(VietNamNet) - Xây dựng một chiến lược xuất khẩu quốc gia hiệu quả là vấn đề vô cùng cần thiết với Việt Nam. Một chiến lược xuất khẩu quốc gia hiệu quả phải có sự hỗ trợ và hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân
60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc về bốn ngành ít mang tính ổn định với giá trị xuất khẩu thấp là dầu thô, may mặc, da giày và thuỷ sản. Đây là những ngành rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện bên ngoài như hạn ngạch, kiện chống bán phá giá...
|
Da giày, ngành xuất khẩu mũi nhọn nhưng vẫn chủ yếu là gia công. |
Đây là thông tin được ông Brian Barclay, chuyên gia của Trung tâm Thương mại quốc tế của WTO (ITC) đưa ra tại Hội thảo về Sử dụng công cụ phát triển chiến lược xuất khẩu quốc gia tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.
Những mặt hàng trên chủ yếu dựa vào gia công với giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc vào những thị trường lớn như Mỹ, EU. Rào cản phi thuế quan của các nước như kiện chống bán phá giá tôm vừa qua của Mỹ làm ngành tôm Việt Nam điêu đứng đã cho thấy, cần vạch ra một chiến lược xuất khẩu hiệu quả và có tính đến những rủi ro.
Theo ông Brian Barclay, xây dựng một chiến lược xuất khẩu quốc gia hiệu quả là vấn đề vô cùng cần thiết với Việt Nam. Một chiến lược xuất khẩu quốc gia hiệu quả phải có sự hỗ trợ và hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Hiện nay, nhiều chiến lược quốc gia chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này, trong khi quan hệ hợp tác giữa khu vực Nhà nước và tư nhân đóng vai trò rất quan trọng. ITC cũng đang triển khai một phần mềm hướng dẫn quy trình thiết kế và triển khai chiến lược xuất khẩu quốc gia cũng như chiến lược ngành. Công cụ phần mềm này sẽ giúp các nhà quản lý Việt Nam lập kế hoạch hành động dựa trên đánh giá thiết thực các nguồn lực sẵn có.
Nhìn vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2004 có thể thấy rõ, nếu như cạnh tranh tăng trưởng của Việt Nam năm 2004 xếp thứ 77/104 nước thì cạnh tranh thương mại còn thấp hơn: 79/103. Trong khi đó, nếu nhìn sang các quốc gia khác, như Indonesia chẳng hạn, năng lực cạnh tranh tăng trưởng của họ chỉ là 69/104, nhưng năng lực cạnh tranh thương mại của họ vượt lên tới 44/103.
Việt Nam đã có chiến lược xuất khẩu quốc gia, Bộ Thương mại và các Hiệp hội ngành hàng đều đã có các chiến lược xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại nhận định, những chiến lược này chưa được phối hợp chặt chẽ với nhau và chưa thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho DN.
|