(VietNamNet) - Sau hơn 10 năm, hàng hóa trong các siêu thị đã diễn ra một hành trình đảo ngược khá thú vị: từ tỷ lệ cao hàng nhập khẩu thời gian đầu đã giảm dần và đến nay hàng sản xuất trong nước chiếm trên 70%.
|
Siêu thị đang trở thành kênh quảng bá quan trọng cho hàng Việt Nam. |
Đây là con số được ông Nguyễn Văn Sáng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Thương mại công bố tại Hội thảo ''Chính sách phát triển các mô hình phân phối hàng hóa hiện đại'' sáng 24/8 tại Hà Nội. Có những siêu thị như Co.opMart đến nay, tỷ lệ ''nội địa hóa'', tức hàng do DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất đã đạt đến 80-90%.
Siêu thị đang trở thành kênh quảng bá thương hiệu quan trọng cho hàng Việt Nam. Bình quân, mỗi hệ thống siêu thị có 2.000-3.000 nhà cung cấp là các DN, cơ sở sản xuất trong nước. Có những nhóm hàng Việt Nam đang chiếm tới tỷ lệ 85-95% như: thực phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo may sẵn, nước giải khát... Do hệ thống bán hàng trong siêu thị khá chắc chắn và ngày càng thu hút được đông đảo khách hàng nên siêu thị là một trong những mục tiêu mà các nhà sản xuất kinh doanh Việt Nam đặt ra khi tung sản phẩm ra thị trường.
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 170 siêu thị và trung tâm thương mại đang hoạt động tại 25/64 tỉnh, thành phố và khoảng 600 cửa hàng quy mô nhỏ khác bán hàng theo phương thức tự chọn. Việc tham gia của hàng hóa sản xuất trong nước các tại siêu thị đã làm thay đổi đáng kể giá bán giữa siêu thị và chợ. Nếu vài năm trước, người tiêu dùng ngại vào siêu thị vì giá bán ở đây thường cao hơn các chợ thì nay, khá nhiều mặt hàng tại siêu thị có giá bán bằng hoặc thậm chí thấp hơn giá chợ.
|