Tháng bảy, chúng tôi đến chợ gò Tà Mâu giáp ranh xã Vĩnh Nguôn (thị xã Châu Đốc, An Giang) và chứng kiến dòng đường cát lậu đang tràn vào VN.
Trái cây Thái Lan đủ loại cũng đang được tuồn ồ ạt từ biên giới Campuchia vào Kiên Giang rồi đi nơi khác...
Nhộn nhịp… buôn lậu
|
Từng tốp người vác, chở đường lậu qua cánh đồng xã Vĩnh Nguôn (thị xã Châu Đốc, An Giang). |
Trên cánh đồng Vĩnh Nguôn, từng đoàn hàng trăm người nối nhau vác chở đường lậu ùn ùn vào ấp Vĩnh Chánh 1, 2. Có tiếng hô to “biên phòng”, một tay anh chị canh đường móc điện thoại di động ra cảnh giới rồi lại phất tay cho đoàn người tiến bước. Một thổ địa cùng đi cho chúng tôi biết: “Đường dây vận chuyển hàng lậu với trên 30 máy di động, đang được bố trí rải rác gần các chốt gác biên phòng, hải quan nên khó triệt phá”. L., cô học sinh lớp 8 đang cố đẩy chiếc xe đạp qua cánh đồng lún nước, hổn hển nói: “Mỗi ngày chở sáu bao, được 50.000 đồng!”. Rất nhiều cô cậu học sinh tham gia chở đường lậu như L..
Trên dòng kênh Ma Nhon, chúng tôi thấy hàng chục chiếc ghe chở đường lớn nhỏ đang bốc dỡ hàng. Trên bờ có khoảng 20 ụ đường cao ngất nằm san sát nối nhau ra tận khu vực giáp ranh biên giới. Ba chiếc xe công nông đang nhả khói chở đường ra bãi chứa đường.
Tại kho bãi của ông A. đã được đàn em của trùm buôn lậu T. dọn sạch từ sáng sớm. Ông nói: “Trong bãi có khoảng chục chủ đường đang mùa ăn nên làm ra, mỗi chủ có trong tay trên 300 bao (mỗi bao 50kg). Số đường trên đã vượt biên trong đêm qua”. Hàng ngàn tấn đường từ Tà Keo chở xuống đây đều được giải phóng trong ngày.
Điểm tập kết của những bao đường xuyên biên giới là một cái kho rộng lớn nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thị xã Châu Đốc. Chúng tôi tiến thẳng vào kho nhưng tức thì một bảo vệ tướng tá vạm vỡ nhảy ra ngăn lại. Liếc mắt nhìn vào trong, đường Thái Lan chất đầy gần tới nóc nhà, chạy dài hun hút vào trong, ước có đến hàng ngàn bao. Cửa kho tức thời được đóng kín lại. Lần dò hỏi han mới biết đây chính là kho của một đầu nậu có biệt danh Tỷ “đường”.
Ở cửa khẩu biên giới Xà Xía (Kiên Giang), trái cây ngoại cũng đang tràn vào. Đến Hà Tiên vào những ngày này chợ búa đầy ắp trái cây Thái Lan như xoài, me, măng cụt, sầu riêng, cam, quít, bòn bon.
Không tương quan lực lượng
Theo C., một cán bộ lực lượng chống buôn lậu, hiện nay có đến 90% số đường Thái Lan nhập lậu về từ biên giới Campuchia với khối lượng hàng trăm tấn/ngày. Đường lậu được tập kết tại kho của Tỷ “đường” trước khi vận chuyển một cách hợp pháp về TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trong khu vực.
|
Một ụ đường ở chợ Gò Tà Mâu (Campuchia) chuẩn bị chuyển qua biên giới. |
Ở Châu Đốc còn có kho núp bóng hàng nông sản của T. để buôn lậu đường. Hay như Mười T. có kho ở ấp Phước Quản (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) buôn lậu đường cát không thua gì Tỷ “đường”.
Theo C., tính hợp pháp của những lô đường ở đây là việc Tỷ “chạy” được những hóa đơn mua bán đường từ một số công ty đường “cung” ra. Đường Thái Lan sau khi qua biên giới được sang qua bao nhãn có chữ tiếng Việt. Thế là đường cát bao Việt ruột Thái được vận chuyển khắp các nẻo đường.
Ông Nguyễn Văn Nhơn - đội trưởng đội cơ động quản lý thị trường Kiên Giang - cho biết thông thường hàng trái cây Thái Lan được người Campuchia vận chuyển bằng xuồng hoặc bằng xe tập kết sẵn tại một nhà dân Campuchia giáp biên giới Hà Tiên, sau đó họ dùng điện thoại liên lạc với các cửu vạn và các chủ hàng.
Khi không có lực lượng chống buôn lậu tuần tra, họ dùng xe gắn máy thồ chuyển hàng vào thị xã Hà Tiên rồi xé lẻ đưa đi phân phối cho các chủ vựa bán trái cây tại đây, mỗi chuyến các cửu vạn được bồi dưỡng 100.000-120.000 đồng. Sau khi gom được nhiều hàng, lập tức các chủ vựa trái cây tại đây tiếp tục hợp tác, làm ăn với “đại gia” ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP.HCM cho ghe, xe tải xuống “ăn hàng”.
Theo ông Phạm Ngọc Toàn - trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp QLTT Kiên Giang, những vụ mà QLTT Kiên Giang phát hiện bắt giữ vừa qua chỉ là phần nhỏ trong hàng loạt vụ nhập lậu trái cây ồ ạt trong thời gian gần đây.
Theo quan sát của chúng tôi, tại một số nơi dọc biên giới An Giang, dù những người tải hàng lậu cách chốt biên phòng chừng vài trăm mét nhưng lực lượng chống buôn lậu cũng đành bó tay vì “không tương quan lực lượng”. Một sĩ quan tên M.N.H. cho biết: “Để chống buôn lậu đường qua biên giới thì các lực lượng phải phối hợp thống nhất, đồng bộ và triệt tận gốc những đầu nậu lớn. Đằng này…”. Bỏ lửng câu nói, H. nhìn theo dòng người dài thườn thượt.
(Theo Tuổi Trẻ) |