(VietNamNet) - Thiếu những chuyên gia tư vấn lớn, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu kinh phí... Đây chỉ là một vài trong số những khó khăn mà ngành xúc tiến thương mại đang phải đối mặt.
|
Ông Ngô Văn Thoan - Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Thương mại. |
Trong 26 tỷ USD xuất khẩu 2004, nếu tách kim ngạch dầu mỏ 5,67 tỷ USD ra, số còn lại chỉ là trên 20 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng dệt may là lớn nhất - 4,3 tỷ USD nhưng phần giá trị gia tăng thực tế thu được rất nhỏ, chỉ khoảng 20-25%. Các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như da giày, hàng điện tử và linh kiện điện tử... cũng trong tình trạng như vậy. Để phát triển xuất khẩu bền vững thì giá trị đích thực của xuất khẩu phải được tính tới và trong đó, không thể thiếu công việc của ngành xúc tiến thương mại.
VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Thương mại về những dự định cũng như khó khăn của XTTM 2005.
Thiếu những chuyên gia tư vấn lớn
- Thưa ông, đánh giá khách quan thì đâu là vấn đề tồn tại lớn nhất của XTTM Việt Nam hiện nay?
- Vấn đề lớn nhất của XTTM hiện nay là nguồn nhân lực. Phần lớn cán bộ làm công tác XTTM chưa qua đào tạo, chủ yếu tốt nghiệp từ các trường kinh tế, ngoại thương... có một chút trình độ ngoại ngữ tham gia vào công tác này. Đây là điều ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của công tác XTTM. Mặt khác, Việt Nam chưa có những chuyên gia tư vấn lớn để hỗ trợ cho DN. Do thiếu kinh nghiệm nên kể cả khâu khai thác thông tin thương mại (qua hệ thống lấy tin và qua Internet) hiện nay còn rất hạn chế.
Khó khăn thứ hai phải nói tới là hạ tầng phục vụ cho công tác XTTM. Hiện, hạ tầng vật chất để tổ chức những hội chợ, triển lãm tầm cỡ quốc tế và khu vực rất thiếu. Trung tâm Triển lãm Giảng Võ của Hà Nội tận dụng hết mọi ngóc ngách mà tổng số gian hàng tối đa huy động cho Hội chợ ASEAN vừa qua cũng chỉ là 700. Trong khi đó, Trung Quốc mỗi hội chợ của họ cũng có thể tổ chức 2.000-3.000 gian hàng. Thái Lan cũng ở mức trung bình như vậy. TP.HCM còn khó khăn hơn nhiều Hà Nội. Ở các tỉnh, thành phố khác thì chủ yếu tận dụng các địa điểm như đất trống, nhà văn hoá.
Khó khăn nữa là ở tổ chức XTTM địa phương, nguồn chi cho các hoạt động XTTM hiện nay vẫn do các địa phương tự điều chỉnh từ ngân sách của mình. Những địa phương có điều kiện như TP.HCM chi tới trên 10 tỷ cho XTTM hay Hà Nội cũng cỡ 5,6 tỷ. Còn lại, rất ít tỉnh kinh phí cho XTTM đạt được mức 1 tỷ/năm, phần lớn khoảng 300-400 triệu, có tỉnh chỉ 200 triệu. Những chi phí này không thấm tháp gì vì hoạt động XTTM là rất tốn kém. Nói là 1 tỷ đồng nhưng ra đến nước ngoài thì tổ chức một đoàn là không đủ.
- Thưa ông, trước nay vẫn có dư luận về việc đưa người ''giải quyết chế độ'' trong các đoàn đi XTTM trong nước và nước ngoài, thực trạng của vấn đề này như thế nào?
Về vấn đề ''giải quyết chế độ'' trong các đoàn đi XTTM nước ngoài thì hầu như là không có. Họ phải tính toán rất kỹ trước khi đưa người đi vì chi phí là rất lớn.
Tuy nhiên, ở các đoàn đi XTTM trong nước, đây lại là vấn đề. Các địa phương khi tổ chức các đoàn XTTM thì DN số lượng hạn chế, trong khi công chức nhà nước lại nhiều!
Nghịch lý ở các Trung tâm XTTM nước ngoài
|
Hạ tầng cho XTTM của Việt Nam còn yếu kém. |
- Thưa ông, được biết Cục XTTM đã thành lập 2 Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York và Dubai, hai Trung tâm này đã đưa lại hiệu quả cụ thể?
- Hai Trung tâm XTTM ở New York và Dubai mới hoạt động 6 tháng nhưng bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của DN nước bạn. Ví dụ như Trung tâm ở New York, hiện nay là một trong những địa chỉ các DN Mỹ thường tìm đến để lấy thông tin. Các công ty đang có mặt tại Trung tâm cũng hoạt động rất tốt. Có 7 văn phòng đại diện của các DN đóng tại Trung tâm này. Trung tâm tại Dubai cũng mang lại hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, cái khó hiện nay lại là các DN Việt Nam lại chưa biết và chưa tìm đến 2 Trung tâm này.
- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Đây là năm chuẩn bị cho các DN thực sự bước vào ngưỡng cửa WTO. Vấn đề lớn nhất đặt ra với các DN Việt Nam là phải ý thức được mức độ cạnh tranh rất gay gắt của những năm sắp tới. Tuy nhiên, số DN Việt Nam hiểu về định chế buôn bán quốc tế còn rất hạn chế. Kỹ năng XTTM của DN khi đi ra nước ngoài cũng rất hạn chế, nhiều DN còn chưa chủ động tìm bạn hàng.
- Tuy nhiên, chỉ với hai Trung tâm kể trên thì không thể đáp ứng nhu cầu xúc tiến xuất khẩu ngày càng lớn của DN?
- Hiện, Việt Nam có khoảng 15.000 nhà xuất khẩu mà chỉ có 2 Trung tâm này thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải xây dựng hơn nữa các cơ sở hạ tầng nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi trong năm 2005 sẽ chỉ là quảng bá hai Trung tâm này cho DN Việt Nam.
Xúc tiến thương mại 2005: Hướng tới thương hiệu quốc gia
Các DN có sản phẩm xuất khẩu dán nhãn “Vietnam Value Inside” sẽ được sử dụng trong thời hạn 2 năm, hết thời hạn phải làm thủ tục mới.
DN được tư vấn về xây dựng thương hiệu xuất khẩu; được trợ giúp xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu xuất khẩu; được tư vấn đối với công tác xuất khẩu; được tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm tại nước ngoài miễn phí. DN cũng được trợ giúp trong quảng bá tại thị trường quốc tế, được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo trên các ấn phẩm quảng cáo, báo chí, truyền hình, Internet... trong khuôn khổ chương trình “Vietnam Value Inside” .
Trên thực tế, nhiều nước đã áp dụng thành công mô hình này, điển hình là New Zealand với nhãn “Fern Brand”, Thái Lan với “Thailands Brand”, Úc với “Made in Australia”... |
- Được biết, năm nay Chương trình ''thương hiệu quốc gia'' sẽ đi vào giai đoạn thứ 3, chương trình này có vị trí thế nào trong công việc của ngành XTTM 2005?
- Tôi khẳng định đây sẽ là điểm sáng của XTTM 2005. Nội dung của Chương trình ''thương hiệu quốc gia'' triển khai trong năm 2005 là xây dựng một nhãn sản phẩm quốc gia với tựa đề ''Giá trị Việt Nam'' (Việt Nam Value Inside). Năm 2004, chúng tôi mới làm được công việc quảng bá trong cộng đồng DN.
Chính nhờ thương hiệu này mà hàng xuất khẩu Việt Nam hiện nay được thế giới biết đến rất nhiều. Cụ thể, nói đến hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hiện Nhật Bản rất ưa thích, chất lượng cao, giá thành phải chăng, mẫu mã đa dạng. Có thời kỳ năm 2004 ở Nhật Bản có hẳn trào lưu (boom) về hàng mỹ nghệ VN. Châu Âu, ở Pháp, hàng Việt Nam cũng đang được ưa chuộng. Dệt may Việt Nam là địa chỉ khá tin cậy cho các nhà kinh doanh đến đặt hàng. Chương trình này sẽ góp phần thiết thực vào phát triển xuất khẩu bền vững.
- Còn những tồn tại trong hoạt động hội chợ, triển lãm sẽ được giải quyết như thế nào?
- Đầu tiên, chúng tôi sẽ chấn chỉnh việc bảo trợ các hội chợ, triển lãm. Hiện nay, đơn vị nào muốn tổ chức hội chợ đều lấy danh nghĩa Bộ này bảo trợ, Bộ kia bảo trợ, Cục XTTM bảo trợ, nhưng thực ra nhiều khi không phải vậy. Năm nay, Cục XTTM sẽ ra quy chế như thế nào là Bộ Thương mại bảo trợ, quy mô bao nhiêu, đơn vị nào đứng ra tổ chức, đối tượng DN như thế nào?
Chúng tôi cũng đang hướng dẫn để nghiên cứu phân loại các hội chợ, chia cấp bậc để hướng đạo cho các DN biết là đang tham gia hội chợ loại 1, hội chợ loại 2 hay hội chợ loại 3.
Một việc nữa chúng tôi sẽ tiến hành trong năm 2005 là hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tổ chức hội chợ triển lãm. Hiện nay có khoảng trên 100 công ty tổ chức hội chợ triển lãm nhưng thực sự có chất lượng chỉ khoảng 5-6 đơn vị. Tuy nhiên, chúng tôi lại chưa có đủ cơ chế quản lý nên hiện nay, phần lớn vẫn phải dùng cách là vận động. Nhiều hội chợ ở nước ngoài có tới 2-3 DN đứng ra tổ chức đưa DN đi tham gia, tạo hình ảnh không tốt về Việt Nam.
- Và kinh phí cho các chương trình XTTM trọng điểm quốc gia 2005, thưa ông?
Năm 2005, xúc tiến thương mại dự định đưa ra 150 chương trình trọng điểm với khoản kinh phí 50 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đang vận động để cơ chế ''lấy tiền'' XTTM từ quỹ này đơn giản hơn. Định mức của Nhà nước nhiều cái không còn phù hợp với thực tế như chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo có những định mức quá thấp đến mức người thực hiện phải biến báo ra để cho phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
|