(VietNamNet) - Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan vài chục USD/tấn. Cà phê, hạt tiêu cũng tình trạng tương tự. Trong khi đó, các nước mua hàng Việt Nam về sàng lọc, phân loại có thể bán lại cao hơn đến 50 USD/tấn. Tình trạng chung của xuất khẩu hiện nay là chất lượng hàng xuất thấp dẫn đến giá trị không cao.
|
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn phải chịu thua kém so với hàng Thái Lan. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Bên cạnh áp lực từ các nhà phân phối nước ngoài lên hệ thống phân phối trong nước, Hội nghị Thương mại Toàn quốc 2005 ngày 28/2 cũng đặt ra vấn đề nâng cao giá trị gia tăng của hoạt động xuất khẩu.
''Nền xuất khẩu của Việt Nam rất dễ bị tổn thương''
''Giá cả các mặt hàng vẫn có khả năng tăng'' |
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet:
- Thưa Thứ trưởng, Trong khi mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng do Quốc hội đề ra cho năm 2005 là 6,5% thì ngay 2 tháng đầu năm đã tăng 3,6%, ông có cho rằng mục tiêu trên là thực tiễn?
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 là tháng cao điểm Tết, sức mua tăng đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 và 2 là 3,6%, nhưng so với con số 4,1% của 2004 thì đây đã là bước tiến bộ. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng giá của quý I/2005 sẽ không thể bằng quý I/2004. Thực tế, tình hình sau Tết, một số mặt hàng đã bắt đầu chững lại như: vật dụng gia đình, thực phẩm. Mặt hàng có thể tăng giá là thực phẩm. Đàn gia cầm phục hồi, tung ra bán thì giá cả sẽ giảm đi, nhưng chắc không thể giảm nhanh được.
Mặt hàng phục vụ cho sản xuất thì giá vật tư, nguyên phụ liệu thế giới đang có chiều hướng nhích lên như xăng dầu, phôi thép. Dầu thô vừa qua có ngày đã lên tới 51,8 USD/thùng, các sản phẩm dầu đã lên tới 57,58,59 USD/thùng. Nhiều trung tâm kinh tế mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ... đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Đầu vào của sản xuất có thể sẽ lên. Tuy nhiên, để điều chỉnh đầu vào không gây ra đột biến thị trường trong tình trạng giá cả thế giới tăng là phải hết sức tỉnh táo, làm bài bản.
- Tuy nhiên, thực tế năm 2004 đã chứng minh, giá tăng không chỉ do giá thế giới mà còn do hệ thống phân phối của chúng ta quá yếu kém?
Bài học phải trả cho giá tiêu dùng tăng bất hợp lý năm 2004 là hệ thống phân phối. Chúng ta phải thừa nhận là nếu giá thế giới tăng thì không thể giữ giá trong nước bình thường được. Tuy nhiên, do hệ thống phân phối đẩy chi phí đầu vào tăng nhiều quá, gây ra giá tiêu dùng tăng bất hợp lý. Năm nay, Chính phủ đã chỉ thị Bộ Thương mại và các Bộ, Ban, Ngành làm tốt công tác này, nhất là với các mặt hàng quan trọng như: lương thực, thực phẩm, vật tư thiết yếu, xăng dầu, phân bón, sắt thép...
PT(ghi) |
Nỗi lo lớn của ngành thương mại là chỉ riêng 6 mặt hàng dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ đã chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết, việc phụ thuộc vào một số ít nhóm hàng hoá như trên làm cho xuất khẩu của cả nước dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới có biến động, dễ dẫn đến nguy cơ bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Điều quan trọng là chưa khai thác hết các sản phẩm có thể xuất khẩu của các DN vừa và nhỏ, sản phẩm của các làng nghề ở nông thôn.
Mặt khác, tỷ lệ sản phẩm chế tạo và chế biến còn nhỏ bé, kim ngạch xuất khẩu các loại nông sản và khoáng sản thô của nước ta lại có tỷ trọng khá cao. Giá trị các loại nông sản và khoáng sản thô hiện chiếm tới 34% tổng kim ngạch xuất khẩu; còn trong số 19 mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì nông sản chiếm tới 8 mặt hàng. Trong khi đó, việc gia tăng xuất khẩu khoáng sản không thể tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới do giới hạn về trữ lượng và tác động xấu tới môi trường.
Trong khi chúng ta đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc... thì cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này lại có chủng loại quá đơn điệu, chủ yếu là dầu thô và gạo. Điều đáng nói là tình trạng trên đã diễn ra trong một thời gian dài mà ''hầu như không có chuyển biến'' như lời nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Xuất khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc lớn vào nguyên, vật liệu nhập khẩu. Riêng 2 nhóm hàng dệt may và da giày, tỷ lệ nguyên phụ liệu nhập khẩu là 67%. Với mặt hàng gỗ, tỷ lệ này là 50%. Sự lệ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu là nguyên nhân khiến xuất khẩu nước ta chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của giá vật tư, hàng hoá trên thị trường thế giới.
DN muốn đơn giản thủ tục xuất khẩu
Tại Hội nghị Thương mại toàn quốc 2005 ngày 28/2, hầu hết ý kiến cho rằng, vai trò của các cơ quan quản lý xuất khẩu là không thể phủ nhận, nhưng để cải thiện chất lượng hàng hoá, nâng cao giá xuất khẩu, đem lại giá trị gia tăng ngày càng lớn hơn thì vai trò then chốt lại là DN.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Dy Khiên khẳng định: ''Nếu cung trong nước không cạnh tranh thì có xúc tiến thương mại đến đâu cũng không thể cải thiện được tình hình. Tôi cũng muốn nói đến cung cách xúc tiến thương mại của nhiều DN trong nước tại nước ngoài. DN Việt Nam thường đăng ký tham gia hội chợ, triển lãm ở phút chót nên thường bị xếp vào góc, không kể không có cơ hội quảng cáo trên các trang giới thiệu hội chợ''.
Tuy nhiên, phản hồi tại hội nghị, không ít DN đã phản ánh những bất cập do cơ chế, chính sách, thủ tục xuất khẩu gây ra cho họ. Ông Nguyễn Đình Trường - Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến rất bức xúc nói: ''Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước phải đơn giản hoá thủ tục xuất khẩu. Riêng thủ tục xuất khẩu có tới 19 loại. Với dệt may, chúng tôi phải chạy hết từ Bộ Thương mại sang Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin giấy phép và xu hướng là ngày càng phức tạp hơn. Giấy phép xuất khẩu trước chỉ làm trong 8h, nhưng giờ đây đã lên tới 3 ngày. Các loại phí, lệ phí, hiện nay mỗi nơi, mỗi tỉnh thu một kiểu với 12 loại''.
Trả lời những phản ánh từ DN, Bộ Thương mại cho biết đang đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan các cửa khẩu tăng tỷ lệ miễn kiểm (lên khoảng 80% hàng hoá xuất khẩu), tăng cường đầu tư thiết bị máy móc chuyên dùng trong ngành hải quan và tăng số lượng máy soi để rút ngắn thời gian kiểm tra, giúp DN nhanh chóng lưu thông hàng xuất khẩu.
|