|
Nhiều khách hàng tò mò muốn xem bên trong chiếc máy BHTĐ thế nào, nhân viên Công ty Tấn Hưng giới thiệu bộ máy làm lạnh và nóng bên trong máy BHTĐ. Ảnh: Nguyễn Sa |
(VietNamNet) - Tiền kim loại ra đời đã gần 2 năm, nhưng dịch vụ bán hàng tự động (BHTĐ) dùng loại tiền này vẫn chưa phát triển như dự kiến ban đầu. Nhiều DN đang kinh doanh máy BHTĐ cho rằng còn lắm khó khăn để phổ biến dịch vụ này. Song nếu nhìn ở góc độ khác, khó khăn cũng chính là ưu thế cho DN đi đầu.
Sẽ sản xuất máy BHTĐ tại VN
Ông Nguyễn Tri Bổng, đại diện Tribeco VN - DN kết hợp với Công ty Tấn Hưng (nhà nhập khẩu máy BHTĐ) đang kinh doanh khoảng 500 máy tại các điểm như trường học, nhà ga, bến xe… cho biết: “Nếu nhìn thấy mục tiêu mà không bước đi sẽ chẳng bao giờ tới đích. Chúng tôi phải mạnh dạn bước đi dù thời gian đầu rất gian nan”.
Khó khăn mà ông Bổng nêu ra cũng là trở ngại chung cho nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực này. Theo ông Bổng, giá thành của một máy BHTĐ có đủ chức năng hiện ít nhất cũng từ 2.000-3.000USD (giá nhập về từ nước ngoài). Đây là số tiền quá lớn để một cửa hàng ăn hay căn-tin có thể đầu tư, trong khi đó giá nhân công tại VN còn quá rẻ, chỉ cần vài trăm ngàn đồng/tháng là có thể thuê một nhân viên bán hàng. Đó là chưa kể máy còn “ngốn” một khoản tiền điện hàng tháng của người chủ đầu tư. Tính ra, hiệu quả kinh doanh của loại máy này rất thấp.
Hoặc theo như một DN khác, người tiêu dùng VN vẫn chưa có thói quen mua hàng qua máy hay nói cách khác là đội quân bán hàng rong, di động có mặt khắp nơi trên đường phố đã có thể “thay thế” loại máy này.
Các DN cho rằng, để phổ biến dịch vụ BHTĐ thì việc hạ giá thành sản phẩm máy là điều vô cùng cần thiết. Theo Công ty Tấn Hưng, nếu sản xuất tại VN máy BHTĐ sẽ rẻ bằng 2/3 giá thành hiện tại. Hiện công ty đang nghiên cứu đi theo hướng chỉ nhập bộ nhớ (bộ phận bên trong máy) về, còn vỏ máy (bộ phận bên ngoài) sản xuất trong nước.
Nhiều DN nhận định, Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước luôn hô hào muốn phát triển dịch vụ văn minh này nhưng chưa hề có hỗ trợ thiết thực nào cho DN. Chẳng hạn, miễn giảm thuế nhập khẩu máy BHTĐ hay ngân hàng có chương trình cho DN vay vốn sản xuất máy BHTĐ với lãi suất thấp.
Khó khăn hay lợi thế?
|
Thử hàng tại chỗ. Ảnh: Nguyễn Sa |
Khác với suy nghĩ trên, có ý kiến cho rằng DN đang có nhiều lợi thế mà họ chưa tận dụng hết.
Tuy giá thành máy BHTĐ còn cao, hiệu quả kinh doanh chưa nhiều nhưng với những DN lớn, đây là lúc tốt nhất để đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng.
Tên tuổi của họ sẽ xuất hiện khắp đường phố, nơi công cộng một cách sang trọng, đàng hoàng. Có thể nói, đầu tư theo kiểu này chỉ dành cho DN mạnh về vốn, nhưng nếu vượt qua được thời gian chào hàng ban đầu thì chắc chắn doanh số bán hàng của họ sẽ tăng lên rất nhiều.
Ví như trường hợp Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Tấn Hưng, trước đây nhiều phóng viên không hề biết đây là công ty nào, hoạt động gì nhưng sau khi họ đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển máy bán hàng tự động tại VN thì nhiều người biết rất rõ về công ty này.
Nói về thói quen tiêu dùng tiền xu, ông Trần Hoàng Ngân - trưởng Khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng, thực tế thì tiền kim loại cũng có chút bất tiện và khó giữ bên người. “Khi tôi có 2.000 đồng tiền kim loại trong túi, giá như có cái máy bán vé số hay bán báo là tôi mua liền để 'tiêu ngay' đồng tiền này” - ông Ngân nói. Nhìn một cách rộng hơn, đây cũng là lợi thế cho nhà kinh doanh.
Hơn nữa, người nước ngoài có thói quen mua hàng bằng tay (sử dụng máy), khác với thói quen mua hàng bằng miệng của người VN (mua trực tiếp từ người bán). Trong thời điểm ngành du lịch đang phát triển mạnh chúng ta rất cần đẩy mạnh những dịch vụ “ăn theo” này. Cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu còn quá rộng với các nhà đầu tư.
Tin liên quan: Sắp bùng nổ thị trường máy bán hàng tự động?
Cơ hội kinh doanh từ... tiền xu
Máy bán hàng tự động chật vật tìm đất sống tại VN |