(VietNamNet) - Nhóm công ty xuất hiện ngày càng nhiều trong môi trường kinh doanh Việt Nam, đòi hỏi Luật DN sau khi được sửa đổi phải có những quy định rõ ràng tạo khuôn khổ pháp lý cho nó hoạt động và phát triển.
|
Mô hình nhóm công ty hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta. |
Ngày 3/12, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo "nhóm công ty và các vấn đề liên quan", tạo cơ hội cho đại biểu từ các tổng công ty, bộ chủ quản, Hiệp hội DN và chuyên gia nghiên cứu thảo luận về luật cũng như quy định về nhóm công ty. Dựa vào kết quả của Hội thảo cùng những nghiên cứu khác, Ban soạn thảo luật sẽ chỉnh sửa Luật DN hiện tại thành Luật DN chung vào năm 2005.
Hội thảo cũng lắng nghe những kinh nghiệm quốc tế của Giáo sư Cally Jordan, người đã từng cố vấn cho Đặc khu hành chính Hồng Kông về cải cách Luật công ty. Trong bài trình bày "Các tiếp cận pháp lý về nhóm công ty" của mình, Giáo sư Jordan giới thiệu các hệ thống luật khác nhau quy định về các tập đoàn và nhóm công ty ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban kinh tế vĩ mô, thành viên Ban soạn thảo luật cho biết hiện tại chưa cho các điều khoản luật đồng bộ về nhóm công ty mà chúng nằm rải rác trong những luật chuyên ngành như Luật cạnh tranh, Luật kế toán, Luật về thuế thu nhập công ty và Luật công ty.
Theo Giáo sư Cally Jordan sự phát triển của nhóm công ty là điều tất yếu trong mỗi nền kinh tế. Bên cạnh những mặt mạnh của mình như tạo ra cơ chế hợp tác ổn định và ưu đãi, thuận lợi trong việc thực hiện chính sách công nghiệp, bảo vệ ngành nghề trong nước... nhóm công ty cũng chứa trong nó nhiều hạn chế như dễ dẫn đến độc quyền, trốn thuế...
Ông Cung cho rằng luật điều chỉnh nhóm công ty phải tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các DN phát triển, đa dạng hoạt động, đồng thời giảm rủi ro, tránh lạm quyền và nâng cao tính minh bạch. Ngoài ra luật còn cần bảo vệ lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ và cổ đông thiểu số, những người có khả năng bị thiệt thòi.
|