Vụ kiện sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nếu tất cả DN da giày VN cùng hợp tác, cùng tự xem mình là người trong cuộc sẽ giúp cả ngành đạt được những kết quả như mong đợi.
Ngày mai (22/7) là thời hạn cuối cùng để 60 doanh nghiệp (DN) sản xuất giày của VN (các bị đơn trong vụ kiện chống bán phá giá giày) buộc phải hoàn tất việc trả lời hai bảng câu hỏi về các thông tin cơ bản, biểu mẫu của Liên đoàn Các nhà sản xuất giày tại Liên minh châu Âu (CEC).
|
Các DN nên hợp tác hầu kiện sẽ mang lại kết quả như mong đợi. |
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, phía đi kiện hiện tin rằng nhiều DN trong danh sách này sẽ không thể hoặc khó chứng minh được họ có giá thành phù hợp với nền kinh tế thị trường vì hầu hết DN chưa có được hệ thống sổ sách kế toán rành mạch để chứng minh điều đó!
Điều làm cho ban lãnh đạo Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) lẫn Hội Da giày TP.HCM hết sức lo ngại khi một số không nhỏ các DN nằm trong danh sách tỏ ra không quan tâm do nghĩ rằng DN của mình không xuất khẩu nhiều sang Liên minh châu Âu (EU) nên có khả năng từ chối không chịu khai báo (!). “Đây là một điều hết sức tai hại, sẽ được Ủy ban châu Âu (EC) xem là không hợp tác và các DN này sẽ bị áp mức thuế cao nhất” - ông Kiệt lo lắng nói. Điều này không những rất bất lợi cho chính các DN này mà còn bất lợi hơn khi EC đưa ra một mức thuế bình quân giữa các DN hợp tác và không hợp tác để áp cho cả ngành.
Chưa hết, nhiều DN không có tên trong danh sách cho rằng mình không bị kiện trực tiếp và do đó không liên quan. Số này đã tỏ ra thờ ơ như người ngoài cuộc. Theo một lãnh đạo của Lefaso, suy nghĩ này hết sức nguy hiểm vì chính đây là cái bẫy lớn của phía nguyên đơn trong các vụ kiện.
“Họ đã đánh trúng vào tâm lý là các DN bên ngoài danh sách sẽ chẳng dại gì muốn mang vạ vào thân. Với tâm lý đó, họ đã loại ngay những đối thủ có cỡ ra ngoài cuộc” - ông Kiệt phân tích. Kinh nghiệm trong vụ kiện cá ba sa đã cho thấy sự thiệt thòi của những DN đứng ngoài cuộc dù họ có đủ điều kiện hưởng mức thuế thấp nhưng lại phải chịu mức thuế cao do không nằm trong nhóm hợp tác, tức là nhóm có khai báo.
Ông Kiệt cũng lưu ý thêm tình trạng đã có không ít DN do bức xúc nên đã có những phát biểu hoặc thậm chí không hợp tác khai báo, không xuất hàng sang EU vì thấy vụ kiện quá vô lý. Theo các chuyên gia, đó chính là những điều mà CEC và EC đang mong đợi vì khi phát đơn kiện, mục đích sau cùng của họ là VN sẽ giảm xuất khẩu qua EU. “Nếu ta quay mặt với thị trường này sẽ khiến vụ kiện sớm chấm dứt một cách bất lợi cho ngành giày VN.
Do vậy, thái độ khôn ngoan nhất trong giai đoạn này là một sự hợp tác cao để phía EC đánh giá cao ngành công nghiệp này của VN, kể cả khi VN không thể thoát khỏi việc áp đặt thuế chống phá giá” - một chuyên gia của ngành đưa ra nhận xét.
(Theo Tuổi Trẻ) |