Theo Hiệp hội Phân bón VN, mỗi năm VN có nhu cầu khoảng 2 triệu tấn urê. Sản xuất trong nước khoảng 750.000 tấn/ năm (chiếm 30%). Để cung ứng đủ cho thị trường, VN phải nhập khẩu khoảng 1.250.000 tấn.
|
Để cung ứng đủ cho thị trường VN cần nhập khẩu khoảng 1.250.000 tấn phân urê. |
Theo dự báo, giá phân bón tại VN trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá có xu hướng giảm nhẹ do giá trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm từ 10-15 USD/tấn. Được biết, nhu cầu cho vụ mùa 2005 cả nước cần khoảng 560.000 tấn, trong đó miền Bắc là 220.000 tấn, miền Trung là 90.000 tấn và Nam Bộ là 250.000 tấn. Nguồn phân urê sản xuất trong nước tháng 6,7 và 8 dự đoán khoảng 200.000 tấn.
Giá nhập khẩu bấp bênh, DN e ngại
Trước kia, khi nhà máy Phú Mỹ chưa ra đời, các nhà nhập khẩu luôn căn cứ vào nhu cầu hàng năm để nhập một lượng hàng nhất định. Nhưng từ khi Phú Mỹ đi vào hoạt động với công suất tương đối lớn, lại được trừ 50% chi phí năng lượng đầu vào, nhà máy này đã ấn định mức giá dựa trên việc lấy giá nhập khẩu làm mốc và trừ đi 5%. Theo một số nhà nhập khẩu, mức giá này gây nên cách biệt rất lớn giữa giá bán trong nước và giá nhập khẩu. Khoảng cách này càng lớn hơn khi mà các nhà nhập khẩu nhập hàng với giá cao cộng với thời gian vận chuyển thường 30-40 ngày. Thực tế, có khi, giá phân bón thế giới đột ngột hạ xuống đúng thời điểm hàng về cảng khiến các nhà nhập khẩu lâm vào tình trạng "trở đi mắc núi, trở về mắc sông".
Văn phòng Chính phủ vừa giao Bộ TM phối hợp với Bộ NN-PTNT và các cơ quan hữu quan báo cáo Thủ tướng về tình hình sản xuất, cung ứng phân bón trong nước và nhập khẩu phân bón. Từ đó kiến nghị Thủ tướng các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo đủ phân bón với giá ổn định cho sản xuất nông nghiệp. Vấn đề đặt ra hiện nay, dù vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhưng vẫn chưa có cơ chế thích hợp cho việc nhập khẩu. |
Để giải quyết tình trạng này, có nhiều cuộc họp giữa các bộ ngành liên quan và hiệp hội. Các chuyên gia đều thống nhất cần tìm ra biện pháp hữu hiệu với mục đích dịch chuyển giá bán trong nước sát với giá nhập khẩu nhưng vẫn chưa đề ra được cụ thể như thế nào. Ngay cả biện pháp khuyến khích nhập khẩu tuy có nhiều sáng kiến như trích thưởng 1% trên doanh số nhập khẩu, bán đối ứng, hạ thuế GTGT... nhưng cũng chưa có hồi kết.
Chia thành nhiều gói thầu nhỏ
Theo quan điểm của Cty Vật tư Nông sản (Bộ NN-PTNT), để giá bán và cân đối cung cầu urê nên đấu giá một khối lượng nhất định từ kênh sản xuất trong nước bằng những gói thầu nhỏ. Chẳng hạn, công suất của Nhà máy Phú Mỹ khoảng 50.000 tấn/tháng, chia thành 3-4 gói thầu.
Đạm Hà Bắc khoảng 10.000 tấn/tháng chia thành 3 gói. Những DN nào hội tụ đủ điều kiện (chuyên ngành nghề cung ứng phân bón, điều kiện giao hàng theo thời gian và số lượng, điều kiện đặt cọc...) sẽ được mời thầu. Trên cơ sở đấu thầu, các DN tự cân đối cung-cầu trong nước cũng như giá thế giới để quyết định đấu thầu ở mức nào cho hợp lý và lượng phân bón cần nhập khẩu. Phương án này được đánh giá ưu điểm lớn như giải quyết được sự chênh lệch giá trong nước và giá nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau khi trúng thầu các DN có thể găm hàng lại, nhiều DN nhập khẩu cho rằng khó xảy ra bởi đây là mặt hàng không mấy ai mạo hiểm găm lại trong khi cần quay đồng vốn và giá có thể diễn biến bất lợi. Ngay cả có thể găm hàng đi nữa thì việc chia nhỏ mỗi gói thầu khiến cho không có DN nào đủ sức chi phối thị trường.
(Theo Diễn đàn DN) |