Dệt may và ''cuộc chiến'' hậu hạn ngạch
07:14' 01/01/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hôm nay, 1/1/2005, chế độ hạn ngạch dệt may được dỡ bỏ, nhiều công ty may đang gấp rút chuẩn bị cho ''cuộc chiến'' hậu hạn ngạch.

Nhiều nhà phân tích cho rằng trong vòng 3 năm nữa tính từ thời điểm 1/1/2005, Trung Quốc sẽ thống trị làng dệt may thế giới. WTO ước tính rằng trong vòng 3 năm tới, quốc gia này có thể sản xuất vượt hơn một nửa sản lượng hàng dệt may toàn thế giới. Các nước ''sống sót''  sau trận "đại hồng thuỷ" này còn rất ít, chỉ vài cái tên như: Ấn Độ, Pakistan, Hongkong, Mehico... 

Theo Ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguy cơ này đã được hiệp hội cảnh báo từ 1-2 năm trước. Nhưng thực tế, ngành dệt may Việt Nam đã chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào cho thời điểm này?

Cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín

Hiệp ước Đa sợi (MFA) được ký kết năm 1974 quy định hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may hằng năm của tất cả các nước, chủ yếu vào thị trường Mỹ, Canada và Liên hiệp châu Âu (EU).

Năm 1995, các nước thành viên WTO ký Hiệp định thương mại về hàng dệt may (ATC), qua đó loại bỏ dần hạn ngạch từ 1/1/1995 và tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào 31/12/2004.

Khá tự tin vào sự chuẩn bị của DN mình, bà Đặng Thị Quy, Phó Giám đốc - phụ trách kinh doanh khu vực phía Bắc của Công ty May Việt Tiến cho biết, Việt Tiến đã ký được hợp đồng xuất khẩu với các đối tác Mỹ, EU, Nhật Bản đến hết tháng 6/2005. ''Hiện, các khách hàng của chúng tôi khá ổn định, họ tin tưởng vào chất lượng, mẫu mã và tiến độ giao hàng của Việt Tiến nên không có chuyện thay đổi bạn hàng. Mặc dù thời điểm xoá bỏ hạn ngạch sẽ có nhiều khó khăn cho dệt may nhưng do có sự chuẩn bị tốt nên chúng tôi không có nhiều lo lắng''. Thực hiện phương châm đa dạng hoá thị trường nên công ty đã có trên 100 khách hàng tại 52 quốc gia trên thế giới với cơ cấu: Mỹ 35%, EU 25%, ASEAN 15% và nội địa 10%. Công ty cũng đang đặc biệt quan tâm phát triển hàng FOB để thay thế dần phương thức gia công với tỷ lệ so với doanh thu xuất khẩu chính đã chiếm 70%. 

Chuẩn bị cho 2005, Việt Tiến thuê hẳn một nhà thiết kế thời trang người Pháp và cũng ký hợp đồng để có mẫu, màu  của các năm tiếp theo. ''Chúng tôi luôn cố gắng để màu sắc và kiểu dáng sản phẩm bắt kịp xu hướng thời trang thế giới'' - bà Quy nói. 

Nói về nguy cơ ''bành trướng'' của hàng Trung Quốc, bà Quy cho rằng: ''Trung Quốc chủ yếu cạnh tranh ở yếu tố giá rẻ, chúng tôi đã có những chiến lược nhất định, tập trung vào cạnh tranh chất lượng. Hiện các bạn hàng truyền thống vẫn giữ được sự tin cậy với Việt Tiến. Vài năm trước, trước sự xâm lấn của hàng Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng hàng Việt Nam làm sao có thể cạnh tranh với họ, nhưng thực tế, mặt hàng sơ mi của chúng tôi đã phần nào đánh bạt hàng Trung Quốc. Hàng Việt Nam đặc biệt có thế mạnh ở thị trường trung bình khá''. 

Chuyển hướng sang các mặt hàng phi hạn ngạch 

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Nho Thướng - Giám đốc điều hành của Công ty May 10 cho biết: ''Chúng tôi định hướng đi vào sản xuất những mặt hàng chất lượng cao không cần hạn ngạch như mặt hàng veston. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng các DN khác không dễ gì đầu tư được ngay do phải có tiềm lực, trình độ tay nghề công nhân, được khách hàng tín nhiệm. Veston chúng tôi mới gia công nhưng cũng có thể làm FOB theo mẫu, thiết kế của họ. Chúng tôi có 5 nhà máy thì chỉ để 3 nhà máy làm sơ mi còn hai nhà máy chuyển sang làm veston, giảm cạnh tranh, còn quần hay jacket chúng tôi đưa về những xí nghiệp địa phương''. 

Hiện, May 10 đang tăng cường hệ thống kiểm soát chất lượng của DN. Công ty này cũng có đơn hàng đủ việc làm cho công nhân đến hết quý I/2005. 

Tuy nhiên, ông Thướng cũng nhận định: ''Năm tới tất cả các nước WTO được miễn hạn ngạch vào thị trường Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn phải chịu hạn ngạch, đây là một điểm mất lợi thế của Việt Nam. Để cạnh tranh với các thị trường khác không chỉ May 10 mà tất cả DN trong ngành đều phải có chiến lược rất căn bản. Nhìn chung, cacs DN may Việt Nam phải giảm giá để có khách hàng, thị trường. Nhưng, các nước khác không thể một sớm một chiều đầu tư nhanh chóng, phình ra lấy hết khách hàng của mình, kể cả họ có làm ngày làm đêm. Vấn đề là ở chính sự chuẩn bị của các DN Việt Nam''. 

Toan tính vào thị trường EU

Xuất khẩu dệt may

Việc EU tuyên bố bãi bỏ hạn ngạch từ 1/1/2005 đã đem đến cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam. Dù còn lo lắng, băn khoăn, nhưng nhiều DN dệt may đã có những bước khởi động nhất định để xâm nhập vào thị trường mở này. 

Dệt lụa Nam Định là một ví dụ, công ty này đã từng có bạn hàng và xuất khẩu sang EU trước đây, nhưng do sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc nên họ đành rút khỏi thị trường này. Tuy nhiên, bước sang năm mới 2005, công ty  cũng đang ấp ủ dự định khôi phục lại thị trường đã mất. Ông Đào Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định cho VietNamNet biết, trước mắt họ dự định đưa một số sản phẩm có thế mạnh như lụa vào thị trường này và sẽ chọn các nước Đông Âu là điểm đột phá. Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết: ''Khó khăn lớn nhất khi tiến vào thị trường EU là cạnh tranh về giá. Giá các sản phẩm của Ấn Độ, Trung Quốc thường rẻ hơn của Việt Nam. Trong khi đó, chi phí nguyên phụ liệu ngày càng tăng, giá dầu, giá cước vận tải cũng tăng liên tục, việc giảm giá bán để cạnh tranh quả thật là nan giải''. 

Với Dệt Phong Phú, bà Nguyễn Như Quỳnh, nhân viên giao dịch Phòng Xuất nhập khẩu của công ty này cho biết: ''EU mới bỏ hạn ngạch nên chúng tôi đang cố gắng đưa hàng vào thị trường này, nhưng sẽ khó có thể nhanh chóng được vì EU là một thị trường cổ điển, họ thường mua hàng ở đâu thì cứ mua ở đó chứ không thay đổi nhà cung cấp như thị trường Mỹ. Bước đầu chúng tôi xác định sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên cứ tập trung mãi vào thị trường Mỹ thì cũng không được vì VN chưa là thành viên WTO''. 

''Chuẩn bị như vậy vẫn chưa mạnh mẽ''

Trao đổi với VietNamNet, Ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may VN nhận định: ''Tuy ngành dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng phải nói rằng chưa thật mạnh mẽ và chưa thật đều khắp. Những DN có sự chuẩn bị chu đáo lại hầu hết là các DN lớn. Các DN nhỏ sống chủ yếu vào hạn ngạch được giao thì lại không có sự chuẩn bị tốt. Khi bỏ quota, tôi cho rằng họ sẽ khó cạnh tranh cả với các DN trong nước chứ không cứ DN nước ngoài. Giữa khu vực DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài thì DN có vốn đầu tư nước ngoài lại có sự chuẩn bị tốt hơn cả về khách hàng, nâng cao công nghệ, trình độ quản lý. Khi bỏ hạn ngạch, những DN này có thể sẽ phát triển nhanh hơn các DN trong nước''. 

Mặc dù thị trường EU đã mở nhưng như nhận định của ông Đạo thì dù bỏ hạn ngạch cũng không thể tăng vô hạn được. Khả năng, kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ chỉ tăng được 15-20%. Vấn đề là ngay cả những năm trước, khi vẫn còn hạn ngạch thì cũng chỉ có vài ba mặt hàng nhạy cảm, các cat. nóng vào EU là gặp khó khăn, còn lại nhiều cat. DN vẫn không làm hết. Mặt khác, vào EU, DN cũng phải xác định cạnh tranh là vô cùng khốc liệt, hàng Trung Quốc sẽ chiếm thị phần mạnh mẽ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tận dụng lợi thế vị trí địa lý để tăng tốc xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam dù làm hàng chất lượng tốt nhưng lại ở khá xa, phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu''.

  • Phương Thanh - Cẩm Tú
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Từ 1/1/2005: EU chính thức bỏ hạn ngạch dệt may cho VN
Xuất khẩu hàng dệt may đã đạt gần 4 tỷ USD
Xưởng may tại biên giới CPC,bài toán mới của dệt may VN
Dệt may VN có thể cạnh tranh với Trung Quốc sau 2005?
Nhiều âu lo cho xuất khẩu dệt may
Dỡ bỏ hạn ngạch dệt may - ai được lợi?
Hạn ngạch dệt may sẽ dỡ bỏ đúng thời hạn 2005
Khả năng ''đương đầu'' của dệt may VN đứng thứ 4
CÁC TIN KHÁC:
Hà Nội : Doanh thu hàng Tết sẽ tăng 20% (31/12/2004)
TP.HCM: Vẫn kinh doanh gia cầm không kiểm dịch (29/12/2004)
Nhiều hàng thực phẩm đóng gói tại siêu thị thiếu trọng lượng (28/12/2004)
2005: Chung sống với mặt bằng giá mới (27/12/2004)
2004: Du lịch Việt Nam lại phá kỷ lục! (26/12/2004)
ISO chỉ là cái ''mác'' để DN ...trưng! (26/12/2004)
Thực phẩm về các chợ đầu mối tăng gấp 3 lần (25/12/2004)
Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa (25/12/2004)
2004: Năm xuất khẩu cất cánh (24/12/2004)
Công bố 12 sản phẩm chất lượng & an toàn (23/12/2004)
Chỉ số giá tiêu dùng 2004 dừng lại mức 9,5% (22/12/2004)
Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa (22/12/2004)
Sẽ quy định mức trần hoa hồng bán hàng đa cấp? (17/12/2004)
DN để khê hạn ngạch sẽ bị phạt gấp 5 lần (15/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang