(VietNamNet) - Theo Tổng Công ty Chè Việt Nam, với cách gọi thầu mới của Iraq, Việt Nam rất khó có khả năng tham gia đấu thầu và xuất khẩu chè vào thị trường này.
|
Chè xuất khẩu sang Iraq hiện phải đóng túi. |
Phía bạn hiện chỉ gọi thầu nhập khẩu chè với số lượng nhỏ (800 tấn), giao ngay trong 60 ngày. Chè phải đóng túi, với khối lượng từ 200 gam đến 1kg, song giá lại thấp hơn cả chè nguyên liệu. Với mức giá này, các DN trong nước sẽ chịu lỗ 70 USD/tấn nếu trúng thầu.
Chính vì vậy, hiện hai trong số những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành chè là Iraq và Trung Quốc đang bị sụt giảm. Trong đó, xuất khẩu vào Iraq giảm 15% và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 10,5%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho xuất khẩu chè của cả nước không đạt kế hoạch đề ra. Số liệu thông kê 5 tháng đầu năm cho thấy, kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 24,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 5,7% về trị giá so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, lại cho rằng, xuất khẩu chè sụt giảm là không đáng kể vì 6 tháng đầu năm 2004, ngành chè đã tiêu thụ được một lượng lớn chè chuyển từ năm 2003 sang (do khó khăn về thị trường Iraq). Khối lượng này vào khoảng 30.000 tấn, gấp đôi so với hàng năm và thường là hàng tồn kho nên giá trị không cao. Vì vậy, nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, giá trị kim ngạch giảm không đáng kể, mà chủ yếu là về số lượng.
Để chủ động vượt qua khó khăn, Tổng Công ty Chè cho biết sẽ ứng vốn lo toàn bộ đầu ra sản phẩm, cả chè đen lẫn chè xanh cho các đơn vị; đồng thời, đề nghị các công ty, xí nghiệp thành viên nên tập trung toàn bộ sản phẩm về Tổng công ty, tiêu thụ qua một đầu mối để tạo thế cạnh tranh, không được bán chè ra ngoài tạo nên sự hỗn loạn, ép giá. Tổng Công ty Chè cũng yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ khâu sản xuất, kiểm tra theo đúng quy trình để hàng đạt chất lượng cao nhất.
Bên cạnh đó, trước những khó khăn về thị trường, từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ xúc tiến quảng bá sản phẩm tại một số hội chợ quốc tế tại Nga, Belarus, Đức, Anh và Hoa Kỳ... nhằm mở rộng thị trường, ký kết hợp đồng để đẩy mạnh lượng chè xuất khẩu.
|