Bộ Thương mại, Tổ Điều hành thị trường trong nước của liên bộ đều dự đoán giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,2 - 0,3%, nhưng thực tế đã tăng 0,6%; dự đoán tháng 5 tăng 0,2 - 0,3%, nhưng đã tăng 0,5%; dự đoán tháng 6 tăng 0,2 - 0,3 % nhưng đã tăng 0,4%. Diễn biến giá cả đã vượt khỏi dự đoán của các cơ quan nghiên cứu và quản lý nhà nước. Tính chung 6 tháng, giá tiêu dùng đã tăng 5,2%, bằng hơn 80% mục tiêu cả năm. Như thế, tình hình tăng giá tiêu dùng có thể vượt ngưỡng.
|
Sản xuất giấy tại Công ty Giấy Bãi Bằng. |
Các cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ về quản lý đầu vào, kiểm soát khâu phân phối, lưu thông, sử dụng các biện pháp có tầm vĩ mô nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá. Song, nhiều chuyên gia đã cảnh báo khó đạt được mục tiêu kiềm chế gia tăng dưới 6,5% như Quốc hội đã đề ra cho cả năm 2005 bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, do 6 tháng đầu năm giá đã tăng 5,2%. Để cả năm giá tiêu dùng tăng dưới 6,5%, thì 6 tháng cuối năm bình quân mỗi tháng chỉ còn được tăng dưới 0,2% là điều không dễ thực hiện.
Mặt khác, trong thời gian tới còn có nhiều yếu tố làm tăng giá tiêu dùng do đầu vào, giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao với các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy, sợi, bông... Đáng lưu ý, giá USD bắt đầu bước vào chu kỳ tăng, trong khi nhập khẩu và nhập siêu từ khu vực đồng USD chiếm tỷ trọng lớn, nên nhập khẩu và nhập siêu khi tính ra VND còn bị đắt kép. Năm trước, để kiềm chế tạm phát dưới 10%, nhà nước đã phải áp dụng nhiều biện pháp, trong đó cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, bù giá xăng dầu, sắt thép... đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong những tháng đầu năm nay, Nhà nước cũng đã phải cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng. Mới đây, giá bán lẻ xăng dầu lại tăng và chắc chắn điều này sẽ tác động dây chuyền, làm giá cả nhiều mặt hàng khác tăng theo. Chi phí đầu vào còn tăng do lãi suất ngân hàng vốn đã cao hơn khả năng sinh lời của doanh nghiệp nay lại cũng đang trong xu hướng tăng.
Nguồn cung một số sản phẩm không tăng, nhưng nhu cầu của người dân tăng lên, nhất là đối với đường, thuốc chữa bệnh, điện, nước, đồ điện... Bước vào mùa hè mà hàng thực phẩm tươi sống không giảm giá, trái lại còn tăng, chủ yếu do nguồn cung gặp khó khăn. Do giá thức ăn chăn nuôi quá cao, nhiều nông dân ngoại thành, thậm chí cả ở vùng thuần nông trước đây chăn nuôi mạnh nay cũng giảm. Đàn gia cầm, thủy cầm chưa khôi phục được nhưng dịch cúm vẫn rập rình tái phát...
Các biện pháp có tầm vĩ mô năm nay được triển khai sớm hơn như: nâng lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, phát hành trái phiếu, công trái và gần đây các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng lãi suất huy động... để hạn chế tiền ra lưu thông, kéo tiền từ lưu thông về. Tuy nhiên, nếu nâng lãi suất huy động thì trước sau sẽ phải tăng lãi suất cho vay, tiếp tục làm cho mặt bằng lãi suất vượt quá khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn còn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, thậm chí có loại còn thấp hơn cả lãi suất tín dụng ưu đãi.
Như vậy, có nhiều nguy cơ khiến giá tiêu dùng tăng vượt mức cho phép và đây là bài toán khó tìm lời giải trọn vẹn. Vấn đề quan trọng là sự cảnh giác và khống chế tốc độ tăng giá ở mức thấp nhất từ nay đến hết năm. Hy vọng, thông qua những biện pháp điều hành vĩ mô hợp lý, kịp thời, chỉ số tăng giá tiêu dùng năm nay sẽ không vượt quá chỉ tiêu cho phép.
(Theo Hà Nội mới) |