2004: Năm xuất khẩu cất cánh
11:45' 24/12/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - 2004 là năm chứng kiến sự cất cánh của xuất khẩu Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2003 và vượt xa mong đợi của ngành thương mại tới gần 20%. 

Soạn: AM 229414 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Xuất khẩu 2004 là một điểm sáng của nền kinh tế.

Theo thông tin từ Bộ Thương mại, tính đến hết năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 26,003 tỷ USD, tăng 28,9% so với năm trước và là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Đây cũng là kết quả vượt qua dự đoán của nhiều chuyên gia thương mại, với kế hoạch đề ra của 2004 chỉ là 22,46 tỷ USD.  

Mặt hàng mới, thị trường mới ''lên ngôi''

Rút kinh nghiệm từ bài học chống bán phá giá cá basa, tôm (Mỹ), xe đạp (EU), xuất khẩu 2004 đã đa dạng hóa cả về thị trường lẫn mặt hàng xuất khẩu. 2004 là năm chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch xuất khẩu của một loạt mặt hàng như đồ gỗ, hàng điện tử và linh kiện, nhựa, dây điện và cáp điện. Theo tính toán của Bộ Thương mại, có 17 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch 100 triệu USD trở lên. Ngoài thủy sản, dệt may và da giày, lần đầu tiên 2 mặt hàng đồ gỗ và hàng điện tử, linh kiện đã lọt vào top 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đã tăng tới 86% còn hàng điện tử và máy tính đã tăng với tốc độ trên 60%. Ngoài ra, một loạt mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu trên 50% là: rau quả, chè, lạc nhân, than đá. 

Hàng đồ gỗ gia dụng Việt Nam đã thâm nhập thị trường 120 nước, vùng lãnh thổ và đang có cơ hội vượt qua các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan để vào thị trường giàu tiềm năng Hoa Kỳ, nơi hàng năm kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ lên tới 15 tỷ USD. Với giá rẻ hơn 10% so với đồ gỗ Trung Quốc, nước xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, hàng đồ gỗ Việt Nam đang được các công ty nhập khẩu và các công ty bán lẻ đồ gỗ Mỹ tìm kiếm để nhập khẩu. Tại thị trường Nhật Bản, hiện đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 với 7,3% thị phần, đồng thời là nước có tốc độ xuất khẩu lớn nhất vào thị trường này. 

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có những sự chuyển biến rõ rệt. Tăng kim ngạch xuất khẩu không chỉ dồn vào thị trường Mỹ như xu hướng cùng kỳ năm trước mà xuất khẩu vào thị trường EU, Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng khá. Cụ thể, riêng 11 tháng đầu năm, xuất khẩu vào thị trường EU đã tăng 24%, Nhật Bản tăng 19% đặc biệt Trung Quốc tăng 65%. Một loạt các thị trường: Nam Phi, Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Philippines, Thái Lan, Iraq, Campuchia, Singapore... đang có tốc độ tăng trưởng mạnh. 

Một điều đáng mừng khác là tình trạng nhập siêu đã phần nào được cải thiện. Nếu như năm 2003, tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là 7% thì năm 2004 này, tốc độ tăng xuất khẩu đã vượt lên trên nhập khẩu 3,9%. Nhờ đó, nhập siêu năm 2004 chỉ bằng 21,2% (khoảng 5,6 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu, thay vì 25% của năm 2003. 

Tăng lớn nhưng vẫn thiếu bền vững 

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng không thể không thừa nhận tăng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là do tăng giá và lượng xuất khẩu. Lượng hàng hóa xuất khẩu tăng là nhân tố chính góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu (chiếm tới 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu), 30% còn lại là do tăng giá xuất khẩu. Hàm lượng giá trị gia tăng thực tế trong hàng xuất khẩu Việt Nam thực tế còn nhiều hạn chế. 

Đặc biệt là sự tăng giá dầu thô đã đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu. Tính riêng dầu thô, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đã tăng 39% về kim ngạch, trong đó tăng giá là 30%. So với năm 2003, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đã tăng 50%, chỉ riêng giá xuất khẩu dầu thô đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm thêm 1,28 tỷ USD, chiếm gần 24% trong 5,4 tỷ USD tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong 24,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2004 thì đóng góp vào đó chỉ có 2,1% do tăng giá hàng hóa còn 22% là do tăng lượng xuất khẩu hàng hóa. Nhiều mặt hàng xuất khẩu khác như gạo, nhựa, than đá... tăng xuất khẩu cũng phần lớn do giá trên thị trường thế giới tăng.

Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh như đồ gỗ lại đang đứng trước khó khăn lớn về nguyên liệu, khi diện tích rừng trong nước đang ngày càng suy giảm do cháy rừng, thiên tai và nạn chặt phá rừng chưa được kiểm soát hiệu quả.

Chính vì xuất khẩu còn phụ thuộc vào những biến động thất thường của thị trường thế giới nên mục tiêu trên 30 tỷ USD xuất khẩu của 2005 theo nhiều chuyên gia thương mại là chưa thể nói là có khả thi hay không.

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Công bố 12 sản phẩm chất lượng & an toàn (23/12/2004)
Chỉ số giá tiêu dùng 2004 dừng lại mức 9,5% (22/12/2004)
Dệt may VN và sự trở về thị trường nội địa (22/12/2004)
Sẽ quy định mức trần hoa hồng bán hàng đa cấp? (17/12/2004)
DN để khê hạn ngạch sẽ bị phạt gấp 5 lần (15/12/2004)
Sẽ đấu giá bưu phẩm vô thừa nhận (13/12/2004)
Khách sạn, nhà hàng tất bật mùa Noel (13/12/2004)
350 DN tham dự Hội chợ thương mại quốc tế VN 2004 (13/12/2004)
Dệt may giới thiệu sản phẩm thời trang dịp Noel (11/12/2004)
Canada chính thức bỏ hạn ngạch cho dệt may VN (10/12/2004)
Tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết (09/12/2004)
TP.HCM:Sẽ có Trung tâm triển lãm hàng XK chuyên nghiệp (09/12/2004)
Nguyễn Kim cùng 7 hãng điện máy ngoại tài trợ cho NTD (09/12/2004)
Ưu tiên quota dệt may cho 15 khách hàng lớn tại Mỹ (08/12/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang