Xúc tiến thương mại không chỉ là hội chợ, triển lãm!
18:02' 19/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Kinh phí dành cho xúc tiến thương mại mỗi năm, lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng đáng tiếc là số tiền này chưa được sử dụng hết và chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.

Hội nghị Xúc tiến Thương mại (XTTM) toàn quốc vừa được tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội nhằm đi tìm lời giải cho bài toán này. 

Soạn: AM 143776 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Hoạt động XTTM mới chỉ dừng ở hội chợ, triển lãm.

Theo Ông Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Cục XTTM, Năm 2003, trong 184 đề án XTTM được Chính phủ phê duyệt thì mới có 120 đề án đã được thực hiện (đạt 65%), 64 đề án còn lại không có khả năng thực hiện.

Còn năm 2004, 143 đề án đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng đến  30/8, mới có 5/28 đơn vị chủ trì được cấp tạm ứng với số tiền khoảng 5,45 tỷ để thực hiện.

Bất cập của việc thực hiện là khoản tiền trên dưới 200 tỷ đồng mỗi năm cho XTTM thì Bộ Tài chính nắm, còn chi tiêu thì do Bộ Thương mại quyết. Kết quả là DN gặp không ít khó khăn khi xin duyệt các chương trình XTTM tại một nơi mà xin tiền lại một nẻo. Tiến độ thực hiện các đề án một phần vì vậy cũng chậm trễ. Đến ngày 31/8/2004, tổng số kinh phí đã được Bộ Tài chính ứng cấp cho các chương trình mới đạt 30,809 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% trong tổng số tiền dự kiến ngân sách nhà nước hỗ trợ.

DS.Nguyễn Trọng Đễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Dược VN dẫn một quy định bất hợp lý làm hạn chế thời gian triển khai của DN. Đó là: việc triển khai các chương trình, đặc biệt là triển lãm, khảo sát tại nước ngoài và tổ chức đào tạo với giảng viên người nước ngoài mất rất nhiều thời gian. Trung bình chuẩn bị cho triển lãm tại nước ngoài mất 3 tháng, trong khi phê duyệt của Bộ Thương mại thường là quý II (năm 2003 là cuối quý II, năm 2004 là cuối tháng 4). Bộ Tài chính phê duyệt cũng phải đến quý III.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan yêu cầu hai bộ Thương mại và Tài chính phải sớm có giải pháp gỡ khó cho DN.

Phó Thủ tướng phê phán phương pháp XTTM còn quá nghèo nàn . "Chúng ta vẫn loanh quanh trong triển lãm, hội chợ, một vài hội thảo, chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Hơn thế nữa, ở nhiều DN, ngành hàng, địa phương vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào cơ quan Trung ương. Tôi biết có nhiều DN, cán bộ khi đi ra nước ngoài chỉ tính cắp cặp, chụp ảnh rồi ra về, thậm chí tài liệu, catalogue cũng không mang theo...'', ông nói. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong chương trình XTTM trọng điểm quốc gia năm sau phải dành phần thích đáng cho đào tạo cán bộ XTTM, vì nhân tố quyết định nhất vẫn là con người làm XTTM. Người Nhật trong giai đoạn đầu đã không ngại ngần mang hàng hóa đến giới thiệu ở từng ngóc ngách trên thế giới. Ngân sách phải dành phần thích đáng cho đào tạo nhân lực XTTM chứ không chỉ là chi cho hội chợ, triển lãm.

Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc cho rằng XTTM phải trở thành công cụ để nắm bắt thị hiếu, gây dựng thiện cảm của DN và người tiêu dùng các nước với hàng hóa và sản phẩm của DN. Nên XTTM cần phải tính đến những vấn đề có tính hệ thống hơn, tạo lập được một cơ chế hữu hiệu hỗ trợ DN từ việc định hướng phát triển các dòng sản phẩm, dịch vụ đến chiến lược tiếp cận và thâm nhập thị trường...''.

  • Phương Thanh
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi