Ngày 5/7, tàu du lịch khổng lồ Pacific Princess (Mỹ) mang theo gần 1.000 du khách Mỹ đến VN. Liệu có một làn sóng du khách Mỹ chọn loại hình du lịch biển đến VN trong thời gian tới?
|
Tàu Pacific Princess (Mỹ) |
Trao đổi với bà Trixie Ann Geller – giám đốc điều hành tour tàu Pacific Princess:
- Đây là lần thứ hai tàu Pacific Princess đến VN vào mùa hè và kết quả là chúng tôi đã rất thành công, điều này đã được thể hiện qua việc rất nhiều du khách Mỹ mua tour đến VN. Chúng tôi dự kiến năm nay sẽ tiếp tục đưa thêm ba chuyến nữa đến VN và sang năm sẽ tăng lên thành 7- 8 chuyến và trung bình mỗi chuyến sẽ thu hút 800-1.000 khách.
Khách du lịch tàu biển thường là những người có thu nhập cao, khả năng chi tiêu lớn, song tàu chỉ dừng lại một thời gian rất ngắn. Theo bà, VN cần phải làm gì để níu chân khách lâu hơn?
“Khi đọc các quảng cáo về chương trình tour đi Singapore, Hong Kong, Thượng Hải... thì du khách dễ dàng hình dung điểm đến đó như thế nào. VN là điểm đến quá mới nên chỉ khi du khách đã đến rồi mới đánh giá rất cao. Họ ngạc nhiên vì sự thân thiện, nụ cười của người dân VN ở khắp mọi nơi. VN vượt qua cả sự mong đợi của họ, nhiều du khách nghĩ rằng VN không phải như thực tế hiện nay mà vẫn còn nghèo, lạc hậu. Điều đó cho thấy các bạn phải tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh của mình”. |
- Các tàu chỉ dừng lại VN trong thời gian ngắn, thậm chí có nơi chúng tôi chỉ dừng vài tiếng cho khách tham quan sau đó lên tàu trở về nước. Có rất nhiều lý do, song cơ bản vẫn do VN chưa thật sự thuận tiện về đường hàng không để phục vụ việc chuyển đổi tour của khách.
Chẳng hạn nếu có nhiều đường bay thẳng tới TP.HCM, Hà Nội hay Nha Trang, tàu của chúng tôi có thể dừng lại hai ba ngày để đón khách từ các nước khác như Mỹ, Úc hoặc từ Hong Kong bay đến đây tham gia tour và ngược lại khách của chúng tôi cũng có thể kết thúc hành trình tour tại VN để đi đường hàng không về nước.
Hiện tại, trước khi tàu cập cảng ở Thái Lan, Singapore, Hong Kong…, du khách của chúng tôi đã bay trước đến đây nghỉ ngơi từ vài ngày. Còn ở VN, do đường bay đến và đi chưa thuận tiện nên các hãng tàu chọn VN đơn thuần là điểm dừng tham quan chứ không phải là địa điểm đón và đưa du khách như các nước.
Theo bà, còn điều gì làm cho du khách chưa thật sự hài lòng khi đi du lịch VN?
- Với du lịch đường biển, đa số là các tàu lớn, chẳng hạn như tàu Pacific Princess có trọng tải gần 31.000 tấn nên không thể vào gần TP.HCM mà buộc tàu phải dừng tại cảng Vũng Tàu và hành khách phải mất thời gian trải qua một đoạn đường lên TP.HCM nên một số khách cũng không được vui. Du khách Mỹ luôn luôn nghĩ là bỏ ra một khoản tiền lớn thì giá trị mang lại phải là bao nhiêu.
Đa phần người Mỹ lớn tuổi rất muốn tìm hiểu về văn hóa của VN, do đó hướng dẫn viên rất quan trọng. Bởi những người hướng dẫn có nghề không chỉ giúp họ hiểu về văn hóa mà còn là người giúp họ trong suốt hành trình tham quan VN. Ngoài ra có những chi tiết tưởng như rất nhỏ nhưng lại dễ tạo cảm tình cho du khách như họ cần những bản đồ nhỏ chỉ dẫn điểm tham quan, mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi…
Dự báo năm 2005 sẽ có khoảng 300.000 lượt du khách Mỹ đến VN và trong thời gian không xa con số này sẽ tăng thành 500.000 lượt khách. Bà có cho rằng con số đó sẽ sớm là hiện thực?
- Các phương tiện thông tin đại chúng tại Mỹ thời gian gần đây có đề cập đến VN nên nhiều du khách Mỹ rất quan tâm và chọn tour đến đất nước các bạn. Visa vào VN nay cũng đã thuận tiện, dễ dàng hơn trước nên tạo yếu tố tâm lý thoải mái cho du khách.
Cũng cần nói thêm rằng tình hình du lịch Mỹ kể từ sau bước trầm của sự kiện 11-9 đã có những khởi sắc nhanh chóng, nhiều công ty du lịch sau thời gian đóng cửa đã quay trở lại hoạt động và lượng khách tăng lên hằng ngày. Chính vì vậy, theo tôi, VN thu hút được con số này không khó, vấn đề là ngay từ bây giờ các bạn phải đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến tại thị trường Mỹ, kết nối tiếp những thông tin mà các bạn đã từng quảng bá trong chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải cuối tháng sáu vừa qua.
Xin cảm ơn bà.
Chỉ tiếc các hướng dẫn viên
Trước đây, trong các tờ khai nhập cảnh vào VN cho người nước ngoài có câu hỏi: “Đây là lần thứ mấy bạn tới VN?”. Bây giờ không còn câu hỏi đó. Tôi cũng không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu tôi tới VN, 20 hay 30 gì đó. Lần này tôi đến VN theo lời mời của Công ty Saigontourist và đối tác Matxcơva của nó là Công ty Prof Real. Tôi (trong tư cách nhà báo) đã cùng một nhóm các giám đốc trong ngành du lịch Nga đã tới VN trong chuyến tham quan đánh giá tiềm năng du lịch để thu hút khách Nga tới đây.
Tất cả thành viên của đoàn - trong đó nhiều người chưa từng tới VN - đều hài lòng với chuyến đi. Thiên nhiên VN tạo cho họ ấn tượng mạnh mẽ nhất: vịnh Hạ Long thơ mộng, những bãi cát êm ả Phan Thiết, Nha Trang, Hội An… Họ khen cách tiếp đón vui vẻ, sự phục vụ ân cần của nhân viên những khách sạn nơi chúng tôi từng nghỉ qua. Có thể mạnh dạn nói rằng đa số khách sạn của VN đều tốt hơn những khách sạn tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Ai Cập là những điểm đến đang được ưa chuộng của người Nga.
Theo ý kiến của nhiều người trong đoàn, hiện giờ chỗ yếu nhất trong du lịch VN là các... hướng dẫn viên. Làm việc với nhóm chúng tôi là các hướng dẫn viên khác nhau, nói tiếng Nga người thì khá, người tàm tạm. Nhưng vấn đề ở chỗ không ai trong số họ có thể hướng dẫn tham quan một cách lôi cuốn cho du khách Nga. Kết quả là TP.HCM yêu thích của tôi tại VN ít được ưa thích hơn cả.
Mọi chuyện có lẽ đã khác nếu chuyến tham quan thành phố của chúng tôi được kèm theo các chi tiết lịch sử. Thí dụ kể về chiến công của anh Trỗi khi đi qua cầu Nguyễn Văn Trỗi (tên tuổi anh hùng Trỗi được nhiều người Nga biết tới), ở dinh Thống Nhất thì nhắc mọi người về tấm ảnh bộ đội VN lái xe tăng Liên Xô đâm vào cửa dinh tháng 4-1975, tại khách sạn Continental trên đường Đồng Khởi thì kể nhà văn Mỹ nổi tiếng Graham Green từng sống ở đây...
PETR TSVETOV (Bình luận viên tạp chí Liên Bang Nga Ngày Nay) |
(Theo Tuổi Trẻ) |