Không để doanh nghiệp đầu cơ tăng giá
13:02' 10/11/2004 (GMT+7)

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ trong việc bình ổn giá cả, chỉ số giá tiêu dùng đã không tăng trong tháng 10. Tuy nhiên, tình hình giá cả từ nay tới cuối năm vẫn được dự báo là còn nhiều diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

- Thưa ông, phải chăng diễn biến giá cả đã có chiều hướng tương đối thuận?

Soạn: AM 191595 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Lê Danh Vĩnh

- Nhìn chung, diễn biến thị trường trong nước và giá cả trong tháng 10 vừa qua đã có tín hiệu khả quan, đặc biệt là với sự chững lại của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, việc thực thi các biện pháp kiềm chế lạm phát đã tỏ ra có hiệu quả rõ rệt. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm, bởi từ nay tới cuối năm mới thực sự là “thời gian nóng”, do quý VI là thời điểm các ngành sản xuất đẩy mạnh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, đồng thời cũng là thời điểm lễ, tết nên nhu cầu tiêu dùng xã hội sẽ tăng mạnh.

- Có nghĩa là vẫn không loại trừ khả năng giá cả sẽ có những biến động phức tạp?

- Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng tăng 8,6% là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bước vào quý IV với xuất phát điểm cao như vậy, nên diễn biến giá cả cuối năm càng có khả năng biến động phức tạp. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta không kiểm soát được.

- Xin ông cho biết đánh giá sơ bộ về nhóm hàng trọng yếu có khả năng tác động lớn tới diễn biến giá cả hiện nay cũng như trong thời gian tới?

- Một trong những nhóm hàng có tác động lớn tới diễn biến giá tiêu dùng là nhóm lương thực - thực phẩm. Trong những tháng trước, nhóm mặt hàng này có mức tăng đáng kể, vì mức giá chung tại thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu tăng và do tác động của dịch cúm gia cầm tái phát. Song tới tháng 10 vừa qua, nhóm này đã giảm giá khoảng 0,2%, do giá lương thực giảm trước thời điểm bước vào mùa vụ và dịch cúm gia cầm đã được khống chế nên giá thực phẩm cũng giảm. Còn một nguyên nhân khác khiến nhóm lương thực - thực phẩm không tăng giá, đó là việc Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam nên giá tôm trong nước giảm. Trong 2 tháng còn lại, nhóm lương thực - thực phẩm có khả năng tăng giá do nhu cầu lương thực - thực phẩm tăng cao hơn vào dịp lễ, tết. Song đây là quy luật chung của mọi năm, nên ta hoàn toàn có thể dự báo trước được và có biện pháp kiểm soát.

- Việc tăng giá xăng mới đây có tác động tới diễn biến giá cả cuối năm không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, tác động của việc tăng giá xăng là không đáng kể, bởi mặt hàng xăng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong lượng chế phẩm dầu mỏ mà ta nhập khẩu (khoảng 20%). Hơn nữa, xăng không phải là đầu vào của các ngành quan trọng, nên tác động của tăng giá xăng chỉ là thứ yếu. Mặt khác, do Chính phủ đã có chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả hết sức chặt chẽ sau khi tăng giá xăng, nên theo tôi không có gì đáng ngại.

- Theo ông, trong điều kiện nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng lên, dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng còn lại của năm nay sẽ như thế nào?

- Theo dự báo của Bộ Thương mại, trong 2 tháng còn lại, mỗi tháng chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng khoảng 0,3-0,4%. Như vậy, tính chung cho cả 12 tháng, giá tiêu dùng sẽ tăng khoảng 9,6%, tức là duy trì được ở mức dưới 2 con số.

- Cuối cùng, xin ông cho biết, Bộ Thương mại sẽ có những biện pháp gì để bình ổn thị trường và giá cả trong những tháng cuối năm?

- Chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện nghiêm túc các biện pháp ổn định thị trường như kiểm soát giá cả không để doanh nghiệp tùy tiện đầu cơ tăng giá, giữ ổn định giá vật tư và nguyên liệu sản xuất, đồng thời thực hiện triệt để các biện pháp kiềm chế tăng giá mà Chính phủ đã đưa ra.

(Theo Đầu Tư) 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá ô tô tăng từ 3.000 - 4.000 USD/chiếc (10/11/2004)
Hàng số lấn hàng điện tử (10/11/2004)
Belarus mong muốn cân bằng thương mại với Việt Nam (09/11/2004)
Hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN:1tiền gà 3 tiền thóc! (06/11/2004)
Số DN đăng ký mới tăng mạnh (06/11/2004)
Người nghèo khó tiếp cận thị trường đất đai (05/11/2004)
Oxfam: Vào WTO, Việt Nam đang bị các nước giàu "ép" (03/11/2004)
Cấp bách dịch vụ trước thềm WTO (26/10/2004)
Đẩy nhanh thông quan hành lý xuất nhập cảnh (26/10/2004)
Chính sách chưa tạo động lực "thúc" DN nhà nước (21/10/2004)
25% lãnh đạo DN Việt Nam là nữ (19/10/2004)
Năng lực cạnh tranh tụt 15 hạng, VN khó thu hút FDI? (18/10/2004)
Lần đầu tiên VN tham gia đua thuyền buồm quốc tế (15/10/2004)
Doanh nghiệp hãy đứng trên đôi chân của mình (14/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang