Sức ép lên giá xăng dầu và từ giá xăng dầu
14:44' 24/06/2005 (GMT+7)

Giá dầu thô tăng trên thị trường thế giới đã gây sức ép lớn lên giá xăng dầu nội địa, nhưng nếu tăng giá xăng dầu thì sẽ tạo ra sức ép lớn với nền kinh tế.

Soạn: AM -109176 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của TCty Dầu khí VN, đến hết tháng 6/2005, sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước ta ước tính đạt 8,32 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những số liệu đáng mừng cho ngành dầu khí nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. Tuy nhiên VN cũng chịu thiệt từ nhập khẩu xăng dầu đã qua chế biến vì phải nhập khẩu 100% mặt hàng này cho nhu cầu trong nước.

Sức ép lên giá xăng dầu

Thời điểm tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước gần đây nhất là 12 giờ trưa ngày 29/3/2005. Với giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, được xác định nếu giá dầu thô ở mức 50 USD/thùng thì mặt hàng xăng nhà nước không phải bù lỗ, nhưng mặt hàng dầu ngân sách vẫn phải bù lỗ. Từ ngày 29/3/2005 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động thất thường, có nhiều thời điểm giảm xuống dưới 50 USD/thùng, thậm chí dao động ở mức 42-45 USD/thùng, nhưng nhiều thời điểm lại tăng lên trên 50 USD/thùng, nhiều khoảng thời gian dao động từ 52 - 55 USD/thùng. Từ cuối tháng 5-2005 đến nay, giá dầu thô liên tục ở mức cao, nên giá xăng dầu nhập khẩu cũng cao, đang gây sức ép làm tăng giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước.

Song có tăng giá bán lẻ hay không đang là bài toán khó. Bởi vì nếu tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì một loạt lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng, như: chi phí phương tiện vận tải, chi phí khai thác than, chi phí xây dựng công trình giao thông, cước phí vận tải biển và hàng không, chi phí nhiều ngành sản xuất sử dụng nhiều xăng dầu,.. từ đó gây sức ép tăng giá thành các mặt hàng và dịch vụ có liên quan, đẩy mặt bằng giá chung tăng lên. Tuy nhiên nếu không tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì tiếp tục xảy ra tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới diễn ra trên diện rộng mà không thể kiểm soát hết được, tình trạng phương tiện các nước quá cảnh mua xăng dầu ở VN, tình trạng ngân sách phải bù lỗ quá lớn cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Trong 3 tháng đầu năm 2005 NSNN ước tính phải bù lỗ 4.870 tỷ đồng cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đó là chưa kể ngân sách bị giảm nguồn thu thuế nhập khẩu mặt hàng này. Mặc dầu tăng giá bán lẻ xăng dầu từ ngày 29/3/2005, nhưng ước tính NSNN vẫn phải bù lỗ 12.300 tỷ đồng cho giá dầu năm 2005, lớn hơn tổng thu ngân sách của 21 tỉnh Bắc và Bắc Trung bộ. Nhưng nay giá dầu thô thị trường thế giới liên tục tăng cao và kéo dài nói trên thì mức bù lỗ và giảm thu thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ lớn hơn nhiều, tiếp tục là gánh nặng cho NSNN trong điều kiện cân đối ngân sách luôn luôn rất khẩn trương. Vậy thì phải chọn giải pháp nào!

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao và kéo dài, thông thường giá khí đốt, gas cũng sẽ tăng. Các mặt hàng khác có liên quan, như: phân đạm Urê, hạt nhựa,... cũng sẽ biến động. Do đó các mặt hàng này trong nước cũng phải tăng theo, từ đó tác động đến mặt bằng giá chung trong nước.

Sự tác động của mặt bằng giá còn bởi tỷ giá VNĐ/USD và lãi suất vay vốn cũng tăng nhẹ, làm tăng giá chi phí đầu vào của dự án, tăng giá thành của sản phẩm và dịch vụ.

Sức ép từ giá xăng dầu

Sức ép tăng mặt bằng giá chung là rất lớn, trong khi đó, mới chỉ có 5 tháng đầu năm mà chỉ số tăng giá trên thị trường xã hội của cả nước đã là 4,8% so với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2005 là 6,5%. Đây lại là vấn đề khó khăn nữa trong bài toán điều hành kinh tế vĩ mô.

Có lẽ giải pháp tối ưu là Nhà nước không thể duy trì mãi cơ chế bao cấp về giá bán lẻ xăng dầu, cũng như cơ chế xin cho về bù lỗ giá nhập khẩu xăng dầu.

Ý kiến doanh nghiệp

TCty sành sứ và thuỷ tinh VN (Vinaceglass): Nếu giá xăng dầu trong nước tăng thì ngành gốm sứ sẽ gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Giá vận chuyển sản phẩm từ các nhà máy ở Hà Nội, Hưng Yên ra Hải Phòng sẽ bị đội lên. Chi phí vận chuyển sẽ cao hơn trong khi hàng chủ yếu là XK vẫn không được tăng giá, do đối tác nước ngoài không chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng kinh doanh và đối ngoại Cty TNHH Newsland: Trên danh nghĩa là Cty không sử dụng nhiện liệu vào sản xuất vì sản phẩm của Cty là các bảng điện tử, nhưng khi giá nhiên liệu tăng sẽ làm cho chi phí vận chuyển tăng lên buộc sản phẩm cũng phải tăng giá theo vì cho tới thời điểm này chúng tôi không thể cắt giảm lương nhân công được nữa.

Ông Lê Đức Cảnh - Giám đốc khu vực phía Bắc CTy vận tải quốc tế Birkart: Cty chúng tôi là Cty vận tải quốc tế đã áp dụng chế độ phụ phí xăng dầu từ lâu theo các hãng vận tải quốc tế. Hiện nay các hãng vận tải vẫn chưa có động thái tăng phụ phí xăng dầu nên cước vận tải của chúng tôi vẫn đang giữ nguyên. Phụ phí xăng dầu lại chiếm 15 đến 30 % cước vận tải. Do vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng việc tăng phụ phí xăng dầu là khó tránh khỏi và đương nhiên khách hàng sẽ phải chịu một mức cước cao hơn.

Lãnh đạo Công ty Thép Hà Nội (VINAFCO): Nếu giá xăng dầu trong nước tăng cao chi phí cho nhiên liệu luyện thép sẽ lớn.Hiện nay, việc luyện thép ở VN chủ yếu bằng dầu FO, khi giá dầu tăng tuy không ngại bằng giá phôi tăng, song cũng trở ngại không nhỏ cho DN.

(Theo Diễn đàn DN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
TP.HCM: Khách nước ngoài tăng mạnh (24/06/2005)
Hà Nội: 95% trung tâm thương mại vi phạm quy chế! (24/06/2005)
Giá thép xây dựng sẽ tiếp tục giảm (24/06/2005)
Máy lạnh trước áp lực tăng giá (24/06/2005)
Giá vàng diễn biến thất thường (24/06/2005)
Giá gạo lại tiếp tục giảm mạnh (24/06/2005)
Quản lý gas đang bị... "hóa lỏng"! (23/06/2005)
Các hãng hàng không sẽ tự quyết định giá vé nội địa (23/06/2005)
TP.HCM: Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 26% (23/06/2005)
Năm nay nước ta sẽ thiếu 15 vạn tấn đường (22/06/2005)
Cà phê giảm giá (22/06/2005)
Dép lộ ngón, khoe gót lên ngôi! (22/06/2005)
Hàng không, hàng hải năm 2006 không được đắt hơn khu vực (22/06/2005)
TP.HCM: Thịt gà lại tăng giá (21/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang