Giá vàng đang biến động chưa từng thấy, thị trường nhà thì đóng băng từ lâu do ảnh hưởng của giá vàng quá cao, đất dự án cũng lâm vào tình trạng tương tự trong 10 ngày qua kể từ khi Nghị định 181 về thi hành Luật Đất đai được ban hành; thị trường chứng khoán thì trầm lắng... Tình hình này đang đặt ra cho các nhà đầu tư nhiều câu hỏi: Bảo toàn vốn bằng VND, USD hay vàng? Đầu tư vốn vào đâu để vừa an toàn vừa sinh lợi?
|
Lượng tiền gửi tại các ngân hàng hiện tăng đều. |
Với 100 triệu đồng có được do thừa kế, chị Mai (ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - là một nhân viên ngân hàng) đang đắn đo tìm cách để số tiền được bảo toàn, sinh lời mà không gặp rủi ro. Chị phân tích: nếu đem gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm khoảng 8%/năm sẽ lời 8 triệu đồng sau 1 năm. Thế nhưng, với chỉ số tăng giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm nay là 8,6%, số tiền lời sẽ không đủ bù.
Ông Trương Văn Phước - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chống rủi ro bằng công cụ bảo hiểm - Các nhà đầu tư chắc hẳn biết đến một quy luật hết sức phổ biến trên thị trường tài chính là khi đầu tư vào một tài sản tài chính bao giờ cũng phải đối mặt với 2 vấn đề: lợi nhuận và rủi ro. Lợi nhuận lớn thì rủi ro cao. Quy luật này tác động đến cung - cầu trên thị trường tài chính và lợi ích thiết thực của nhà đầu tư. Trên nền tảng của quy luật này, ở thị trường Việt Nam hiện nay đã hình thành những công cụ để phòng chống rủi ro cho nhà đầu tư trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - thông qua các ngân hàng thương mại - đã cho áp dụng các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro không chỉ trên thị trường hàng hóa mà cả trên thị trường tiền tệ như công cụ hoán đổi lãi suất, công cụ hoán đổi tiền tệ, các hợp đồng tương lai hàng hóa, hợp đồng quyền lựa chọn tiền tệ dành cho các doanh nghiệp. Trên thị trường vàng, một số ngân hàng thương mại kinh doanh vàng trên tài khoản của mình: mua bán kỳ hạn, hoán đổi, giao ngay và lựa chọn vàng trên thị trường quốc tế. Trong tháng 11 này, Ngân hàng Á Châu sẽ đưa ra một sản phẩm là Bảo hiểm giá vàng cho các khách hàng trong nước bằng quyền lựa chọn mua và bán giá vàng. - Đặc biệt, ngày 10/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký một quyết định bổ sung chỉnh sửa các loại hình giao dịch hối đoái trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Theo quyết định này, nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ sẽ bỏ qua chế độ kiểm soát ngặt nghèo về chứng từ như hiện nay, tạo ra sự thông thoáng trên thị trường hoán đổi tiền tệ. - Việc tiếp cận các công cụ phòng chống rủi ro sẽ cho nhà đầu tư một câu trả lời thỏa đáng nhất về việc lựa chọn đầu tư vào đâu để đồng thời bảo toàn vốn mà còn sinh lợi. Mỗi nhà đầu tư có một năng lực tài chính nhất định, hoàn cảnh nhất định, cảm nhận nhất định về thị trường để tự quyết định về tài sản tài chính của mình. | Tính toán của chị Mai được ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam - nhận định là khá chính xác. Nếu đem số tiền đó mua trái phiếu Chính phủ (có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm) thì sao? "Trái phiếu Chính phủ có độ an toàn cao, mức sinh lợi ổn định (khoảng 8,5 - 9%/năm - TN) nhưng kỳ hạn kéo dài, tính thanh khoản cũng chỉ ở mức trung bình", ông Lý Xuân Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB nhận xét. Còn nếu mua vàng? Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng việc này quá mạo hiểm. "Các nhà đầu tư cá nhân khó có thể dự đoán được diễn biến giá vàng nên nếu đầu cơ vào vàng tính may rủi khá cao", ông Lý Xuân Hải nhận định. Về đất đai, một kênh đầu tư sinh lợi khá cao trong thời gian qua, các chuyên gia được hỏi đều nhận định rằng Nghị định 181 về đất đai ra đời sẽ khiến thị trường nhà đất minh bạch hơn, giảm bớt các cơn sốt giả tạo do đầu cơ, làm giá. Một khi thị trường bất động sản được quản lý tốt, hoạt động lành mạnh, khả năng sinh lợi đối với người có ít vốn lâu nay kiếm lời nhờ các đợt sốt giá nhà đất sẽ không còn.
Vậy thì chị Mai - cũng như nhiều người khác có ít tiền nhàn rỗi - sẽ phải đầu tư vào đâu để vừa bảo toàn vốn vừa có thể sinh lợi? Ông Trần Thanh Tân tư vấn: "Nếu một người có 10 đồng, trong đó 3 - 4 đồng bỏ vào ngành nghề đang kinh doanh, 2- 3 đồng phục vụ cho sinh hoạt tiêu dùng, số tiền còn lại có thể hùn vốn cùng bạn bè kinh doanh. Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay, nhóm người này cần tạo ra một danh mục đầu tư lâu dài nhằm phân tán các rủi ro. Danh mục đầu tư có thể phân bổ theo hình tam giác với tỷ lệ 40% - 40% - 20%. 40% đầu tư vào những trái phiếu, doanh nghiệp hạ tầng, điện nước; 40% đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh tốt; 20% đầu tư vào những chứng khoán mua bán ngay để kiếm lời...".
Ông Lý Xuân Hải thì nhận định nhà đầu tư hiện có 3 cơ hội: chứng khoán niêm yết, chứng khoán chưa niêm yết và tự thành lập công ty để kinh doanh sản xuất. Tự mình thành lập doanh nghiệp thì có thể chủ động quyết định nhưng do chưa có kinh nghiệm nhiều, chưa có bạn hàng, vốn cao, toàn bộ rủi ro dồn về một "rổ". Thay vì vậy, có thể dùng tiền này để đầu tư vào những công ty đã có sẵn. Đó là những công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc công ty chưa niêm yết. Ông Hải khẳng định: "Đây là vùng đất màu mỡ để các nhà đầu tư bỏ tiền vào". Nhà đầu tư cũng có thể phân tán được các rủi ro thông qua việc mua nhiều loại cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm, thời gian và kiến thức, có thể tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán bằng cách mua chứng chỉ của quỹ đầu tư. Quan trọng nhất là đừng bao giờ đầu tư theo phong trào, cần lựa chọn cho mình một nhà tư vấn tài chính để tiếp nhận những ý kiến chuyên nghiệp của họ.
Lời khuyên của các chuyên gia
"Một người bình thường không có khiếu kinh doanh thì nên gửi tiền vào ngân hàng có lãi suất cao là tốt nhất; hoặc cũng có thể bỏ tiền vào các quỹ đầu tư như Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam. Với những người có vốn lớn và có "máu" kinh doanh thì khác. Tôi cho rằng đầu tư vào đất đai vẫn hấp dẫn nhất vì nhu cầu về nhà đất vẫn gia tăng trong khi đất đai thì chỉ có hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý là lợi nhuận lớn luôn đi kèm với rủi ro cao và đầu tư vào đất đai thì cần có thông tin tốt. Khi đầu tư cũng cần đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, "không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ" - ông Lâm Đạo Thảo, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Nam Á.
"Mặc dù giá vàng và lãi suất USD trên thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng đều và không có sự dịch chuyển giữa VND và USD. Tôi sẽ không bao giờ đi mua vàng để cất trữ bởi điều này chắc chắn đem lại rủi ro, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay" - ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
"Dù chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng tăng tới 8,6% nhưng do giá USD tăng rất ít (chưa tới 1%) và lãi suất USD khá thấp nên gửi tiền VND vẫn có lợi hơn, mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND khoảng 5 -6%/năm. Tại Habubank, lãi suất tiết kiệm VND trả lãi cuối kỳ 12 tháng là 0,71%/tháng (8,52%năm) trong khi lãi suất tiết kiệm USD kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ chỉ có 2,5%/năm" - bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank).
"Sự ổn định của đồng USD tại Việt Nam đã góp phần làm giảm tâm lý lo lắng của người dân về giá trị của đồng Việt Nam khi chỉ số giá tăng mạnh trong 10 tháng vừa qua. Đối với các ngân hàng, họ cũng tích cực huy động VND hơn so với USD nên dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất USD 4 lần kể từ đầu năm, lãi suất huy động USD của các ngân hàng Việt Nam không tăng mạnh như trên thị trường quốc tế" - một chuyên gia về tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. |
(Theo Thanh Niên) |