Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa
06:06' 25/12/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Với trên 80 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng 9-10 mét vải/người mỗi năm, thị trường nội địa đang là mảnh đất màu mỡ kéo các DN dệt may trở lại. Nhưng, đây có phải là điều dễ dàng trước sự xâm nhập quá sâu của quần áo, vải Trung Quốc và ASEAN?

 

 

Soạn: AM 229961 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhu cầu tiêu dùng cho may mặc của thị trường Việt Nam ngày càng lớn.

Để chuẩn bị cho thời kỳ hậu hạn ngạch sau năm 2004, các DN Việt Nam đã lên kế hoạch cho thời kỳ cạnh tranh khốc liệt này. Xâm nhập vào thị trường mới, tìm kiếm bạn hàng mới, dòng sản phẩm mới... là những việc cần thiết. Nhưng, hơn bao giờ hết, DN Việt Nam cũng đã ý thức được rằng, đi đâu xa khi sân nhà còn quá nhiều khoảng trống, rằng, phải có một hậu phương vững chắc để từ đó vươn mình ra thế giới. 

Thị trường dệt may nội địa đang tăng trưởng nhanh

Mỗi năm thị trường Việt Nam nhập khẩu trên 400 triệu mét vải cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, riêng 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 1,5 tỷ USD vải, tăng 43,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt nhu cầu mua sắm nội địa đối với mặt hàng vải vóc, quần áo của dân cư trong những năm gần đây đang tăng mạnh. Nhiều nhà sản xuất ước lượng, nhu cầu tiêu dùng vải của mỗi người dân Việt Nam trung bình là 9-10m/người/năm. Nhiều công ty dệt may trước kia chỉ chú trọng vào xuất khẩu thì giờ đây đã tập trung nhiều vào thị trường trong nước và thu được nhiều thành công. 

Bà Đặng Thị Quy, Phụ trách Kinh doanh vực phía Bắc của Công ty May Việt Tiến, DN có trên 100 khách hàng ở 52 quốc gia trên thế giới cho biết: ''Mặc dù phần lớn doanh thu của Việt Tiến là xuất khẩu nhưng chúng tôi cũng rất chú trọng thị trường nội địa với tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm. Đặc biệt thị trường phía Bắc được chúng tôi nhìn nhận có mức tăng trưởng rất lớn. Doanh thu của chúng tôi tại thị trường này giai đoạn 2002-2003 đã tăng gấp 3 lần, 2004 so với 2003 tăng 2 lần''. 

Năm 2004 này, doanh thu ở thị trường nội địa của Việt Tiến là 170 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng doanh thu. Tuy nhiên, theo bà Quy, ''không vì tỷ lệ thấp, Việt Tiến dự định mở rộng, phát triển và đẩy doanh thu lên cao hơn nữa. Việt Tiến đã lập hẳn một phòng kinh doanh chuyên làm hàng nội địa với mẫu mốt đa dạng, chủ yếu là sơ mi (80%), còn lại là quần và đồng phục học sinh. Năm vừa qua, Việt Tiến đã đầu tư lớn để giữ thị trường nội địa bằng cách tăng cường chủng loại vải, mẫu mốt, các chủng loại vải phong phú và bao giờ cũng nắm bắt xu hướng thế giới để đưa vào thị trường Việt Nam''. 

Để chứng minh sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Việt Tiến đã mở nhiều đại lý ở các tỉnh gần biên giới Trung Quốc, nơi tràn ngập quần áo Trung Quốc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Móng Cái... Và thực tế, những đại lý này đang dần chiếm được cảm tình của người dân và có sức tiêu thụ tốt. 

Với Dệt Phong Phú, công ty dệt với 60% doanh thu từ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu trong nước đã là một mảnh đất ''rộng rãi'' với họ. Một cán bộ công ty này cho biết, thị trường nội địa cho họ mức tăng trưởng rất ổn định với con số 10-15%/năm. Riêng năm 2004 này, doanh thu từ thị trường nội địa của Phong Phú dự định đạt trên 40 triệu USD. 

Những khoảng trống ở sân nhà 

 
 
Soạn: AM 229965 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Sơ mi nam - mặt hàng dệt may Việt Nam chiếm ưu thế trên sân nhà.
Còn nhớ, năm 1999, ngành dệt may Việt Nam mới chỉ sản xuất được khoảng 320 triệu mét vải lụa và khoảng 40 triệu mét vải dệt kim, chiếm khoảng 51% nhu cầu tiêu dùng trong nước (700 triệu mét). Loại trừ một số lượng nhất định vải nhập khẩu để tiêu dùng (30 triệu mét) và vải tiết kiệm trong khâu gia công ước khoảng 25 triệu mét thì thị trường nội địa tiêu thụ một lượng vải, quần áo nhập lậu, hàng "si đa" không nhỏ, đặc biệt là hàng nhập lậu của Trung Quốc. 

5 năm đã trôi qua, hàng Việt Nam đang dần dần chiếm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng với những cái tên như: Việt Tiến, May 10, Phước Thịnh, Hanosimex... hay quen thuộc hơn với giới trẻ như chuỗi cửa hàng của Nino Max, Foci... Năm 2003, dệt may Việt Nam đã cung cấp ra thị trường trong nước được 513 triệu mét vải, một con số tăng trưởng không nhỏ. Nhiều DN dệt may Việt Nam đã không tiếc tiền thuê những trụ sở đắt tiền, thiết kế gian hàng sang trọng và cách phục vụ rất ''Tây''.  Việt Tiến, May 10, Phương Đông, Thái Tuấn thậm chí đã bỏ chi phí thuê quầy hàng tại thương xá Tax với giá 100 USD/m2 chỉ để bán vải hoặc bán áo sơ mi. 

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì hàng Việt Nam mới chiếm lĩnh được ở một số ''đoạn'' thị trường như áo sơ mi, áo khoác nam nữ, đồng phục học sinh, một số mặt hàng trẻ em... Những ngày cuối năm này tại Hà Nội, nếu đi dọc con phố Phùng Khắc Khoan, một khu phố chuyên kinh doanh vải may mặc ở Hà Nội hay các sạp vải ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm..., điều dễ nhận thấy là sự tràn ngập của các mặt hàng vải có xuất xứ Trung Quốc hay ASEAN. Các chủ cửa hàng cho biết, vải ngoại mẫu mã phong phú, thời trang hơn. Vải nội rõ nét nhất chỉ có các mặt hàng tơ tằm, tafta, đũi với một số tên tuổi như Thái Tuấn, Vạn Phúc là tiêu thụ tốt. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với mặt hàng quần áo cho giới trẻ. Hàng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế hơn về mẫu mã và kiểu dáng thời trang. 

Khó khăn nhất: cạnh tranh về giá 

1 mét vải Trung Quốc loại đẹp giá chỉ từ 35.000đ - 40.000đ, loại thường giá chỉ 12.000đ - 15.000đ, một mức giá rất cạnh tranh với vải Việt Nam trong khi mẫu mã của họ rất đa dạng. Giá một chiếc áo sơ mi của các công ty trong nước khoảng 100.000đ trở lên. Trong khi hàng Trung Quốc loại đẹp dài tay khoảng 75.000đ - 80.000 đ/chiếc, cộc tay 35 000 - 40 000 đ/chiếc... với mẫu mã phong phú, đa dạng, kiểu dáng đẹp. Đây chính là lý do mà hàng Trung Quốc đang tiêu thụ rất mạnh trên thị trường Việt Nam. 

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phụ trách Kinh doanh của Công ty May Đức Giang bộc bạch: ''Nhiều mặt hàng của chúng tôi sau khi cộng hết phí nguyên phụ liệu, chi phí sản xuất... thì khi mang ra thị trường không được chấp nhận về giá. Hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường và cái khó nhất với các công ty Việt Nam khi cạnh tranh với họ chính là giá cả. Hiện, doanh thu ở thị trường nội địa của công ty mới chiếm 25% tổng doanh thu. Xu hướng của chúng tôi là muốn đẩy con số này lên trên 30%. Để làm được điều đó, định hướng 2005 của chúng tôi là thâm nhập thị trường nội địa bằng cách tung ra mẫu mã theo từng mùa và hướng về giới trẻ, về khâu thời trang''. 

Không chỉ có nỗi lo lắng từ hàng dệt may Trung Quốc, trong thời gian tới Việt Nam buộc phải từng bước cải cách hệ thống thuế quan của mình để năm 2006 hội nhập hoàn toàn vào khu vực thị trường mậu dịch tự do ASEAN và phải thực hiện cải cách, dỡ bỏ hàng loạt các quy định về thuế quan khi muốn trở thành thành viên chính thức của WTO. Khi đó, hàng dệt may Việt Nam sẽ còn bị nhiều áp lực hơn nữa bởi quần áo, vải vóc từ thị trường nước ngoài, đặc biệt ASEAN. Và như vậy, đâu chỉ chuyện hạn ngạch mà chuyện ''giữ sân nhà'' cũng đang là bài toán khó với ngành dệt may Việt Nam. 

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
2004: Năm xuất khẩu cất cánh (24/12/2004)
Công bố 12 sản phẩm chất lượng & an toàn (23/12/2004)
Chỉ số giá tiêu dùng 2004 dừng lại mức 9,5% (22/12/2004)
Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa (22/12/2004)
Sẽ quy định mức trần hoa hồng bán hàng đa cấp? (17/12/2004)
DN để khê hạn ngạch sẽ bị phạt gấp 5 lần (15/12/2004)
Sẽ đấu giá bưu phẩm vô thừa nhận (13/12/2004)
Khách sạn, nhà hàng tất bật mùa Noel (13/12/2004)
350 DN tham dự Hội chợ thương mại quốc tế VN 2004 (13/12/2004)
Dệt may giới thiệu sản phẩm thời trang dịp Noel (11/12/2004)
Canada chính thức bỏ hạn ngạch cho dệt may VN (10/12/2004)
Tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết (09/12/2004)
TP.HCM:Sẽ có Trung tâm triển lãm hàng XK chuyên nghiệp (09/12/2004)
Nguyễn Kim cùng 7 hãng điện máy ngoại tài trợ cho NTD (09/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang