(VietNamNet) - Con số bị kiện lên đến 121,7 triệu đôi, xấp xỉ 40% tổng số giày xuất khẩu của Việt Nam, và chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Chỉ khoảng mươi ngày nữa!
|
Giày dép Việt Nam liệu có thắng cuộc, hay kết cục như vẫn con tôm, cá ba sa? Ảnh: Đ.V |
Ông James Harlan Searles, Luật sư của Công ty Luật Steptoe & Johnson, cho biết: Có khả năng, sau 1 đến 2 tuần tới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép của EU sẽ công bố vụ kiện. Như vậy, Việt Nam chỉ có thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho vụ kiện.
Ở các nước nhập khẩu, các tiêu chí hoặc phương pháp xác định về nền kinh tế thị trường cũng có những điểm khác nhau. Nếu Canada đánh giá cơ chế thị trường trên tổng thể của một quốc gia, Hoa Kỳ đánh giá ở một ngành, thì EU có điểm khác là đánh giá vấn đề này trên từng doanh nghiệp.
Các điều tra viên của EU sẽ kiểm tra và kết luận trên từng doanh nghiệp. Vì vậy, theo cách làm việc của EU, trong thời hạn 15 ngày kể từ khi bắt đầu vụ kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đưa danh sách các công ty vào nhóm mẫu điều tra. Tuy nhiên, bày tỏ thái độ tôn trọng nước xuất khẩu, EU đã để cho phía Việt Nam giới thiệu danh sách những doanh nghiệp trong nhóm mẫu để kiểm tra. Nếu doanh nghiệp nào có yêu cầu được đối xử riêng, cũng phải có phản ứng trong thời hạn này. Trong thời gian này, các doanh nghiệp phải có số liệu chứng minh rằng đã đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường, để chứng minh không bán phá giá.
Ông James cho biết, hai khó khăn lớn của Việt Nam hiện nay là Mỹ và EU chưa công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong 5 tiêu chí đánh giá để công nhận đạt nền kinh tế thị trường thì tiêu chuẩn về chuẩn mực kế toán quốc tế của Việt Nam cũng không đạt. Trong khi đó, liên minh EU hành xử cũng khác biệt trong mỗi trường hợp, chứ không nhất quán trong mọi trường hợp. Theo dự báo, trường hợp của Việt Nam, EU sẽ đưa yếu tố nền kinh tế thị trường vào.
"Phản ứng" của da giày Việt Nam
Ngay trong chiều qua (5/7), Hiệp hội da giày Việt Nam (LEFASO), Hội Da giày TP.HCM (S.L.S) đã có buổi làm việc với khoảng 50 nhà sản xuất giày dép, trong đó có đến 3/4 là các tên tuổi nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thuấn, TGĐ Công ty TNHH Thái Bình (Thaibinhshoes), cũng là Phó Chủ tịch thường trực LEFASO, đã đề nghị các doanh nghiệp trước mắt có thể đăng ký vào nhóm mẫu để điều tra viên kiểm tra. LEFASO đã chuẩn bị sẵn biểu mẫu khiếu nại theo hướng dẫn của luật sư James để doanh nghiệp báo cáo thống kê số liệu.
Trong số 121,7 triệu đôi giày bị kiện, nhóm hàng tập trung nhiều nhất là hàng giày dép cao cấp, gồm đầy đủ các chủng loại. Trong đó, kể cả giày dép cho thể thao, điền kinh là sản phẩm công nghệ cao lẽ ra phải được miễn, nhưng EU cũng đã đưa vào danh mục kiện.
Luật sư James đã từng tham vấn cho nhiều nước về khiếu nại các vụ kiện bán phá giá và vừa tham vấn cho Trung Quốc mới đây. Ông khuyến cáo, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp khi báo cáo số liệu phải trung thực. Nếu điều tra viên phát hiện có yếu tố không trung thực, họ sẽ tự áp đặt một thông tin nào đó lên doanh nghiệp và tình thế sẽ càng khó khăn hơn.
Một kinh nghiệm nữa của ông James, doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với đối tác nước nhập khẩu. Đó là các nhà nhập khẩu, bán lẻ, người tiêu dùng. “Các bạn sẽ không đơn phương nếu biết hợp tác với họ. Họ là thế lực hậu thuẫn rất mạnh tại nước sở tại. Theo ông James, được biết hiện nay các nhà nhập khẩu đang lobby để EU đưa danh mục giày dép thể thao ra ngoài danh mục bị kiện, nhưng chưa rõ kết quả đến đâu.
Vụ kiện giày dép của EU, theo các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam, là một “tiếng sấm mùa hè”. Vì vậy, công việc sắp tới của ngành da giày là sẽ tích cực truyền đạt thông tin trong ngành, chuẩn bị những việc cần thiết cho vụ kiện, trong đó có cả liên hệ với đối tác nhập khẩu, làm việc với Chính phủ.
|