Không chấp nhận phá giá gạo để xuất khẩu
10:08' 19/07/2005 (GMT+7)

Sau khi khảo sát tình hình sản xuất và chế biến lúa gạo tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ… ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại, yêu cầu các doanh nghiệp cứ mua hết lúa cho nông dân để tiếp tục xuất khẩu, nhưng phải xuất với giá tốt nhất…

 

Chỉ ngưng những hợp đồng giá thấp

 

Soạn: AM -83786 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phơi lúa để chế biến gạo xuất khẩu tại Nông trường sông Hậu (Cần Thơ).

Theo ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại, tính đến ngày 30/6, cả nước đã xuất khẩu trên 2,65 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 744 triệu đô la Mỹ - tăng 10,5% về lượng và 35,4% về kim ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu hết chỉ tiêu 3,8 triệu tấn gạo và sẽ giao hết hàng trong tháng 7 và tháng 8.

 

Ngày 11/7, tại buổi làm việc ở thành phố Cần Thơ, tuy không công bố chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2005 sẽ dừng lại ở con số nào, nhưng ông Ruệ khẳng định: “Chính phủ đã đồng ý tăng lượng gạo xuất khẩu, chứ không dừng lại ở 3,8 triệu tấn”.

 

Theo ông, chỉ tiêu 3,8 triệu tấn mà trước đây Chính phủ tạm ấn định là căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ nội địa, đảm bảo an ninh lương thực… Tuy nhiên, qua khảo sát một số tỉnh, thành ở ĐBSCL lần này, đoàn khảo sát nhận định sản lượng lúa vụ hè thu đã tăng 5-8%. Do vậy, việc tiếp tục xuất khẩu gạo theo đề nghị của các địa phương là hoàn toàn phù hợp, và cũng để “kéo” lại sự khó khăn của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, giày da...

 

Ông Nguyễn Đăng Chi, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, cho biết giá gạo xuất khẩu theo hướng dẫn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang ở mức 245 đô la Mỹ (gạo 5% tấm) và 220- 223 đô la Mỹ/tấn (gạo 25% tấm).

 

Ông Ruệ thừa nhận giá gạo xuất khẩu những ngày qua bình quân đã giảm khoảng 25 đô la Mỹ/tấn so với hồi giữa tháng 4. Nhưng theo dự đoán của ông: “Từ cuối tháng 7 này, giá lúa sẽ tăng trở lại. Nếu giá trên thị trường thế giới không tăng thì giá trên thị trường nội địa vẫn tăng - dù có thể không nhiều”. Ngay trong đợt khảo sát, theo báo cáo của một số địa phương, giá lúa đã tăng từ 50-100 đồng/ki lô gam trong vài ngày gần đây.

 

Do vậy, các doanh nghiệp không nên bán tống bán tháo, ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp. “Chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong sáu tháng cuối năm chỉ “đóng lại” đối với các doanh nghiệp ký hợp đồng giá thấp”, ông Ruệ cho biết.

 

Hiện tại, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã sang Philippines tham gia đợt mở thầu với tổng số khoảng 300.000 tấn gạo. Sắp tới, Hàn Quốc mở thầu 350.000 - 400.000 tấn, Iraq mở thầu 150.000 tấn và đến cuối tháng 7, thị trường châu Phi sẽ tiêu thụ gạo trở lại…

 

Ông Ruệ khẳng định: “Không lo về đầu ra. Nhưng năm nay, Bộ Thương mại không quan tâm đến lượng gạo xuất khẩu sẽ đạt bao nhiêu mà quan trọng là chúng ta sẽ thu được bao nhiêu từ xuất khẩu gạo. Nếu xuất được bốn triệu tấn, kim ngạch phải đạt trên một tỉ đô la Mỹ”.

 

Sẽ xử lý những doanh nghiệp “phá giá”

 

“Không thể kéo dài tình trạng một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp như thời gian qua”, ông Chi nhấn mạnh.

 

Nguyên nhân đầu tiên, theo ông Chi, ngay cả khi tham gia các đợt mở thầu tại các nước, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết “đối thủ” của mình là ai, lấy gạo từ nguồn nào, mức giá ra sao… để chào giá hợp lý. Ông dẫn chứng: “Có một doanh nghiệp tại Cần Thơ dự thầu năm đầu còn khá tự tin bỏ giá. Tuy nhiên, đến năm thứ hai thì không dám bỏ giá trước vì sợ… rớt. Một doanh nghiệp khác trước khi tham gia đã được khuyến cáo nên tăng 3-4 đô la Mỹ, nhưng rốt cuộc chỉ dám tăng… một đô la Mỹ cũng vì lý do này”.

 

Theo ông Chi, vừa qua Bộ Thương mại đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký chỉ tiêu nhằm hạn chế việc ký hợp đồng khi thiếu thông tin về giá cả. Năm rồi, có một doanh nghiệp đã lỗ gần mười tỉ đồng chỉ vì nóng lòng ký hợp đồng, ngay sau đó giá gạo tăng vọt. Đồng thời, mỗi đợt dự thầu cũng phải cho 4-5 doanh nghiệp tham dự để so sánh giá.

 

Tuy nhiên, mới đây, theo Giám đốc một đơn vị thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam: “Vẫn còn chuyện ký hợp đồng phá giá nhằm “xí phần” giành chỉ tiêu xuất khẩu và vì một số quyền lợi khác.

 

“Ký giá thấp, trước hết ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác vì bên mua sẽ dựa vào đó ép giá. Cái hại hơn là về mua lại lúa của nông dân với giá thấp, khiến thị trường nội địa mất ổn định”, ông Ruệ phân tích. Ông cho biết đã đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam xem xét lại những doanh nghiệp vi phạm, không tuân thủ lợi ích chung.

 

Trao đổi với TBKTSG, ông Ruệ khẳng định: “Những doanh nghiệp vi phạm sẽ không được tham gia các đợt mở thầu xuất khẩu gạo và cũng sẽ không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu”.

 

Ông nói đó là chuyện phải xử lý ngay, khi bây giờ chính hạt cà phê, hồ tiêu phải trả giá cũng vì tình trạng tranh bán.  

 

(Theo Thời báo Kinh tế SG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thị trường thép ế ẩm (19/07/2005)
Kinh doanh trung tâm thương mại: kẻ khóc người cười (19/07/2005)
Giá tiêu dùng tăng và cảnh báo (18/07/2005)
Top 5 loại xe được ưa chuộng nhất hiện nay (17/07/2005)
Chọn Braxin làm nước thay thế là chưa phù hợp (15/07/2005)
Khai mạc Hội chợ Thời trang hàng VN (15/07/2005)
Giá hạt điều xuất khẩu giảm (15/07/2005)
KD máy bán hàng tự động, cơ hội từ trở ngại (15/07/2005)
Giá vàng sẽ lên cao trong thời gian tới? (15/07/2005)
Hàng lậu cũng được bảo hành, chuyện chỉ có ở Việt Nam (15/07/2005)
Xuất khẩu lậu sọ người! (15/07/2005)
"Tất cả các doanh nghiệp da giày đều nên khai báo" (14/07/2005)
Mũi giày sẽ hướng... về đâu? (14/07/2005)
Ferrosan đưa vào VN loại mỹ phẩm uống (14/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang