Chống tham nhũng: Phải bỏ quyền tự do làm theo ý mình
16:40' 25/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Giảm quyền được tự do làm theo ý mình, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp trong các công việc với Chính phủ là biện pháp chống tham nhũng hiệu quả mà WB đưa ra. 

Soạn: AM 204417 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Klaus Rohland - Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới ở Việt Nam.

Đây là nội dung chính Báo cáo phát triển Việt Nam 2005 của Ngân hàng thế giới công bố ngày hôm nay (25/11). Là công trình nghiên cứu chung của các nhà tài trợ, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và cán bộ Việt Nam.

Kinh tế phát triển, dân chủ hoá ngày càng tăng

Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2004 và có thể vượt mức 7,2% của năm ngoái. Xuất khẩu phi - dầu vẫn mạnh mặc dù phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài. Thâm hụt hiện tại về cán cân thanh toán và ngân sách dự kiến sẽ giảm. Tình hình phát triển kinh tế vĩ mô trong mười tháng vừa qua tăng rõ rệt. Giá dầu cao trên thị trường thế giới là một nhân tố gây ra lạm phát tăng đột biến gần đây, nhưng mặt khác làm tăng thu nhập xuất khẩu và các khoản thu của Chính phủ. Quan điểm chính sách vĩ mô của Chính phủ là phù hợp. 

Việt Nam được nhận những nguồn lực đáng kể dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA), song không phải là một nước phụ thuộc vào viện trợ. Dựa trên những xu hướng hiện nay, tổng giá trị các khoản vay ODA sẽ vẫn nằm trong tầm quản lý, với lãi suất phải trả đều đặn giảm xuống tính theo phần trăm của xuất khẩu.

Có những tín hiệu mạnh mẽ về khả năng gia nhập WTO. Cải cách DN nhà nước đã đạt được những tiến bộ mặc dù là với tốc độ chậm. Quốc hội được trao quyền, chịu trách nhiệm phê duyệt ngân sách, bao gồm cả việc phân bổ ngân sách cho các cấp chính quyền cấp địa phương. Đồng thời, mức độ dân chủ hóa ngày càng tăng. Cho tới nay, gần một phần hai chi tiêu ngân sách là do chính quyền cấp địa phương quyết định. Đồng thời có những tiến bộ vững chắc trong quản lý tài chính công. Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy còn có rất nhiều thách thức quan trọng.

Tham nhũng và giảm nghèo, vấn đề mấu chốt

Theo báo cáo, điều tra trong cả nước cho thấy tình trạng tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam. Tham nhũng sẽ trầm trọng hơn nếu không có hành động kiên quyết. Một phân tích, “mổ xẻ” các hình thái tham nhũng khác nhau trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, trong giao dịch kinh doanh và trong các dự án công đã cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. Vì vậy tăng cường minh bạch, giảm quyền được tự do làm theo ý mình, hoàn thiện qui chế mua sắm đấu thầu và xây dựng các giao diện điện tử để giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp trong các công việc với Chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực này.

Ông Klause Rohland, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới ở Việt Nam cho biết Chính phủ sẽ phải trình bày kế hoạch chống tham nhũng của mình trước hội nghị các nhà tài trợ sắp diễn ra. Đi đôi với chống tham nhũng, cải cách hành chính công (CCHCC) là một chương trình có mục tiêu tham vọng và phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, trong số cán bộ địa phương và cộng đồng vẫn còn có những khoảng cách trong nhận thức về mức độ thông tin, tham vấn và sự tham gia.

Báo cáo chỉ ra rằng các chương trình mục tiêu của Việt Nam đã có hiệu quả trong việc hướng các nguồn lực cho các gia đình và cộng đồng nghèo nhất. Mặc dù vậy mức độ bao phủ có khác nhau đối với các hợp phần khác nhau của Chương trình Xóa đói giảm nghèo, cần phải được đơn giản hoá và điều chỉnh. Việc giải phóng đất rừng hiện nay do các lâm trường quốc doanh nắm giữ có thể đóng góp vào công cuộc giảm nghèo. Báo cáo cho rằng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mở ra một khả năng đa dạng hóa những nhà cung cấp các dịch vụ y tế giáo dục, đưa khu vực tư nhân tham gia và tăng cường khả năng lựa chọn cho người dân. Tuy nhiên việc có đủ nguồn tài chính công sẽ là điều thiết yếu.

Lập kế hoạch phát triển, phải theo định hướng thị trường

Báo cáo phát triển chỉ ra rằng Việt Nam cần hiện đại hoá việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, không thể giữ tư duy cũ như thời bao cấp. Lập kế hoạch phải theo kiểu định hướng thị trường hơn để đưa ra chiến lược phát triển tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo. Vai trò Chính phủ cũng cần thay đổi, chú trọng vào các chức năng như định hướng, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, bảo trợ xã hội...

Báo cáo cũng đề cập tới một số vấn đề cấp bách khác như lập kế hoạch và lập ngân sách, định mức phân bổ ngân sách, giao quyền cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Trên thực tế việc ra quyết định đầu tư vẫn tách khỏi các quyết định chi thường xuyên. Vấn đề không chỉ ở chỗ có hai Bộ khác nhau phụ trách lập kế hoạch đầu tư dài hạn và ngân sách hàng năm, mà mức độ phối hợp giữa hai Bộ cũng còn hạn chế. Với cuộc cải cách hành chính hiện tại, các đơn vị chi có được sự linh hoạt đáng kể so với chế độ kiểm soát quá cứng nhắc trước đây, nhưng vấn đề áp dụng tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu, kiểm toán nội bộ, cơ chế thu thập ý kiến phản hồi từ bộ phận dân chúng và việc áp dụng các hướng dẫn chặt chẽ hơn về trả thù lao cho nhân viên cần phải được tăng cường.

Một lĩnh vực khác cũng cần chú ý là cải cách tiền lương. Không phải công chức Nhà nước nào cũng bị trả lương thấp, nhất là khi tính đến các phúc lợi khác ngoài lương mà họ được hưởng. Với những hàm ý về tài chính của cải cách tiền lương, cần có một phân tích cân nhắc kỹ lưỡng hơn về tiền lương trong và ngoài khu vực công.

  • Cẩm Tú
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khởi động thị trường Noel: Hàng nhiều, giá giảm nhẹ (25/11/2004)
ĐBQH kêu gọi Nghị sĩ Mỹ chia sẻ với ngành tôm VN (24/11/2004)
Trao cúp Sen vàng cho 42 DN (24/11/2004)
12 nhà máy may VN sẽ bị ngăn hàng vào Mỹ (24/11/2004)
Giá bất động sản đang xuống! (24/11/2004)
Dệt may Vĩnh Hưng tìm lại thị trường trong nước (22/11/2004)
Lễ hội Việt - Nhật tại TP.HCM: Áo dài đắt khách (22/11/2004)
TP.HCM:Thêm một Khu căn hộ cao cấp (20/11/2004)
United Airlines quay trở lại Việt Nam (17/11/2004)
Ra mắt Trung tâm Văn hoá doanh nhân (17/11/2004)
TP.HCM: Không đạt mục tiêu 30.000 căn hộ tái định cư? (17/11/2004)
Chính VN tự quyết định thời điểm gia nhập WTO (17/11/2004)
Du lịch VN đang hấp dẫn các nhà dịch vụ bổ trợ (16/11/2004)
Sheraton,khách sạn tốt nhất cho doanh nhân tại châu Á (15/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang