Đã đến lúc bỏ bao cấp giá bán lẻ xăng dầu?
11:36' 20/06/2005 (GMT+7)

Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong mấy ngày gần đây liên tục tăng cao lên tới đỉnh điểm, gây lo lắng cho các nhà lập chính sách và đông đảo người tiêu dùng ở nước ta.

Soạn: AM 56899 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đã đến lúc bỏ bao cấp giá bán lẻ xăng dầu?

Từ cuối tháng 6/2005 đến nay, giá dầu thô nhẹ giao ngay tại New York tiếp tục tăng lên 54 - 55 USD/thùng, ngày 15/6/2005 có thời điểm lên tới đỉnh điểm 57 USD/thùng, cao nhất trong hơn 7 tháng qua, đến ngày 16/6/ 2005 giảm nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức trên 56 USD/thùng.

Theo tính toán, nếu giá dầu thô giao dịch trên thị trường New York vượt ngưỡng 50 USD/thùng thì các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu của nước ta sẽ bị thua lỗ.

Hơn nửa tháng qua giá dầu thô nhẹ tại New York liên tục tăng cao ở mức giá nói trên. Trước đó giá dầu thô tại New York cũng thường xuyên ở mức trên 50 USD/thùng, có một số thời điểm xuống 47- 48 USD/thùng, nhưng hầu như các doanh nghiệp đầu mối chưa kịp nhập khẩu, mà hầu hết phải nhập khẩu khi giá trên 50 USD/thùng tức là bị lỗ.

Thực tế này đang gây đau đầu cho các nhà lập chính sách. Bởi vì, nếu không cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước thì ngân sách Nhà nước tiếp tục phải bù lỗ lớn cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Còn nếu cho thả nổi giá xăng dầu như một số nước, hoặc cho điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, thì lại gây sức ép tăng giá một loạt mặt hàng và phí dịch vụ, gây sức ép lên dư luận.

Trong khi đó, mới có 5 tháng đầu năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,8%% so với chỉ tiêu cả năm là 6,5%.

Giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước hiện nay được điều chỉnh lên từ 12 giờ trưa ngày 29/3/2005, tăng thêm từ 100 đến 650 đồng/lít. Nay với mặt bằng giá xăng dầu quốc tế và giá xăng dầu nhập khẩu thì tiếp tục phải điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng thêm ít nhất từ 100 đồng đến 650 đồng/lít.

Còn nếu không tăng, mỗi tháng ngân sách Nhà nước sẽ phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2005 ngân sách Nhà nước ước tính phải bù lỗ 4.870 tỷ đồng, chưa kể giảm nguồn thu thuế. Mặc dầu tăng giá xăng dầu, nhưng ước tính Nhà nước vẫn phải bù lỗ 12.300 tỷ đồng cho giá dầu năm 2005, lớn hơn tổng thu ngân sách của 21 tỉnh ở Bắc và Bắc Trung Bộ.

Nhìn nhận lại chỉ riêng năm 2004, giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước đã 4 lần phải điều chỉnh tăng. Mặc dù vậy trong năm 2004 ngân sách Nhà nước vẫn giảm thu khoảng 4.500 tỷ đồng do giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, để kìm hãm tốc độ tăng giá phải bù lỗ 5.700 tỷ đồng, tổng cộng trên 10.000 tỷ đồng.

Không những vậy, do Nhà nước kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu dưới mức giá thị trường, trong khi giá bán lẻ xăng dầu của một số nước láng giềng thì lại theo giá thị trường, nên thường xuyên diễn ra tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới. Phương tiện vận tải các nước quá cảnh Việt Nam mua xăng dầu,... gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Đến đây một lần nữa câu hỏi được đặt ra là liệu Nhà nước có thả nổi giá bán lẻ xăng dầu hay không! Nhà nước có còn đủ lực theo đuổi cơ chế bao cấp giá xăng dầu mãi hay không! Điều này cần được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm các nước láng giềng và khu vực.

Nhưng xu thế tất yếu là không thể duy trì lâu dài cơ chế bao cấp về giá bán lẻ xăng dầu khi nó được sử dụng phổ biến trong nền kinh tế và trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Việt Nam được coi là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, bởi vì kim ngạch xuất khẩu dầu thô lớn hơn kim ngạch nhập khẩu dầu đã qua chế biến. Giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, phần nhập khẩu xăng dầu đã qua chế biến của Việt Nam được lợi, song lại thua thiệt trong giá xuất khẩu dầu thô.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu dầu thô lớn gấp khoảng gần 1,7 lần kim ngạch nhập khẩu xăng dầu. Trong năm 2004, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đạt trên 6,0 tỷ USD, tăng 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó kim ngạch nhập khẩu xăng dầu chỉ là hơn 3,5 tỷ USD, tăng 46,5% so với năm 2003.

Giá xuất khẩu dầu thô tăng liên tục trong năm 2004 được đánh giá là nhân tố tích cực góp phần vào tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2004. Không những thế, giá xuất khẩu dầu thô tăng cao, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu thô tăng mạnh, cung cầu ngoại tệ diễn biến tích cực, tác động đến tỷ giá, làm cho tỷ giá VND/USD tương đối ổn định.

Thiết nghĩ, Chính phủ nên dành hàng nghìn tỷ đồng từ việc bù lỗ và thất thu thuế trong nhập khẩu xăng dầu hàng năm để đầu tư cho các hoạt động xã hội, trợ cấp thêm cho người về hưu hay người có thu nhập thấp, cho phương tiện vận tải công cộng.

Các doanh nghiệp và đông đảo những người có thu nhập khá sử dụng ô tô, xe máy cần làm quen với biến động giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Các doanh nghiệp có vốn FDI và người nước ngoài ở Việt Nam tất nhiên phải chịu giá bán lẻ xăng dầu theo diễn biến của thị trường thế giới.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Giá dầu gần đạt mức 60 USD/thùng
CÁC TIN KHÁC:
Hàng xáo thời hiện đại (20/06/2005)
Cấp visa tự động cho hai cat hàng dệt may (20/06/2005)
Mở toang cánh cửa thị trường bán lẻ (18/06/2005)
Hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được giá (18/06/2005)
Khởi công Nhà máy Xi măng Cẩm Phả (18/06/2005)
Giá vàng tăng 13.000 đồng/chỉ (18/06/2005)
Xuất khẩu sang Mỹ: thuỷ sản xuống, đồ gỗ lên ngôi (18/06/2005)
Pakistan mua trên 5.000 tấn chè Thái Nguyên/năm (17/06/2005)
Thời của các thương hiệu thời trang nội (17/06/2005)
TP.HCM: nhà đất sẽ tiếp tục giảm giá (17/06/2005)
Quota: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra... (17/06/2005)
Giá vàng tăng 40.000-50.000 đồng/lượng (17/06/2005)
Trái cây nội tái chinh phục thị trường TP.HCM (16/06/2005)
Chiến tranh thương hiệu (16/06/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang