồng/khách. Khác hẳn các chương trình khuyến mãi trước đây, các điều kiện đi kèm vé khuyến mãi cũng nới lỏng hơn, cả 2 hãng đều cho hành khách được đổi ngày bay, đổi cả chuyến bay chỉ phải bù thêm một khoản phí nhỏ. Tuy nhiên, do lượng khách đăng ký khá đông, hiện nay muốn đặt được chỗ trên những chuyến bay này, khách phải đăng ký trước cả 10 ngày mới có vé.

Giới kinh doanh du lịch bình luận hiện tượng này là chuyện lạ! Tại sao vậy? Bởi hiện nay đang là mùa cao điểm, lượng khách đi lại nhiều, bằng chứng là hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay TPHCM - Hà Nội của VNA và PA đều ở mức cao ngất ngưởng: 80% - 90%/chuyến bay, nhưng cả 2 hãng đều dành một lượng vé đáng kể cho khuyến mãi.

Sự lạ thứ 2 là giá xăng dầu thế giới đang tăng cao, các hãng HK nước ngoài đều tăng thêm phụ phí xăng dầu, đẩy giá vé máy bay, giá tour du lịch ra nước ngoài tăng thêm đáng kể, thì HK nội địa không những không thu phụ phí xăng dầu mà vẫn cầm cự được để khuyến mãi giảm giá.

Cũng nhờ vậy, mùa hè này là mùa du lịch hè đầu tiên giá tour ra các tỉnh phía Bắc giảm giá. PA đã liên kết 6 công ty du lịch: Fiditourist, Saigontourist, Bến Thành Tourist, Du lịch Hòa Bình, Du lịch Thế Hệ Trẻ, VN Travel Guide để tung ra giá tour khuyến mãi trên tuyến Hà Nội - Hạ Long - Sapa, giá tour bán ra chỉ từ 4,475 triệu đồng đến 5,885 triệu đồng/khách (mức giảm lên đến 600.000đ/khách).

Giữ giá trần thời cạnh tranh: lợi bất cập hại

Sau khi chấn chỉnh hoạt động, Pacific Airlines đã thu hút nhiều hành khách hơn.

Rõ là thị trường HK nội địa đã thật sự bắt đầu cuộc cạnh tranh. Chỉ có điều, cuộc cạnh tranh này vẫn chưa “hội nhập” hoàn toàn. Một dẫn chứng, hãng HK giá rẻ Tiger Airways “nhảy” vào thị trường VN và đã gây một cú sốc rất ngoạn mục khi chào hàng giá vé đi Singapore cho những người đặt mua đầu tiên chỉ có 24,98USD.

Tiger Airways có thể giảm giá đáng kể như vậy là vì hãng này có đến 10 mức giá vé và giá vé thấp nhất với giá vé cao nhất trên cùng chuyến bay chênh nhau đến 8 lần! Có nghĩa là ai mua càng sớm, đặt mua nhanh nhất giá càng rẻ, càng gần ngày bay, giá càng cao. Hãng HK chỉ tính lợi nhuận trên giá vé bình quân. Đó cũng là phương thức kinh doanh vé HK phổ biến trên thế giới hiện nay.

Tại sao các hãng HK trong nước chưa thực hiện được phương thức kinh doanh này trên tuyến nội địa? Lý do rất đơn giản, đó là vì các hãng HK còn bị quản lý giá vé trần! Ví dụ giá vé trần khứ hồi tuyến TPHCM - Hà Nội bị khống chế ở ngưỡng không quá 3 triệu đồng/vé. Cho nên, để không lỗ, giá vé giảm thấp nhất hiện nay trên mỗi chuyến bay chỉ có thể dừng ở mức 1,9 triệu đồng/vé (giá vé cho người trên 60 tuổi), độ chênh lệch giữa khung giá cao và thấp nhất chưa tới 1,5 lần.

Đại diện phòng kinh doanh PA phân tích: “Không thể giãn hơn nữa mức chênh lệch giữa giá vé cao nhất và thấp nhất vì ở nước ta, ngành HK bị quản lý giá trần”. Nếu bỏ giá trần, ngành HK có thể du nhập dễ dàng kiểu bán vé mới, có nghĩa là người thu nhập thấp có thể đi Hà Nội - TPHCM với mức giá vài trăm ngàn đồng nếu mua trước cả tháng, ngược lại giới doanh nhân sẵn sàng bỏ ra bốn, năm triệu đồng nếu có nhu cầu cần bay gấp trong vài tiếng. Điều này cũng đồng nghĩa cơ hội được đi máy bay giá vé rẻ với đông đảo người thu nhập thấp ở nước ta sẽ càng xa vời nếu quan điểm giữ giá trần vẫn còn duy trì.

Một thông tin nóng khác, thị trường hàng không Đông Nam Á đang chuyển động cuộc cạnh tranh mới: đó là xu hướng đầu tư hãng HK giá rẻ (LCC). Đón cơ hội kinh doanh mới, Singapore, Malaysia, Thái Lan… đều quy hoạch sân bay riêng cho LCC. Singapore còn mở chiến dịch “marketing” theo kiểu “bay đến đây sẽ được giảm phí” và bất ngờ nhất là chiến dịch “thưởng” cho hãng HK trên đầu khách chở đến. Giữa làn sóng LCC và xu hướng cạnh tranh giảm giá, ngành HK và du lịch VN sẽ càng chậm bước tiến nếu cứ duy trì cung cách quản lý bao cấp giữa thời kỳ hội nhập. Đã đến lúc đặt lại câu hỏi, có cần thiết khống chế giá trần khi ngành HK nội địa đã tiến vào giai đoạn cạnh tranh thời hội nhập? 

(Theo SGGP)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xe đạp VN chịu thuế chống phá giá từ 15,8-34,5% (23/07/2005)
Xem, thử và đặt mua ôtô tại Auto Expo 2005 (23/07/2005)
"Chúng ta không biết làm du lịch” (22/07/2005)
Nhập khẩu thép thành phẩm tăng mạnh (21/07/2005)
Doanh nghiệp bất hợp tác hầu kiện: Thiệt thân, hại "đồng đội" (21/07/2005)
Giá cao su cao nhất từ trước tới nay (21/07/2005)
Đề nghị các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ hợp tác (20/07/2005)
Hồng Kông giúp quy hoạch du lịch Bà Nà - Suối Mơ (20/07/2005)
Pacific Airlines giảm giá vé khứ hồi Hà Nội - TP.HCM (20/07/2005)
Du lịch tam giác TP.HCM - Bangkok - PhnomPenh (20/07/2005)
Cá ngoại xâm nhập thị trường TP.HCM (20/07/2005)
Cửa hội nhập rộng chưa từng có với doanh nghiệp Việt Nam (19/07/2005)
Hàng dệt may vào EU được giá (19/07/2005)
Da giày VN đề nghị chọn Indonesia làm nước đối sánh (19/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang