(VietNamNet) - Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xác định nguyên nhân vì sao các đơn vị trong ngành thép liên tục kiến nghị tăng giá bán thép; đồng thời, thực hiện kiên quyết các biện pháp chống đầu cơ để nâng giá bán thép.
|
Xác định nguyên nhân các đơn vị đòi tăng giá thép. |
Một trong những nội dung công văn số 1521/VPCP-KTTH ngày 28/3 của Văn phòng chính phủ về điều hành các mặt hàng than, xi măng, thép.
Sau khi xem xét đề nghị của tổng công ty Than VN, Tổng công ty Xi măng VN và Tổng công ty Thép VN, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiễn về những yêu cầu của các đơn vị trên.
Trong tình hình giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới đang biến động theo chiều hướng không có lợi đối với nền kinh tế nước ta, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã đề ra, yêu cầu các Bộ, ngành quản lý sản xuất chỉ đạo các doanh nghiệp tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để giữ ổn định giá bán than, xi măng, thép vì các sản phẩm này là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất trong nước. Nếu tăng giá bán sản phẩm sẽ tác động dây chuyền đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Tài chính cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét giá bán xi măng của các liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài để có biện pháp ứng xử thích hợp trong trường hợp các doanh ngiệp này bị lỗ do thực hiện chủ trương không tăng giá bán xi măng của Chính phủ.
Ngoài ta, Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp thành lập Tổ công tác thanh tra một số việc liên quan đến tổng công ty Than Việt Nam như việc tăng giá bán than; nguyên nhân tăng giá bán than cao cho xi măng lò đứng; kết quả sản xuất, kinh doanh của tổng công ty Than VN...
|