Nhìn những con cá cảnh đủ mọi màu sắc lượn lờ trong các bể kiếng, "người thường" chỉ thấy vui mắt chứ ít ai biết được những bí ẩn của nó.
Trong thiên ký sự về Người nuôi chó số 1 Sài Gòn Nguyễn Văn Lãng đăng trên Thanh Niên gần đây, tôi cũng đã có dịp chứng minh ông cũng là người chơi cá cảnh số 1. Bởi vậy khi nghe tin ông Lãng, hiện là Chủ tịch CLB Cá cảnh TP.HCM, cùng với HTX Hà Quang triển khai xây dựng làng cá cảnh đầu tiên ở Việt Nam tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, tôi lập tức bị cuốn hút.
“Mê”, “cuồng” và siêu lợi nhuận
Bạn đọc nào theo dõi câu chuyện của ông Lãng hẳn còn nhớ ông đã từng đem 500 lượng vàng để mua 40 con cá, rồi một người mê cá khác đã đem đúng 500 lượng vàng đưa cho ông để lấy 1/2 số cá kia, rồi một người "cuồng" cá hơn đã đem cả một cái nhà lầu để đổi lấy 3 con cá bé tí xíu... Đó là câu chuyện hơn 30 năm trước. Nhưng giờ đây, thế giới của những người mê cá vẫn không thiếu những điều kỳ lạ. Một con cá bán vài ba chục ngàn đô la Mỹ đã là chuyện "bình thường", một con cá bán vài ba trăm ngàn đô la cũng không còn là chuyện hiếm. Thậm chí có con cá được bán với cái giá không thể tưởng tượng nổi, con cá đó được dân chơi cá châu Á đặt cho cái tên rất "kiếm hiệp": Hạc Đỉnh Hồng, là một con cá chép màu trắng trên đầu có một vòng tròn màu đỏ tươi, chỉ thế thôi mà có người mua với cái giá... 1 triệu đô la Mỹ. Cá cảnh, đó không chỉ là những con cá. Đó là sản phẩm được tạo ra từ những điều kỳ diệu của thiên nhiên kết hợp với lòng say mê, óc sáng tạo, sự hiếu thắng và đôi khi là tính ngông cuồng kỳ dị của con người. Và bởi vậy, kinh doanh cá cảnh đã trở thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Doanh số bán lẻ cá cảnh trên thế giới hiện đã lên tới 7 tỉ đô la mỗi năm, khoảng 80% được tiêu thụ tại thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Ưu thế tuyệt đối
Trở lại cái làng cá cảnh đang hình thành. Dường như ông Lãng và những người khởi xướng đặt vào đây rất nhiều tham vọng. Tôi hỏi ông, rằng cái làng này có thể trở thành một nơi nuôi cá cảnh số 1 thế giới không, ông Lãng cười, nhưng giọng lại chắc như đinh đóng cột: "Hoàn toàn có thể được". Cái ông già này thật là kiêu ngạo. Chắc chắn tôi sẽ không hỏi cái câu ngớ ngẩn đó và cũng không tin vào những điều ông nói nếu như không biết rằng ông là người đầu tiên xuất khẩu cá cảnh, là người đầu tiên xuất khẩu thực phẩm đông lạnh bằng một phương pháp độc nhất vô nhị, là người khai sinh ra ngành công nghiệp chế biến hạt điều hiệu quả nhất thế giới trong khi ông chưa từng nhìn thấy người ta chế biến hạt điều. Tôi biết tham vọng "nhất thế giới" về cá cảnh của ông không chỉ là một niềm mơ ước. Ông có cơ sở thực tế.
Mỹ, châu Âu và Nhật là những nước chơi cá cảnh rất mạnh, nhưng vì là xứ lạnh nên họ không nuôi được một cách bình thường. Để cá có thể sinh sản và phát triển, họ phải can thiệp nhân tạo rất tốn kém, giá thành quá cao, bởi vậy nên họ phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Đài Loan... Mỗi năm Singapore xuất hơn 300 triệu USD cá cảnh, các nước và vùng lãnh thổ khác mỗi năm xuất trên dưới 200 triệu USD. Còn Việt Nam ? Hiện nay mỗi năm chúng ta chỉ xuất được 4-5 triệu USD, trong khi chúng ta lại có "ưu thế tuyệt đối" so với thế giới về nuôi cá cảnh.
"Ưu thế tuyệt đối" đó là gì? Theo ông Lãng trước hết là khí hậu. Nhiệt độ ngoài trời tối ưu cho cá cảnh là từ 27-300C. Ở TP.HCM, trong 1 năm, chúng ta có 10 tháng nhiệt độ thuận lợi như vậy để nuôi cá, 2 tháng còn lại tuy có lạnh nhưng không đáng kể. Còn các nước khác thuận lợi tối đa là 6 tháng, thời gian còn lại là 6 tháng lạnh. Ưu thế thứ hai là nguồn nước. Thái Lan sử dụng nước sông Chao Phraya để nuôi cá, được coi là sạch, nhưng vẫn bị ô nhiễm ở một mức độ nhất định, việc xử lý tuy không khó nhưng tốn kém. Còn chúng ta thì sử dụng nước đầu nguồn sông Sài Gòn, không bị ô nhiễm, là nguồn nước cho cá cảnh "không chê vào đâu được". Để chứng minh hiệu quả tạo ra từ hai lợi thế tự nhiên đó, ông Lãng nói: "Cá dĩa trên thế giới bình thường chỉ đẻ được từ 20-100 con, mức kỷ lục cũng chỉ đến 150 con, còn cá dĩa Việt Nam đẻ 300-400 con là phổ biến, kỷ lục lên tới 500 con".
Bài học thất bại
Đề cập đến ưu thế của Việt Nam, không thể không kể đến một sự kiện gây chấn động giới cá cảnh thế giới, khi Việt Nam giật một lúc 7 giải trong tổng số 13 giải thưởng tại Cuộc thi cá cảnh quốc tế Aquarama '95 tại Singapore. 4 con cá dĩa của một cơ sở tại TP.HCM đoạt một lúc 5 giải, trong đó 1 con đoạt giải đặc biệt (là giải thưởng lớn nhất của cuộc thi) kiêm giải nhất, 3 con kia đoạt giải nhất, nhì, ba. Cũng tại cuộc thi này, 2 con cá của một người Singapore cũng đoạt 2 giải thưởng, người này đã công khai loan báo 2 con cá này cũng được mua của Việt Nam. Hồi đó, ông Lãng đã đến cái trại cá có những con cá đoạt giải để mua hết những con còn lại với giá 1.500 USD một cặp. Ông biết những con cá được giải quốc tế "giá chót" cũng lên tới hàng chục ngàn USD, nên ông tính mua về để nhân giống, hy vọng sẽ bán 15 USD 1 con cá con. Nhưng lần này ông chỉ thu được một bài học... thất bại. Ông bế tắc, không thể gây ra hàng loạt giống cá đó được. "Cá của mình tuy đoạt giải cao nhưng không phát triển được. Cha mẹ thì đẹp nhưng đẻ con ra lại rất xấu", ông nhớ lại. Là bởi cá cảnh của Việt Nam được nuôi "hỗn giao", không được theo dõi "lý lịch", không tạo ra được một dòng cá. Trong khi một con cá quý bán ra từ các trại cá nổi tiếng trên thế giới đều có "lý lịch", thậm chí được gắn một con "chip" để theo dõi, do đó cá của họ đẻ ra hơn 90% giống bố mẹ, còn cá của ta thì giống bố mẹ chỉ có 3-5%.
Thương hiệu
"Chúng ta dứt khoát phải gầy cho được những dòng cá. Trên thế giới có con gì chúng ta cũng sẽ có con đó", ông Lãng quả quyết. Ông cùng các thành viên CLB của mình đang khắc phục những nhược điểm của cá cảnh Việt Nam. Mấy năm nay ông Lãng đã lặn lội nhiều nơi trên thế giới để tìm cá quý và đã tạo được một "ngân hàng cá" cho tương lại. Sắp tới, ông sẽ sang Brazil, đến tận rừng Amazone, nơi xuất thân của nhiều loại cá quý, để tìm những con cá quý nhất. "Làm sao mà tạo được những con cá nổi tiếng, chẳng hạn như con cá 1 triệu USD?", tôi hỏi. Ông Lãng cười: "Con cá 1 triệu USD có hình lá cờ của nước Nhật nên mới mắc tiền như vậy. Có được một con cá có màu sắc hoặc hình dáng đặc biệt là một cơ may, cơ may đó phụ thuộc vào nỗ lực và niềm say mê của người nuôi cá. Những người nuôi cá bao giờ cũng hướng tới, cũng tìm mọi cách để tạo cho được những con cá nổi tiếng. Những con cá đó thường có giá hàng chục, hàng trăm ngàn đô la. Tạo được chúng là tạo được một thương hiệu". Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện ngóc ngách của nghề chơi cá cảnh và những bí quyết của nghề này, ông bảo những bí quyết đó sẽ được truyền lại và phát triển trong làng cá cảnh. Những người trong làng nghề sẽ là các “truyền nhân” của ông Lãng. Ông tin chắc cái làng này sẽ là một thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Ông Lãng còn cho biết, Câu lạc bộ Cá cảnh của ông đang được nâng lên thành một hiệp hội. Sắp tới, cùng với việc hình thành cái làng này, hiệp hội sẽ ra một tờ tạp chí chuyên về cá cảnh để hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến các "bí quyết", cung cấp thông tin về thị trường cho những người nuôi cá cảnh trong cả nước. Ước tính trong cả nước có khoảng 1 triệu người chơi cá cảnh và có khoảng 10% trong số đó là dân chơi cá chuyên nghiệp.
Vừa phác thảo vừa định hình
Cuối tuần qua tôi đã đến khu vực sẽ xây cái làng đó, đã xem phác thảo mô hình của nó. Có thể nói đây là nơi sạch nhất của Sài Gòn. Xung quanh là dòng sông trong xanh. Vẫn nghe được tiếng cu gù trong không khí tươi mát. Chủ nhiệm HTX Hà Quang - đơn vị liên kết với Câu lạc bộ Cá cảnh xây dựng cái làng này - là một người đàn ông còn trẻ. Anh khiêm tốn, biết chắc những gì mình đang làm và có khuôn mặt hồn hậu đáng tin cậy. Anh kể cho tôi nghe quá khứ, hiện tại và tương lai của vùng đất này. Anh đã về Củ Chi lập nghiệp, đầu tiên là lập một trang trại 20 ha nuôi cá, anh đã nuôi thành công cá rô phi Giồng Gift và cá diêu hồng, cung cấp giống cho những người nuôi cá ven sông Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Nhưng nuôi "cá thường" thì hiệu quả không cao. Anh đã lập một công ty, nhận 20 ha đất xây dựng khu du lịch sinh thái. Tháng 8.2004 vừa rồi, huyện lập HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, anh được cử làm chủ nhiệm. HTX đang khai thác các thế mạnh của vùng đất này để biến nó thành một trung tâm nghỉ ngơi - du lịch sinh thái. Để bảo vệ môi trường dài lâu ở đây, HTX dứt khoát không nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm. Làng cá cảnh sẽ nằm trong và gắn với khu du lịch sinh thái này. Cả cái làng và từng ngôi nhà trong đó sẽ được thiết kế đẹp một cách thanh thoát và giản dị, vừa mang tính dân tộc vừa hiện đại, không lạc hậu với thời gian. Từng căn nhà sẽ vừa nuôi cá cảnh, vừa trồng hoa, vừa có thể đón khách du lịch đến ở lại.
Đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng về cơ bản đã thực hiện xong cho 30 ha của dự án. Tuy nhiên, vì số người đăng ký tham gia quá đông nên HTX và CLB đang kiến nghị thành phố cho phép mở rộng làng ra 110 ha. Trong vòng 60 ngày nữa, những con đường chính sẽ được hình thành. Đường vào làng sẽ là một đường tráng nhựa rộng 20m, song song hai bên sẽ có lối đi dành cho xe ngựa phục vụ khách du lịch muốn tìm lại cảm giác cổ xưa. Trong làng sẽ có những đường nội bộ rộng 8m. Sẽ có các nhà máy nước riêng phục vụ các cư dân trong làng. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sẽ được tối ưu hóa. Công trình công cộng được xây dựng đầy đủ, gồm bưu điện, trường học, trạm xá và các điểm vui chơi giải trí. Làng sẽ có một công viên sinh thái rộng 18 ha để bảo tồn các loài thực vật quý hiếm. Trong tương lai gần, sẽ có một siêu thị cá cảnh độc đáo để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Đó không phải là một viễn cảnh xa vời mà là một sự thực đang hiện hình từng ngày một để chào mừng 30 năm ngày Sài Gòn được giải phóng. Và đây cũng là một trong những điểm nhấn để TP Hồ Chí Minh bước vào tương lai.
Tôi tin vào sự kỳ diệu của cái làng đó, bởi nó đang được xây dựng bằng lòng say mê của những con người vừa thạo việc vừa lãng mạn...
Hoàng Hải Vân (Thanh Niên) |